Nỗi đau “sinh nghề tử nghiệp”
Toàn tỉnh có trên 7.800 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, thu hút trên 293.000 LĐ trong và ngoài tỉnh đến làm việc. Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trình độ, tay nghề của một bộ phận LĐ chưa thích ứng với công nghệ, kỹ thuật hiện đại, nhận thức về ATVSLĐ còn hạn chế. Mặt khác, một số DN chạy theo lợi nhuận, chưa thật sự quan tâm đến công tác ATVSLĐ nên những yếu tố rủi ro, nguy hiểm, độc hại vẫn còn đe dọa sức khỏe, tính mạng NLĐ. Các ngành nghề thường xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) là: Xay xát, xây dựng, điện,...
Anh Đặng Văn Thao (ngụ ấp Tây, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) bị tai nạn lao động năm 2016 khi đang làm việc
Chỉ một phút lơ là, mất cảnh giác thì tai nạn đáng tiếc lại xảy ra, gây ảnh hưởng không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần, sức khỏe, thậm chí là tính mạng NLĐ. Không những thế, với những gia đình có người thân thiệt mạng trong những vụ TNLĐ, nỗi đau ấy như “vết thương” không thể nào lành. Nhiều vụ TNLĐ xảy ra đã lâu, nhưng mỗi khi nhắc đến, nhiều người không khỏi “rùng mình” vì hậu quả nặng nề khi có nhiều người thương vong trong những sự kiện ấy. Điển hình như vụ 5 công nhân (CN) xưởng đóng tàu thuộc Công ty Cổ phần Cơ khí Long An chết trong vụ nổ sà lan tại Bến Lức vào năm 2008; vụ sập trần bêtông Khu du lịch Vàm Cỏ Đông vào năm 2013 khiến 2 CN trẻ thiệt mạng là anh Lê Thanh Bình (27 tuổi) và anh Nguyễn Văn Tiến (22 tuổi), cùng ngụ xã An Thạnh, huyện Bến Lức. Mới đây, năm 2016, vụ lật xe đưa rước CN của Công ty TNHH BETHEL VINA (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) khiến 2 CN tử vong cùng 17 người trọng thương,...
Trường hợp tai nạn giao thông này cũng được xem là TNLĐ.Bên cạnh đó, nhiều người dù may mắn thoát khỏi “bàn tay tử thần” nhưng thương tật do TNLĐ lại ảnh hưởng vô cùng nặng nề, bởi, họ đang là trụ cột chính của gia đình. Anh Đặng Văn Thao, ngụ ấp Tây, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, là CN Cty TNHH MTV Bêtông Phan Vũ Long An (huyện Bến Lức), bị TNLĐ vào tháng 6/2016. Trong lúc sửa chữa thiết bị, anh vấp ngã rồi bị cuốn vào băng tải, cả bàn tay bị chèn ép, hoại tử phải tháo bỏ. Anh Thao chia sẻ: “Tôi là lao động chính của gia đình, phải nuôi vợ và 2 con nhỏ đang đi học.
Sau tai nạn, mức lương từ 10 triệu đồng/tháng, nay chỉ còn một nửa so với trước đây nên cuộc sống vất vả hơn rất nhiều. Không chỉ vậy, trong cuộc sống hàng ngày, tôi cũng gặp khó khăn vì mất đi bàn tay. Mong rằng, mọi người làm việc luôn cẩn thận, tránh gặp xui rủi để ảnh hưởng sức khỏe, kinh tế của bản thân và gia đình”.
Còn anh Mai Văn Thanh (sinh năm 1983), ngụ xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, làm việc tại Công ty Cổ phần Dệt Đông Quang (huyện Đức Hòa), do bất cẩn bị máy cắt đứt cả cánh tay, thương tật 70% vào năm 2016. Ba anh, ông Mai Văn Sơn bộc bạch: “Gia đình đã khó khăn, nay Thanh lại bị thương tật lại càng khó khăn hơn. Tôi cố gắng hỗ trợ xây căn nhà để vợ chồng con trai có nơi ăn, chốn ở ổn định, dành dụm tiền lo cho con ăn học. Bây giờ, tiền lương làm việc không thể được như trước, thời gian đầu bị mất thăng bằng nên con tôi đi đứng, sinh hoạt cũng khó khăn. Con mình sinh ra lành lặn, giờ bị mất đi cánh tay, tôi xót xa vô cùng!”.
Năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 275 vụ TNLĐ, trong đó có 9 vụ TNLĐ chết người làm 10 người chết và 11 người bị thương nặng, số vụ và số người chết giảm so với năm 2015. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 3 người chết và 38 người bị thương do TNLĐ. Trong đó, trường hợp mới nhất xảy ra vào ngày 27-4 tại huyện Cần Đước khiến nạn nhân N.C.Đ (sinh năm 1981), quê ở Hậu Giang - CN Công ty TNHH May thêu Thuận Phương (xã Long Cang, huyện Cần Đước) bị điện giật tử vong khi đang làm việc.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh tỉnh đến thăm những trường hợp bị tai nạn lao độngPhát huy vai trò của các cấp Công đoàn
Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh, ngoài những trường hợp TNLĐ thống kê được, trên thực tế, số vụ TNLĐ xảy ra có khả năng cao hơn. Tình hình khai báo TNLĐ và báo cáo định kỳ TNLĐ chưa được nhiều DN quan tâm, nhất là các vụ TNLĐ nặng làm từ 2 người bị thương trở lên và TNLĐ chết người. Từ đó, dẫn đến việc điều tra TNLĐ chậm, không khách quan. Chính vì vậy, bên cạnh cơ quan chức năng, các tổ chức CĐ phải phát huy vai trò bảo vệ NLĐ, góp phần đưa pháp luật về ATVSLĐ đi vào cuộc sống. Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Cơ khí Công nghệ cao Đại Dũng (huyện Đức Hòa) - Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Công ty luôn quan tâm các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ, cung cấp trang phục bảo hộ, phân chia khu vực sản xuất và khu vực độc hại,... Ngoài ra, CN cũng có ý thức cao nên trong 3 năm gần đây, công ty chỉ xảy ra 3 trường hợp bị TNLĐ nhẹ. Khi được làm việc trong môi trường an toàn, NLĐ an tâm hơn, hiệu quả công việc cao hơn”.
Chủ tịch CĐ Các khu công nghiệp tỉnh - Nguyễn Xuân Mai thông tin: “Bảo đảm ATVSLĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức CĐ nhằm hạn chế tối đa TNLĐ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng NLĐ. Chúng tôi thành lập nhiều đoàn kiểm tra nên TNLĐ tại các khu công nghiệp giảm rất nhiều trong thời gian qua, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng LĐ. Ngược lại, mỗi NLĐ cũng phải tự ý thức bảo vệ tính mạng của bản thân, không được lơ là trong quá trình làm việc”.
Thời gian qua, các cấp CĐ phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về ATVSLĐ ở các DN, can thiệp kịp thời các vấn đề ATVSLĐ, giúp DN ổn định sản xuất và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh - Nguyễn Văn Quí, nhiều người sử dụng LĐ chưa thật sự quan tâm ATVSLĐ; việc huấn luyện cho NLĐ còn sơ sài; máy móc, trang thiết bị, bảo hộ LĐ không bảo đảm; bản thân NLĐ chủ quan trong quá trình vận hành máy móc; công tác tuyên truyền không thường xuyên, sâu rộng;... là những nguyên nhân góp phần dẫn đến TNLĐ.
Người lao đông cần cẩn thận trong quá trình làm việc nhằm tránh xảy ra tai nạn đáng tiếcNăm 2017 là năm đầu tiên triển khai Tháng hành động ATVSLĐ với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các TNLĐ và bệnh nghề nghiệp”. Trong đó, CĐ có trách nhiệm cải thiện sự an toàn, điều kiện vệ sinh, xây dựng văn hóa an toàn LĐ, góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng năng suất LĐ. Thời gian tới, đề nghị các cấp CĐ cần đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; phát động phong trào thi đua; tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra; bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ làm công tác ATVSLĐ,...
Chỉ một phút lơ là, mất cảnh giác, TNLĐ xảy ra thì hối hận sẽ muộn màng. Vì vậy, ATVSLĐ phải được thực hiện nghiêm túc, gắn liền với tất cả hoạt động của cá nhân, đơn vị. Không riêng Tháng hành động về ATVSLĐ, việc nâng cao cảnh giác trước những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức phải là nhiệm vụ xuyên suốt, không chỉ của người sử dụng LĐ hay NLĐ mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội./.
Ngày 16/5/2017, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tổ chức họp mặt CN-LĐ bị TNLĐ nặng nhân Tháng hành động về ATVSLĐ lần 1-2017 nhằm chia sẻ, động viên CN-LĐ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, đồng thời, tăng cường tuyên truyền Luật ATVSLĐ và phối hợp thăm hỏi 95 CN-LĐ và gia đình có người thân tử vong do TNLĐ. |
Phạm Ngân