Tiếng Việt | English

25/03/2021 - 09:19

Báo tin giả, bị xử lý thật

Báo tin giả, truyền tin giả là hành vi gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm nhiễu loạn thông tin, khiến người dân hoang mang. Trong thực tế, trên địa bàn tỉnh Long An đã có nhiều đối tượng bị xử lý vi phạm do đến cơ quan trình báo tin giả.

Công an làm việc với một trường hợp báo tin giả bị cướp

Công an làm việc với một trường hợp báo tin giả bị cướp

Đến công an báo tin giả

Nếu như trước đây, nhiều người cứ nghĩ Tổng đài 114 của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Tổng đài 113 Đội phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội mới bị các cuộc gọi rác quấy rối, chọc phá, báo tin cháy, tội phạm giả nhưng thực ra còn có những đối tượng trực tiếp đến cơ quan công an báo tin giả. Gần đây nhất là vào ngày 17/3/2021, Công an xã Thủy Đông, huyện Thanh Hóa lập hồ sơ xử lý đối tượng L.T.T.H. (SN 1973) theo quy định của pháp luật đối với hành vi báo tin giả bị cướp. Trước đó, H. trình báo công an vụ việc đang lưu thông trên đường thì bị 5 đối tượng đi trên 3 xe môtô chặn lại và thực hiện hành vi cướp tài sản. Theo H., tài sản bị cướp gồm 2 điện thoại di động, 7,7 chỉ vàng 18K, 5 chỉ vàng 24K và 5 triệu đồng tiền mặt.

Bằng công tác nghiệp vụ, công an xác định thông tin này không đáng tin cậy. Cuối cùng, H. thừa nhận không hề xảy ra vụ cướp như trình báo. “Lý do báo tin giả là vì trước đó đã đem số tài sản trên đi cầm cố để trả nợ. Do sợ bị gia đình phát hiện, la mắng nên nghĩ ra chiêu thức báo tin giả đến cơ quan công an để lừa gạt người thân” - H. khai với cơ quan công an.

Theo Thượng tá Mai Thành Lục - Trưởng Công an huyện Châu Thành, đơn vị cũng từng nhận tin báo của N.V.H. (SN 1969), ngụ huyện Mộc Hóa, về việc bị một người phụ nữ cho uống thuốc ngủ rồi cướp 8 triệu đồng, 2 chỉ vàng 24K và một số giấy tờ tùy thân. Qua thu thập tài liệu, chứng cứ, lực lượng công an xác định N.V.H. bịa chuyện, báo tin giả. Làm việc với công an, N.V.H. khai, người phụ nữ đó trước đây là tình nhân, sinh sống chung với N.V.H. Tuy nhiên, do mâu thuẫn nên đã bỏ đi, vì vậy, N.V.H. báo tin giả để người phụ nữ này sợ, quay trở về chung sống.

Tại địa bàn TP.Tân An, vừa qua có trường hợp N.N.H.N. (SN 2001) đến Công an phường 2 trình báo đang điều khiển xe môtô đi trên đường Trương Định thì bất ngờ có 2 đối tượng điều khiển xe môtô áp sát giật chiếc ba lô bên trong có 285,5 triệu đồng chạy về hướng đường Mai Thị Tốt tẩu thoát. Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định N. báo tin giả. Cuối cùng, làm việc với công an, N. thừa nhận hành vi vi phạm. Lý do N. khai cung cấp tin giả là vì trước đó hứa cho tiền cha mẹ sửa nhà nhưng do làm ăn thua lỗ nên nghĩ ra cách giả bị cướp giật hết tiền để không bị gia đình la mắng.

Thời gian qua, Công an huyện Bến Lức cũng nhận được những tin báo giả bị cướp. Trường hợp P.T.T. (SN 1992), ngụ huyện Bến Lức, trình báo khoảng 22 giờ 10 phút điều khiển xe môtô qua ấp 4, xã Thanh Phú, bị 4 thanh niên dùng dao khống chế, cướp xe. Thế nhưng, qua làm việc, T. khai đã cầm xe lấy tiền trả nợ nhưng sợ gia đình biết nên báo tin giả bị cướp.

Giả thông báo của công an đưa lên mạng xã hội

Ngoài những mục đích nhằm lừa gạt gia đình, trốn tránh trả nợ, níu kéo tình cảm như trên thì cách đây chưa lâu còn có trường hợp báo tin giả cho công an để được ngủ nhờ qua đêm. Cụ thể, N.V.C. (32 tuổi), ngụ tỉnh An Giang, điều khiển xe máy từ nhà trọ ở huyện Củ Chi (TP.HCM) về quê. Gần 1 giờ sáng, lưu thông qua đoạn Đường tỉnh 830 thuộc địa phận xã Lương Hòa, huyện Bến Lức (Long An). Lúc này, C. kiểm tra trong túi quần thì phát hiện bỏ quên cái bóp và tiền ở nhà trọ. Với suy nghĩ để có chỗ ngủ qua đêm, C. chạy vào trụ sở Công an xã Lương Hòa báo tin giả bị nhóm thanh niên 6 người đi 3 xe máy chặn đường, khống chế cướp 1 điện thoại di động cùng số tiền 4,5 triệu đồng, đoạn qua xã Lương Bình.

Ngoài báo tin giả, Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết, thời gian gần đây còn phát hiện nhiều trường hợp tung tin bịa đặt, thất thiệt, không có thật lên mạng xã hội, nhất là từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19. Trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử phạt gần 15 trường hợp bịa đặt, thông tin thêu dệt về dịch bệnh Covid-19 lên mạng xã hội.

Không chỉ báo và truyền đạt thông tin giả mà qua xác minh của phóng viên, còn có cả hành vi giả mạo thông báo, văn bản của cơ quan công an rồi đăng tải lên mạng xã hội gây hoang mang trong dư luận. Đại tá Phạm Công Bô - Trưởng Công an huyện Tân Thạnh, cho biết: “Cuối tháng 8-2020, trên mạng xã hội bỗng dưng lan truyền một thông báo giả mạo của công an truy tìm bé gái, ngụ thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, bị mất tích và có kèm theo ảnh”.

Theo nội dung thông báo giả mạo nêu trên, vào ngày 26/8/2020, bé L. (SN 10/10/2018), ngụ thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, bị mất tích lúc 19 giờ ngày 25/8/2020. Đặc điểm của đối tượng nghi vấn liên quan đến việc bé bị mất tích là thanh niên khoảng 30 tuổi, mặc áo khoác đen, người gầy, cao khoảng 1,7m. Qua đó, đề nghị, ai có thông tin về bé gái, đối tượng khả nghi thì liên hệ với Công an thị trấn Tân Thạnh, kèm theo số điện thoại di động. Dưới thông báo giả này còn thể hiện dấu đỏ của Công an thị trấn và ký tên Trưởng Công an thị trấn.

Nhìn qua, nhiều người cứ ngỡ là thông báo thật, rồi lo lắng và đồn thổi, suy diễn có bắt cóc trẻ em. Thông tin giả này cứ thế được chia sẻ, lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Để định hướng dư luận, Công an huyện Tân Thạnh phải ra thông báo nói rõ bản chất sự việc để người dân yên tâm và đề nghị không chia sẻ thông tin bịa đặt này lên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận.

“Trước việc làm thông báo giả và tung tin bịa đặt như thế, gây hoang mang dư luận nên chúng tôi đã vào cuộc điều tra, xác minh, truy tìm đối tượng thực hiện hành vi để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật” - Đại tá Phạm Công Bô - Trưởng Công an huyện Tân Thạnh, cho biết./.

Điểm b, khoản 2, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự thì hành vi báo thông tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt hành chính từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Đối với hành vi báo cháy giả, theo điểm a, khoản 3, Điều 40 của Nghị định này quy định mức xử phạt từ 2-5 triệu đồng.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, hành vi gọi điện đến các số 113, 114 để quấy nhiễu có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết