Tiếng Việt | English

29/10/2023 - 07:42

Bảo vệ cho con cái trên mạng là cha mẹ chứ ai

Nếu có một gia đình an toàn cho con, nơi con muốn chia sẻ với cha mẹ nhiều điều, và những kỹ năng sử dụng Internet an toàn, thì không thứ độc hại nào trên mạng xã hội có thể xâm hại được tới con trẻ.

Bảo vệ con trên Internet là thách thức không nhỏ với cha mẹ hiện nay - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Nhận định của nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú tại sự kiện giao lưu An toàn trực tuyến cho trẻ em do NXB Kim Đồng, Trung tâm Sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng (CFC Việt Nam)... tổ chức ngày 28-10 tại Hà Nội nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, các phụ huynh.

Tâm sự hoang mang của những cha mẹ

Nói về việc sử dụng Internet của trẻ em Việt Nam hiện nay, bà Đinh Thị Như Hoa (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ TT-TT) đúc kết bằng một câu nói vui: Mạng, YouTube thành bảo mẫu số trong nhiều gia đình.

Buổi giao lưu đã ghi nhận nhiều tâm sự hoang mang của các bậc cha mẹ trong việc bảo vệ con mình trên mạng xã hội.

Một bà mẹ trẻ nêu tâm sự ở nhà chị, các con không được sử dụng Internet nhiều cho mục đích giải trí như chơi game, dùng mạng xã hội... và các con chị cũng rất "hợp tác". Nhưng một ngày chị không biết lựa chọn của gia đình mình có tốt cho con, có đang đẩy con mình vào tình thế "lạc loài".

Đó là ngày con chị tâm sự rằng bé trở nên lạc lõng trước các câu chuyện của nhóm bạn bè vì các bạn toàn nói chuyện với nhau về những game đang chơi hoặc những câu chuyện bàn tán gì đó trên mạng mà bé không tham gia. Chị tất nhiên không muốn con mình khó hòa nhập với bạn bè nên chị thật sự hoang mang.

Không chỉ người mẹ trẻ hạn chế con sử dụng Internet cảm thấy hoang mang, những ông bố bà mẹ không kiểm soát được việc sử dụng Internet của con cũng hoang mang không kém.

Internet là nỗi bối rối không của riêng ai và là xu thế không thể chối bỏ. Nên nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú dù đến với sự kiện trong vai trò là diễn giả, nhưng anh nhận mình đến đây là để nghe, để học về cách bảo vệ con mình trên Internet.

Anh chia sẻ tình thế khó khăn chung của các phụ huynh thời đại số. Đó là cha mẹ lo lắng khi con lên mạng nhưng cấm con lên mạng là đánh mất tương lai của con, vì tất cả đều đã số hóa và đó là xu thế không thể cưỡng lại. Nhưng bảo vệ con thế nào thì câu trả lời cũng chẳng dễ dàng, thậm chí đầy khổ tâm.

Đương nhiên phụ huynh là có lỗi lớn nhất trong mối nguy hại các con gặp trên mạng. Tuy nhiên "tuổi đời online" của nhiều bậc cha mẹ hiện nay xét cho cùng cũng gần tương đương với "tuổi đời online" của con.

Chính các phụ huynh cũng bị bất ngờ trước Internet, bị lừa đảo, bị bắt nạt, bị nghiện Internet y như trẻ con, cũng ngơ ngác trên mạng như lũ trẻ. Vậy thì cha mẹ lấy gì để bảo vệ con mình?

An toàn từ gia đình trước khi an toàn trên mạng

Theo ông Tú, không thể đơn giản dùng quyền làm cha mẹ để bảo vệ con bằng cách cấm đoán, cưỡng ép con không dùng Internet. Bởi khi cấm đoán con, chính là lúc chúng ta đang đóng dần cánh cửa kết nối, sẻ chia giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ không còn là nơi để các con giãi bày, tâm sự nữa. Con gặp vấn đề trên mạng sẽ tìm cách giải quyết trên mạng chứ không giải quyết cùng cha mẹ trên bàn ăn của gia đình.

Bà Như Hoa dẫn báo cáo tháng 8-2022 của nhiều cơ quan, trong đó có Unicef cho biết có nhiều thông tin giật mình như tỉ lệ sử dụng Internet của trẻ em rất lớn, tình trạng xâm hại trẻ em, tỉ lệ trẻ bị lừa đảo, bị ép tham gia các hoạt động phi pháp...

Đặc biệt, báo cáo cho biết một thực trạng đáng lo ngại: đa phần trẻ bị xâm hại hoặc quấy rối trên mạng thường không nói với cha mẹ, thầy cô, người chăm sóc... Nếu có chia sẻ, các em chọn chia sẻ với bạn. Các em cũng không sử dụng bất cứ hình thức trình báo nhờ giúp đỡ từ các cơ quan bảo vệ trẻ em nào như công an hay các số hotline hỗ trợ trẻ em.

Ông Tú cho rằng cha mẹ cần học về Internet và học cùng con. Không phải là sử dụng quyền cha mẹ quát mắng, ra nguyên tắc bắt con phải tuân thủ mà cha mẹ cần cùng con xây dựng nguyên tắc và chính họ phải tuân thủ nguyên tắc đó trước.

"Nếu chúng ta là những ông bố bà mẹ an toàn, các con sẽ kể hết với chúng ta về những nguy hại các con gặp trên mạng. Như thể sẽ không sợ những rác trên mạng bám dính vào con mình, không cái gì nhiễm được vào con", ông Tú nói.

Hơn thế nữa, cha mẹ cần tạo ra vòng tròn an toàn cho mọi đứa trẻ chứ không chỉ riêng con mình. Phải cùng nhau xây tấm lá chắn cho cả con cái người khác, tạo ra một cộng đồng an toàn cho các con.

Cha mẹ có thể tìm thấy nhiều hỗ trợ

Bà Đinh Thị Như Hoa cho biết các cha mẹ hiện có thể tìm thấy nhiều tài liệu truyền thông về bảo vệ con trên môi trường mạng từ các tài liệu do các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động bảo vệ trẻ em xây dựng để đồng hành cùng con.

Những cuốn sách như Cẩm nang sử dụng Internet an toàn và hiệu quả của nhóm tác giả Hoàng Anh, Hồng Ánh, Thu Thủy (NXB Kim Đồng)... cũng là những tài liệu rất hữu ích.

Gần đây, One Touch - nền tảng học trực tuyến mở đại trà do Bộ TT-TT là cơ quan chủ quản, VTC NETVIET vận hành - cũng cung cấp hai khóa học miễn phí có tên Làm bạn cùng con trên môi trường số.

Theo TTO

Nguồn: https://tuoitre.vn/bao-ve-cho-con-cai-tren-mang-la-cha-me-chu-ai-20231028230534106.htm

Chia sẻ bài viết