Làng quê thay đổi
Ngày cuối tuần, chúng tôi đến ấp văn hóa Bình Nam. Dưới những hàng cây xanh mát mẻ, đường quê đều được láng nhựa, bêtông hóa hay trải đá dăm, sỏi đỏ. Khung cảnh thật yên bình. Xa xa, một nhóm phụ nữ khoảng 10 người vừa nhổ cỏ, trồng hoa, vừa trò chuyện rôm rả. Dưới ánh nắng ban mai, đôi bàn tay các chị thoăn thoắt, không khí làm việc trở nên vui vẻ.
“Như thành thông lệ, 2 năm trở lại đây, vào ngày cuối tuần hoặc khi nào rảnh rỗi là những chị em trong ấp rủ nhau đi làm cỏ, quét dọn, trồng hoa ở tuyến đường này. Nhờ bàn tay khéo léo của các chị, cảnh quan môi trường làng quê thêm xanh, sạch, đẹp” - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Bình Tâm - Trần Thị Phương Uyên thông tin.
Phụ nữ Bình Tâm tham gia dọn cỏ, chăm sóc hoa
Không những vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Bình Tâm còn phối hợp các hội, đoàn thể trong xã: Thanh niên, Nông dân, Cựu chiến binh,... trồng hoa, cây xanh,... ở đường ấp 3 và đường Nguyễn Thông, góp phần làm cho diện mạo Bình Tâm thay đổi.
Ông Nguyễn Hồng Vĩnh - người dân xã Bình Tâm, chia sẻ, những năm trước, Bình Tâm mặc dù thuộc TP.Tân An nhưng là xã ngoại thành nên đường sá chưa được đầu tư, nâng cấp, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa. Mấy năm gần đây, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, thành phố và tỉnh, cuộc sống người dân dần thay đổi. Họ chuyển từ trồng lúa sang trồng thanh long, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, một bộ phận khác sinh sống bằng nghề mua bán và đi làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp,... Kinh tế cải thiện, đi lên, đời sống tinh thần cũng tốt hơn. “Chúng tôi tham gia câu lạc bộ cờ tướng. Sau một ngày làm việc vất vả, chúng tôi tụ họp để đánh cờ và trò chuyện. Bên bàn trà, những câu chuyện về tình làng, nghĩa xóm cứ thế được tiếp diễn...” - ông nói.
Nâng chất các tiêu chí
Địa phương hiện có 9 tuyến đường liên xã được nhựa hóa với tổng chiều dài gần 14km, đạt 100%. Bên cạnh đó, các tuyến đường liên ấp được bêtông hóa và trải đá xanh đạt chuẩn. Tổng kinh phí nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn thời gian qua trên 14 tỉ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 3,7 tỉ đồng. Từ ngày các tuyến đường được đầu tư xây dựng, đời sống cũng như sinh hoạt của người dân nơi đây đổi thay tích cực, không chỉ đi lại dễ dàng hơn mà còn mở ra nhiều cơ hội trong làm ăn, mua bán, trao đổi hàng hóa.
Về TC thủy lợi, năm 2010, hệ thống thủy lợi của xã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Xã có hơn 10km kênh nội đồng, đáp ứng được 100% diện tích tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, hệ thống cống thủy lợi: Cống Bình Tâm, cống ấp 1, cống ấp 2 và hệ thống cống các ấp còn lại đều bảo đảm điều tiết thủy triều, đáp ứng tốt cho sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chương trình XDNTM, xã đầu tư trên 1,6 tỉ đồng để duy tu, sửa chữa và nâng cấp hệ thống thủy lợi.
Trạm cấp nước trên địa bàn xã được đầu tư, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch
Thực hiện TC số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, Bình Tâm phải có trung tâm văn hóa - thể thao và các ấp phải có nhà văn hóa để sinh hoạt, hội họp. Năm 2010, xã chưa đáp ứng được TC này. Năm 2013, địa phương được thành phố tập trung đầu tư trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng, chính thức đưa vào sử dụng vào tháng 8/2014. Trên địa bàn xã hiện nay có sân bóng đá bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu thể dục - thể thao của người dân. 5/5 ấp của xã đều có nhà văn hóa.
Chủ tịch UBND xã Bình Tâm - Lê Phú Huyền cho biết, mặc dù đạt xã NTM nhưng địa phương luôn ra sức củng cố, nâng chất các TC đạt chưa trọn vẹn. Đó là thu nhập, môi trường, nước sạch, tỷ lệ hộ nghèo,... Tính từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã, người dân chuyển đổi gần 30ha diện tích từ trồng lúa sang trồng thanh long, nâng tổng diện tích trồng thanh long tại địa phương trên 90ha. Xã đẩy mạnh công tác tư vấn và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến khích kinh doanh, mua bán,... Đến nay, mức thu nhập của người dân đạt khoảng 57 triệu đồng/người/năm. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 9%, thì đến năm 2018, giảm còn 2,23%. Xã cũng được đầu tư hệ thống xử lý nước sạch. Địa phương có 21 trạm cấp nước, trên 10 giếng nước được khử trùng,... đưa tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt gần 75%. Xã tập trung xử lý những điểm ô nhiễm; vận động người dân giảm tái đàn trong chăn nuôi; hướng dẫn xử lý vệ sinh chuồng trại theo quy định thông qua tập huấn; tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp;... Các hội, đoàn thể tích cực vận động hội viên, đoàn viên tham gia các mô hình bảo vệ môi trường, trồng cây xanh trên các tuyến đường,.../.
Nguyệt Nhi