Tiếng Việt | English

18/05/2021 - 09:31

Các danh hiệu văn hóa trong thực tế

Năm 2020, toàn tỉnh Long An có 97,5% gia đình văn hóa, 99,79% ấp, khu phố văn hóa, 106/161 xã đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới, 22/27 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Con số trên phần nào phản ánh hiệu quả tích cực của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định trong việc bình xét các danh hiệu văn hóa tại địa phương, đặc biệt là danh hiệu gia đình văn hóa. Do đó, cần có một hướng dẫn chi tiết và thống nhất trên toàn tỉnh để việc bình xét ngày càng đi vào thực chất.

Việc bình xét các danh hiệu văn hóa ngày càng đi vào thực chất

Mỗi nơi một cách làm

Trong năm 2020, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa không xảy ra trường hợp nghiện ma túy mới, và hiện có 6 thanh niên đang được các đoàn thể xã, ban ấp quản lý sát sao với mô hình Gặp gỡ, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật theo tiêu chí 1+5. Đây là mô hình do xã thành lập, nhằm mục tiêu phát huy sức mạnh của đoàn thể trong việc quản lý, tạo điều kiện cho các thanh niên lầm lỡ có cơ hội quay đầu làm lại cuộc đời. Nhờ quản lý chặt chẽ các đối tượng, không để xảy ra các hành vi gây rối, mất an ninh, trật tự nên những gia đình có người nghiện ma túy vẫn được xem xét đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Nói về điều này, Trưởng ấp Gò Dồ, xã Bình Hòa Tây – Lê Văn Tưởng giải thích: “Nếu trong gia đình có người nghiện ma túy thì sẽ không xét gia đình văn hóa vào năm đầu tiên khi vừa bị phát hiện. Các năm sau đó, dù cho người nghiện chưa thể cai nhưng gia đình và bản thân người nghiện có thái độ hợp tác với chính quyền địa phương, ban ấp thì gia đình sẽ bị trừ điểm trong các tiêu chí, vẫn được xét công nhận gia đình văn hóa”.

Điều 7, Nghị định 122/2018/NĐ-CP quy định về việc xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” nêu rõ các thành viên trong gia đình mắc các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, trộm cắp, tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc thì gia đình sẽ không được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cai nghiện ma túy là một điều hết sức khó khăn, nếu không áp dụng biện pháp cai nghiện tập trung.

Chính vì thế, một số địa phương “linh động” trong việc xét gia đình văn hóa cho các gia đình có thành viên nghiện ma túy. Trừ năm đầu tiên mới phát hiện ra, các năm còn lại gia đình có thành viên nghiện ma túy không bị áp dụng điểm liệt mà chỉ trừ điểm trong quá trình xét gia đình văn hóa. Đây cũng là vấn đề mà Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Nguyễn Thị Thủy trăn trở. Bà Thủy cho biết, do Nghị định 122/2018/NĐ-CP chưa có hướng dẫn cụ thể nên các địa phương tùy tình hình thực tế mà có cách làm khác nhau.

Ý thức người dân dần được nâng lên, người dân vui vẻ đóng góp cùng chính quyền địa phương để xây dựng quê hương. (Trong ảnh: Đường giao thông nông thôn ấp Thanh Quới, xã Thanh Phú Long được bê tông hóa, có đèn đường thắp sáng và trồng cây hai bên đường)

Điều đó được thể hiện khá rõ trong quá trình bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa tại các địa phương. Theo Nghị định 122/2018/NĐ-CP, việc bình xét chấm điểm gia đình văn hóa phải có sự có mặt của ít nhất 60% người dân địa phương. Tuy nhiên, tập hợp người dân là việc rất khó khăn. Chính vì thế, mỗi địa phương lựa chọn cách thức thực hiện khác nhau. Tại ấp Thanh Quới, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, việc bình xét, chấm điểm được thực hiện với các ngành, đoàn thể có liên quan, và đại diện một vài hộ dân. Tại ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, việc bình xét được thực hiện nhiều lần theo từng cụm dân cư.

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Bình Quới – Lê Phong cho biết: “Mỗi ấp trong xã đều có khoảng 4 – 5 Tổ An ninh trật tự, họp hàng tháng. Việc chấm điểm gia đình văn hóa được lồng ghép trong các cuộc họp Tổ An ninh trật tự, sau đó tổng hợp lại”. Đó là cách đa số các địa phương thực hiện trong quá trình bình xét chấm điểm danh hiệu Gia đình văn hóa.

Trong cách thức bình xét cũng có sự khác biệt. Có địa phương thực hiện chấm điểm gia đình văn hóa, có địa phương chỉ áp dụng khung điểm liệt đối với các gia đình có vi phạm và không thực hiện chấm điểm. Có nơi áp dụng cả việc chấm điểm kết hợp thực tế đời sống các hộ gia đình tại địa phương. Sau khi công nhận, việc công bố kết quả cũng khác nhau: Công bố trong ngày hội đại đoàn kết, công bố trên loa đài, dán tại nhà văn hóa ấp và thông qua các hộ dân có tham gia cuộc họp bình xét tại ấp,…

Điểm sáng của phong trào

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Qua quá trình phúc tra tại một số địa phương, tôi nhận thấy việc bình xét các danh hiệu văn hóa ngày càng đi vào thực chất. Một số địa phương có sáng kiến trong quá trình bình xét nhằm bảo đảm số lượng người dân tham gia bình xét. Tỷ lệ gia đình văn hóa tại các địa phương hầu hết là khá cao, trên 90%. Điều này sẽ rất tốt nếu đó là con số thực chất. Sau đợt phúc tra, Sở sẽ có báo cáo cụ thể cho Ban Chỉ đạo Xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh để có các hướng dẫn cụ thể, thống nhất cho các địa phương trong quá trình thực hiện bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, ấp văn hóa, xã văn hóa - nông thôn mới”.

Phong trào Toàn xây đoàn kết xây dựng dời sống văn hóa tại các địa phương đã nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân (Trong ảnh: Người dân tại nông thôn treo cờ ngày lễ 30/4 và 01/5)

Mặc dù còn lắm khó khăn nhưng không thể phủ nhận phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại các địa phương đã nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Trong dịp lễ 30/4, 01/ 5 vừa qua, dọc theo các tuyến đường chính, đường giao thông nông thôn khắp các xã trên địa bàn tỉnh đều đỏ rực màu cờ. Đó là kết quả quá trình vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương. Tại các huyện, đường giao thông nông thôn dần được bê tông hóa, có đèn đường thắp sáng và được trồng hoa dọc hai bên đường tạo cảnh quan. Bộ mặt nông thôn đang dần thay đổi!

Ý thức của người dân cũng dần được nâng lên, các điển hình tiên tiến về hiến đất làm đường, nhiệt tình với công tác xã hội ngày càng nhiều. Người dân vui vẻ đóng góp cùng chính quyền địa phương để xây dựng quê hương. Ông Trần Văn Thủy, ngụ ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, đã không ngần ngại hiến hơn 400m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Không chỉ vậy, ông còn vận động người thân hiến đất mở đường. Nhờ vậy, tuyến đường liên ấp nhỏ, hẹp đã trở thành đường bê tông rộng gần 4m thẳng tắp. Ông Thủy là người có uy tín tại địa phương, nhiều lần cùng ban ấp vận động, hòa giải cho các gia đình trong ấp.

Ông Thủy cho biết: “Chúng tôi có Tổ An ninh trật tự nên bất kỳ xích mích, mâu thuẫn nào trong gia đình người dân chúng tôi đều được báo lại. Tùy mức độ mà ban ấp có cách hòa giải, vận động khác nhau. Nhờ vậy, các vấn đề được giải quyết ngay từ đầu”. Giải quyết những mâu thuẫn tại địa phương ngay từ khi mới phát sinh là cách các ấp giữ cho ấp mình không xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự hay khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Nhìn chung, việc xây dựng các danh hiệu văn hóa trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực, đáng biểu dương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bình xét tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Phần lớn nguyên nhân đến từ việc chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể ngoài Nghị định 122/2018/NĐ-CP và ý thức, sự quan tâm của người dân đến các danh hiệu còn chưa thực sự cao. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cần tiếp tục nâng chất để việc đánh giá, bình xét các danh hiệu văn hóa được gần và sát với thực tế hơn./.

Chúng tôi có niêm yết danh sách tại nhà văn hóa ấp, nhưng không có ai đến xem. Người dân thường biết kết quả xét Gia đình văn hóa thông qua truyền tai nhau. Các hộ có tham gia bình xét sẽ về nói lại với người không tham gia.

Trưởng ấp Gò Dồ, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa - Lê Văn Tưởng

Việc cai nghiện ma túy là rất khó nên nếu gia đình có một thành viên nghiện ma túy trong nhiều năm mà địa phương áp dụng cứng nhắc, không xét gia đình văn hóa cho gia đình ấy thì cũng rất khó! Nói về thực tế, mức độ khác biệt giữa các gia đình được công nhận gia đình văn hóa và không được công nhận gia đình văn hóa thường không quá cao. Một bộ phận người dân cũng khá thờ ơ với việc bình xét gia đình văn hóa.

Trưởng ấp Thanh Quới, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành - Nguyễn Chí Thanh

Ở ấp chúng tôi bình xét gia đình văn hóa lồng ghép vào họp Tổ An ninh trật tự nên người dân tham gia cũng cơ bản đầy đủ. Chúng tôi bình xét bằng cách ban ấp sẽ đi gặp các đoàn thể, công an trước để thu thập các thông tin vi phạm, điểm liệt (nếu có) của các gia đình trong ấp. Khi bình xét chúng tôi chỉ nêu những gia đình có vi phạm để bình xét, góp ý kiến. Các gia đình còn lại không nêu nghĩa là họ thực hiện tốt và được công nhận là gia đình văn hóa.

Bí thư, Trưởng ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới, huyện Châu Thành – Trần Văn Hiếu

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã giúp nâng cao nhận thức của người dân. Từ đó, các gia đình tích cực đầu tư công sức, tiền của cải tạo nơi ăn chốn ở, nâng cấp kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, chung tay xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa – Hoàng Thị Thùy Như

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết