Tiếng Việt | English

30/10/2021 - 02:50

Cần Đước: Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Huyện Cần Đước, tỉnh Long An nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng huyện nông thôn mới.

Huyện quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với gia đình chính sách, hộ nghèo

Huyện quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với gia đình chính sách, hộ nghèo

Huyện rà soát các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách liên quan đến thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; cân đối, bố trí vốn, phân bổ nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030.

Triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đầu tư các công trình gắn với quy hoạch phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, vùng chuyên canh, hỗ trợ phát triển sản xuất; đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Cang (xã Mỹ Lệ) chia sẻ: “Năm 2020, được nhà nước hỗ trợ vay vốn, tôi nuôi vịt và có thu nhập ổn định nên đã thoát nghèo”. Không riêng ông Cang, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện cũng được các cấp, các ngành tạo điều kiện để vay vốn phát triển sản xuất với số tiền hàng tỉ đồng; đồng thời mỗi năm, phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho trên 6.000 lao động tại địa phương.

Chủ tịch UBND xã Tân Lân, huyện Cần Đước - Nguyễn Nhựt Luân thông tin: Sau 7 năm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Từ các nguồn lực, chính sách hỗ trợ, địa phương đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng; quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng/năm, toàn xã chỉ còn 33 hộ nghèo, chiếm 1,05%.

Bên cạnh chăm lo cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huyện còn thực hiện các chính sách về hỗ trợ giáo dục, đào tạo đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo, tăng cường giám sát không để tình trạng trẻ em bỏ học vì nghèo; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giải quyết kịp thời chế độ hỗ trợ, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo;… 

Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, huyện vận động xã hội hóa trên 19 tỉ đồng và hàng ngàn phần quà, gồm: Nhu yếu phẩm và vật tư y tế để hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, người nhiễm Covid-19, hộ đang thực hiện cách ly, khu phong tỏa,…

Cùng với đó, huyện thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối với thị trường lao động, thị trường hàng hóa; tạo điều kiện, hỗ trợ các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp phát triển.

Huyện chú trọng chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và các dịch vụ xã hội khác cho người nghèo…

UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tích cực phối hợp các ban, ngành và các doanh nghiệp hưởng ứng cuộc vận động Xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo; gây quỹ Ngày vì người nghèo; đẩy mạnh xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm - tín dụng, Tổ tương trợ, Quỹ tín dụng cho người nghèo, người có thu nhập thấp và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.

Huyện chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác giảm nghèo, về các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2030./.

Kim Thoa

Chia sẻ bài viết