Tiếng Việt | English

25/02/2016 - 16:34

Cần sớm sắp xếp lại chợ tự phát Thạnh Hóa

Khu chợ nông-lâm sản ở khu phố 3, thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An là chợ tự phát chuyên mua bán các sản phẩm đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, điều đáng nói là khu chợ này còn buôn bán các loại động vật hoang dã, trong đó có những loài thuộc danh mục cấm săn bắt, mua bán.

Thực trạng đáng báo động

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2015, ngành Kiểm lâm nhiều lần kiểm tra đột xuất tại chợ nông-lâm sản huyện Thạnh Hóa và xử phạt gần 50 triệu đồng đối với các hành vi mua bán động vật hoang dã trong danh mục cấm.

Việc người dân săn bắt, buôn bán động vật hoang dã hầu như ngành chức năng và chính quyền địa phương không quản lý hết được. Một số đối tượng từ các tỉnh lân cận như: Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp cũng săn bắt các loài động vật hoang dã rồi đem về đây bán. Cơ quan điều tra Công an huyện Thạnh Hóa từng khởi tố vụ án mua bán động vật quý hiếm có trong sách đỏ (cu li).

Khó khăn hiện nay là việc buôn bán động vật có trong danh mục cấm được tổ chức lén lút, khi khách có nhu cầu thì người bán mới đem ra chứ không bày bán công khai. Lực lượng chức năng lại khá mỏng nên không thể thường xuyên có mặt để kiểm tra, xử lý.

Điều quan trọng là nhiều khách hàng có tâm lý muốn thưởng thức những món ăn được chế biến từ động vật hoang dã, quý hiếm để chứng tỏ “đẳng cấp”, cũng có người tìm mua để chữa bệnh, bồi bổ cơ thể.

Bên cạnh đó, mức xử phạt còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe, vì thế, tình trạng săn bắt, mua bán động vật hoang dã vẫn cứ diễn ra qua nhiều năm mà chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Do chợ chưa được đầu tư nên việc buôn bán rất tự phát. Các dãy ki ốt xây dựng tạm, thấp, lụp sụp, hệ thống thoát nước chưa tốt có mùi hôi thối do phân động vật thải ra, ảnh hưởng đến vấn đề vệ sinh môi trường.

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Tạo cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản trong vùng nên trước đây, UBND huyện mượn tạm khu đất của tư nhân nằm trong khu quy hoạch hành chính của huyện để cho người dân buôn bán. Tuy nhiên, do việc buôn bán ngày càng phát triển, số lượng người bán trong chợ tăng lên đến gần 90 người nên có nhiều lĩnh vực không quản lý được (mua bán động vật quý hiếm, tình trạng ô nhiễm môi trường).

Chợ nông-lâm sản Thạnh Hóa buôn bán nhiều loài động vật hoang dã

Cần xây dựng chợ xứng tầm khu vực Đồng Tháp Mười

Việc buôn bán hàng hóa nông-lâm sản là nhu cầu tất yếu của người dân. Vì vậy, việc xây dựng một khu chợ để người dân buôn bán những sản phẩm đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười là rất cần thiết. Nhất là hiện nay, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng) được công nhận là khu Ramsar của thế giới; chắc chắn trong tương lai không xa lượng khách đến với Đồng Tháp Mười sẽ ngày càng nhiều hơn. Đây cũng là cơ hội để người dân nâng cao thu nhập, đồng thời giới thiệu những sản phẩm của quê hương đến với du khách bốn phương.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Huỳnh Quốc Việt cho biết: "Qua kiểm tra, Đoàn liên ngành kiến nghị UBND tỉnh sớm đầu tư xây dựng chợ nông-lâm sản đạt tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước để người dân, doanh nghiệp có chỗ tiêu thụ hàng hóa. Hiện tại, sở chỉ đạo Hạt kiểm lâm Thạnh Hóa và Đội Kiểm lâm cơ động tăng cường công tác quản lý, hạn chế đến mức thấp nhất việc săn bắt, mua bán động vật hoang dã, nhất là những loài có trong danh mục cấm cần được bảo tồn và phát triển. Kiên quyết xử lý nghiêm hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã với số lượng lớn; dùng phương pháp săn bắt có tính chất hủy diệt như: Chích điện, dùng hóa chất,...".

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Tạo cho biết thêm: Trước đây, huyện nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp xây dựng khu chợ nông-lâm sản đạt chuẩn. Tuy nhiên, do chưa có sự thống nhất của cơ quan chuyên môn nên vẫn chưa thực hiện được. Do chợ nằm trong khu quy hoạch, không thể phát triển được, nên UBND huyện đề ra 2 phương án:

Phương án 1 là thực hiện theo quy hoạch di dời chợ qua phía đối diện chợ hiện hữu. Nếu thực hiện theo theo phương án này cần được sự hỗ trợ của ngân sách, vì phải san lấp kênh, xây mới đường nội bộ chợ và nhiều hạng mục khác.

Phương án 2 là vẫn giữ nguyên chợ hiện hữu, đồng thời kêu gọi xã hội hóa để xây dựng các hạng mục: Dãy nhà lồng chợ, hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh và nơi xử lý rác. Sau khi việc xây dựng chợ hoàn chỉnh, UBND huyện sẽ thành lập Ban Quản lý chợ để thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh những bất cập về ô nhiễm môi trường, trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt việc buôn bán động vật hoang dã.

2 phương án UBND huyện Thạnh Hóa đề ra đều rất thiết thực với mong muốn chợ nông-lâm sản tồn tại và phát triển, tạo việc làm cho người dân, quảng bá hình ảnh Long An. Tuy nhiên, nó rất cần được sự ủng hộ của các cơ quan chuyên môn, cùng nhìn về mục tiêu, phấn đấu cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết