Tiếng Việt | English

11/07/2022 - 09:28

Cần sự chung tay trong thực hiện phân luồng học sinh

Phân luồng học sinh (HS) mang ý nghĩa quan trọng, góp phần cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển KT - XH của tỉnh Long An. Do vậy, công tác phân luồng HS, đặc biệt HS sau tốt nghiệp THCS được xã hội đặc biệt quan tâm.

Định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS là định hướng phân bổ tỷ lệ hướng đi của HS vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của HS cũng như nhu cầu xã hội. Hiểu được ý nghĩa của phân luồng, HS sẽ có hướng đi phù hợp, tiết kiệm thời gian và nhanh chóng có việc làm sau khi hoàn thành chương trình học. Để việc phân luồng HS đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả, các trường THCS trên địa bàn tỉnh nỗ lực thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp HS, đặc biệt là HS lớp 9, giúp các em có cái nhìn đúng về phân luồng HS, từ đó lựa chọn hướng đi tương lai phù hợp.

Trường THCS Hướng Thọ Phú (TP.Tân An), hàng năm đều phân công giáo viên có nhiều kinh nghiệm thực hiện đúng, đủ chương trình, chủ đề hướng nghiệp cho HS lớp 9. Mỗi tiết hướng nghiệp, giáo viên liên hệ thực tế, giáo dục, từ đó từng bước hình thành nhận thức của các em đối với việc định hướng nghề nghiệp tương lai.

Trong đó, giáo viên chú trọng phân tích đặc điểm, yêu cầu của một số ngành nghề đang là nhu cầu của xã hội hiện nay cũng như giới thiệu thêm những ngành nghề ở địa phương, trong nước và nước ngoài.

Học sinh được tạo điều kiện thuận lợi để tự thực hành nhiều lần trong quá trình học trước khi đi thực tập tại doanh nghiệp

Ngoài ra, Trường THCS Hướng Thọ Phú còn thường xuyên tổ chức họp mặt cha mẹ HS để thông tin về kết quả học tập từng học kỳ của HS cho phụ huynh nắm năng lực học tập, sở trường của con em mình. Đặc biệt là thông tin về kỳ thi tuyển sinh lớp 10, chỉ tiêu của các trường THPT trên địa bàn TP.Tân An và giới thiệu về học nghề để phụ huynh cùng HS chọn hướng đi phù hợp.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Hướng Thọ Phú - Trần Văn Ca, ngoài tư vấn hướng nghiệp cho HS qua các tiết hướng nghiệp, tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp,... trường còn tổ chức cho HS tham quan Trường Cao đẳng Long An, giúp các em hiểu về các ngành nghề đào tạo tại trường và có cái nhìn rõ hơn về học nghề. Đồng thời, trường tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp với sự tham gia của HS, phụ huynh và các trường đào tạo nghề để cùng chia sẻ, trao đổi những thắc mắc của HS và phụ huynh. Nhờ những nỗ lực đó, trường có HS đậu vào trường THPT đạt trên 80% và vào các trường nghề đạt trên 18%.

Còn nhiều khó khăn

Tuy các trường học có sự nỗ lực trong công tác hướng nghiệp HS nhưng kết quả công tác phân luồng HS trên địa bàn tỉnh chưa đạt như mong muốn, HS sau khi tốt nghiệp THCS lựa chọn học nghề còn khá thấp. Theo đó, thực hiện phân luồng HS năm 2021, toàn tỉnh có 2.508/20.481 HS tốt nghiệp THCS học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đạt 12,25%; 2.390/16.476 HS tốt nghiệp THPT học tập tại các trường cao đẳng nghề, đạt 14,51%. Nguyên nhân công tác giáo dục hướng nghiệp của nhiều trường chưa đạt hiệu quả cao, tâm lý phụ huynh còn “trọng thầy hơn thợ”, công tác phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường phổ thông trong việc tư vấn, hướng nghiệp chưa chặt chẽ,...

Các trường học nỗ lực thực hiện phân luồng học sinh, đặc biệt là trường THCS

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh (huyện Cần Giuộc) - Võ Minh Quang, những năm qua, trường rất quan tâm công tác hướng nghiệp, phân luồng HS, đặc biệt là HS lớp 9; đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp để chuyển biến nhận thức của người học, gia đình và xã hội về học nghề, từ đó huy động HS tham gia học nghề sau tốt nghiệp THCS.

Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp HS thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện hết chức năng của giáo dục nghề nghiệp, chưa tạo sự chuyển biến rõ rệt về thái độ nghề nghiệp lẫn hiểu biết nghề nghiệp, đặc biệt là chưa phát triển được năng lực lựa chọn nghề nghiệp phù hợp của từng HS. Bên cạnh đó, nhận thức của HS và cha mẹ HS về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS chủ yếu dựa vào cảm tính, sở thích cá nhân nên ít chú tâm vào năng lực HS và đặc điểm công việc. Quan niệm trọng bằng cấp vẫn còn khá nặng trong xã hội nên phụ huynh không muốn cho con học nghề dù học lực còn yếu.

Nỗ lực thay đổi

Trước những khó khăn trong thực hiện phân luồng HS, các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cả hệ thống chính trị vào cuộc, đề ra các giải pháp để thay đổi nhận thức chưa đúng của HS, phụ huynh và xã hội về học nghề, hiểu đúng về phân luồng HS.

Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, Trường Cao đẳng Long An và Trường Trung cấp Nghề và Đào tạo cán bộ Hợp tác xã Miền Nam được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy hoạch đầu tư 6 nghề trọng điểm (2 nghề cấp độ quốc tế, 2 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 2 nghề cấp quốc gia). Trong giai đoạn 2018-2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển, đào tạo 94.847/90.906 lao động, đạt 104,34% kế hoạch (bình quân tuyển sinh, đào tạo 23.712 lao động/năm).

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tăng cường phối hợp hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để triển khai tuyển sinh, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp với nhiều hình thức như tổ chức cho giáo viên, học sinh, sinh viên thực tập, thực hành thực tế tại doanh nghiệp theo nội dung chương trình đào tạo,...

Lựa chọn học nghề, học sinh ở xa được ở ký túc xá của trường và có giáo viên quản lý

Song song đó, các trường học nỗ lực thay đổi phương pháp hướng nghiệp cho HS như dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh, trong đó thực hiện mô hình Một ngày làm công nhân; phối hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đưa đón HS tham quan, trải nghiệp các lớp học nghề; giải thích rõ cho HS, phụ huynh hiểu về lợi ích của học nghề và không chỉ HS có học lực không giỏi mới học nghề;...

Bên cạnh các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Hội Cựu giáo chức các cấp trong tỉnh cũng chung tay tham gia định hướng nghề nghiệp, thực hiện phân luồng HS, đặc biệt là HS sau tốt nghiệp THCS. Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Phước Vân (huyện Cần Đước) - Lương Thị Lệ Ẩn cho biết: “Hội Cựu giáo chức xã đã và đang nỗ lực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dạy nghề, các mô hình đào tạo nghề, những gương học nghề thành đạt cho hội viên và người dân ở địa phương để góp phần tư vấn hướng nghiệp cho HS sau tốt nghiệp THCS có hướng đi đúng, phù hợp. Ngoài ra, sau khi có kết quả tuyển sinh lớp 10 năm học này, tôi sẽ cùng chuyên trách phổ cập và trưởng ấp đến nhà có HS rớt lớp 10 để tư vấn, giải thích rõ về học nghề và vận động các em tham gia học nghề”.

Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh - Tôn Thọ Nuôi khẳng định: “Công tác phân luồng HS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong hoạt động giáo dục. Hội Cựu giáo chức các cấp trong tỉnh không đứng ngoài cuộc mà nỗ lực tham gia tuyên truyền, góp tiếng nói trong người dân, từ đó tạo sự đồng thuận của xã hội có cái nhìn đúng, rõ về phân luồng HS, đặc biệt là lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS”.

Tại hội nghị về công tác phân luồng HS vào tháng 6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa nhấn mạnh, nhiệm vụ phân luồng HS và đào tạo nghề là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng Đề án miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho HS sau tốt nghiệp THPT, THCS vào học trình độ cao đẳng nhằm thu hút HS sang học nghề, thực hiện tốt mục tiêu phân luồng, đào tạo nhân lực chất lượng, tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là Trường Cao đẳng Long An đến trực tiếp các trường THCS tư vấn định hướng nghề nghiệp cho HS lớp 9, đổi mới chương trình đào tạo để HS, sinh viên ra trường có thể làm ngay hoặc rút ngắn thời gian đào tạo lại của doanh nghiệp;...

Hiện các cơ sở giáo dục nỗ lực thực hiện công tác hướng nghiệp cho HS; cơ sở dạy nghề quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nghề giúp thu hút HS tham gia học nghề; đồng thời, các cấp, các ngành chung tay vào cuộc để thực hiện tốt công tác phân luồng HS. Hy vọng với sự nỗ lực đó, công tác phân luồng HS của tỉnh đạt kết quả như mong đợi, tạo nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH của tỉnh./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích