Tiếng Việt | English

08/01/2018 - 10:04

Cận tết, cảnh giác với “bà hỏa”

Thời tiết hanh khô là thời điểm dễ xảy ra nguy cơ cháy, nổ, nhất là nhà ở của người dân, làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Do vậy, mọi người cần nâng cao cảnh giác với “bà hỏa”, nhất là thời gian cận Tết Nguyên đán 2018.

Dây điện giăng mắc chằng chịt tại khu dân cư

Nguy cơ xảy ra cháy cao

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Long An, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh mở đợt cao điểm kiểm tra an toàn PCCC, tăng cường kiểm tra, nâng cao ý thức người dân trong PCCC, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2018.

Qua kiểm tra thực tế tại một số nhà dân, chợ, khu dân cư,... cho thấy, người dân còn rất lơ là trong phòng cháy. Nhiều khu dân cư, dây điện giăng mắc chằng chịt, không có hệ thống bảo vệ dây điện nên khi dây bị bong tróc dễ dẫn đến chập mạch, gây cháy. Tiểu thương còn để hàng hóa, chất dễ cháy tại những nơi có nguy cơ cháy cao. Khi sử dụng bếp gas, nhiều người không chú ý đóng van bình gas khi không còn sử dụng, không thường xuyên kiểm tra ống dẫn gas, van khóa, van an toàn để kịp thời thay thế khi bị hư hỏng. Do diện tích nhà chật hẹp nên chủ nhà còn đặt bình gas, bếp gas gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt.

Một nguy cơ gây cháy thường gặp ở những khu dân cư, nơi buôn bán là người dân thường sử dụng bếp dầu. Những sơ suất nhỏ trong quá trình sử dụng như không thường xuyên lau chùi, rót dầu vào bếp khi lửa đang cháy hoặc dùng xăng làm nhiên liệu cũng dễ gây ra cháy với những hậu quả khó lường.

Tăng cường phòng ngừa

Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, người dân nên bố trí nơi chứa hàng hóa, chất nguy hiểm dễ cháy, nổ tách biệt với nơi ở, sinh hoạt.

Với những nhà có 1 lối thoát nạn, chủ nhà cần bố trí thêm phương án thoát nạn khác bằng cầu thang sắt ngoài nhà, ống tụt hoặc thang dây,...  Nhiều người dân có thói quen để hàng hóa, đồ dùng, vật liệu dễ cháy hoặc nguồn lửa, nguồn nhiệt tại lối thoát nạn, cầu thang, điều này ảnh hưởng đến quá trình thoát nạn khi chẳng may có cháy xảy ra.

Nên sử dụng cửa có bản lề (cửa cánh), hạn chế lắp đặt cửa trượt hoặc cửa cuốn, nên bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá cửa thông thường (búa, rìu, xà beng,...) trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Trường hợp lắp đặt cửa cuốn thì cần có bộ lưu điện và bộ tời quay tay để mở cửa khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.

Đối với nhà ở có ban công hoặc cửa sổ ở mặt tiếp giáp đường giao thông, cần bảo đảm thông thoáng để thoát nạn khi cần thiết; trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt thì nên bố trí ô cửa để thoát nạn khi có cháy, nổ. Việc lắp đặt biển quảng cáo bên ngoài nhà cần bảo đảm an toàn PCCC và thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành; kiểm tra và tắt các thiết bị điện khi không sử dụng trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà.

Người dân không nên để xăng, dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; trường hợp cần thiết chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng và bảo quản ở nơi thông thoáng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt. Các phương tiện giao thông, máy phát điện,... có sử dụng xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy cần để cách xa bếp, nguồn lửa, nguồn nhiệt. Hàng hóa dễ cháy cần bố trí trong khu vực hoặc phòng riêng và loại trừ yếu tố có thể dẫn đến tự cháy do phát sinh nhiệt hoặc do phản ứng hóa học giữa các chất.

Hộ gia đình nên tự trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp: Bình chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố, mặt nạ lọc độc, thang dây, dụng cụ phá dỡ,... Trường hợp nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thì trang bị phương tiện PCCC phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả do cháy gây ra./.

T.Phượng

Chia sẻ bài viết