Tiếng Việt | English

25/04/2019 - 17:38

Cẩn trọng với thức ăn đường phố

Nắng nóng kéo dài là thời điểm thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, bất kỳ thực phẩm nào nếu không bảo quản đúng cách đều có thể bị ôi thiu, dẫn đến ngộ độc. Vì vậy, người dân nên thận trọng trong việc lựa chọn các dịch vụ ăn uống, đặc biệt là hạn chế sử dụng thức ăn đường phố (TĂĐP) trong thời tiết như hiện nay.

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao

Thời điểm nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút có trong thực phẩm phát triển nhanh gấp nhiều lần so với thời tiết bình thường. Nếu người dân và các cơ sở kinh doanh thực phẩm không chú ý bảo đảm vệ sinh, bảo quản tốt thức ăn sẽ rất dễ xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Vào các buổi chiều, những quán ăn vỉa hè trên các tuyến đường trên địa bàn TP.Tân An hoạt động “hết công suất” để phục vụ thực khách với những món ăn phổ biến như lẩu, bánh tráng nướng, chè, bánh mì muối ớt,... Đặc điểm chung của các hàng quán này là các loại nguyên liệu đều được cất trữ rất sơ sài, chế biến ngay gần vỉa hè bụi bặm, đông người qua lại, không có dụng cụ che đậy. Do đó, nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người là rất cao. Tuy nhiên, người bán vẫn cứ bán và người ăn vẫn cứ tấp nập, chẳng mấy ai quan tâm đến việc thức ăn có bảo đảm vệ sinh hay không.

Em Nguyễn Thu Hằng (Trường THPT Tân An, TP.Tân An) cho biết: “Sau những buổi học, em và bạn bè thường đi ăn vặt tại các quán vỉa hè vì vừa túi tiền học sinh. Ngoài ra, em thấy thức ăn cũng khá ngon, người đến ăn cũng nhiều nên em nghĩ không có vấn đề gì”.

Còn Chị Lê Thị Mười (ngụ phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng tôi đều làm công nhân, nhiều hôm tăng ca về khuya, chúng tôi thường ghé vào các quán vỉa hè ăn vì cũng ngại nấu nướng. Theo tôi, thức ăn ở các hàng quán này khá rẻ và ngon. Còn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì tôi cũng không quan tâm nhiều”.

Trên thực tế, điều đáng ngại là những hàng quán vỉa hè thường không được trang bị dụng cụ phòng tránh nhiễm khuẩn; nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm cũng như phụ gia rất khó kiểm soát, kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm của người bán còn hạn chế, chưa nhận thức hết tác nhân gây ô nhiễm thức ăn, điều kiện bảo quản thực phẩm nhiều nơi không đáp ứng yêu cầu vệ sinh.

Nên hạn chế sử dụng thức ăn đường phố

Ưu điểm của TĂĐP là chế biến nhanh, giá cả phải chăng. Tuy nhiên, những thực phẩm này thường không được bảo quản đúng cách, hoặc không được che đậy mà bày bán “lộ thiên” ngay cạnh đường bụi bặm hoặc bên trên cống rãnh rất mất vệ sinh. Những ngày nắng nóng, thức ăn lại nhanh bị ôi thiu. Chính vì vậy, người dân nên tránh hoặc hạn chế sử dụng TĂĐP.

Hàng quán vỉa hè thường không được trang bị dụng cụ phòng tránh nhiễm khuẩn; nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm cũng như phụ gia rất khó kiểm soát

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Long An – Bác sĩ Phạm Văn Luân, TĂĐP hiện còn nhiều bất cập, để bảo đảm chất lượng, rất cần ý thức và lương tâm của người kinh doanh. Do đó, khi chưa thật sự chắc chắn về chất lượng thực phẩm, người tiêu dùng không nên sử dụng thực phẩm tại những nơi không bảo đảm vệ sinh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần công khai và xử phạt những cơ sở không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi bị kiểm tra để người dân biết và lựa chọn. Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết như hiện nay, người dân không nên chủ quan, sử dụng tràn lan các loại thực phẩm vỉa hè, đồ ăn đường phố.

“Nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân, tránh mắc các bệnh về đường ruột, Sở Y tế có văn bản chỉ đạo, yêu cầu lực lượng chức năng chuyên ngành ở các địa phương nâng cao trách nhiệm và tập trung thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh TĂĐP. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân nên thận trọng với TĂĐP, nhất là vào mùa nắng nóng” – ông Luân thông tin thêm.

Giữa bộn bề cuộc sống, TĂĐP dần trở thành sự lựa chọn của nhiều người bởi sự tiện lợi, giá cả phải chăng nhưng có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không thì không ai chắc chắn. Vì vậy, người dân nên hạn chế thậm chí nói “không” với TĂĐP để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích