Nở rộ các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo “khóa thuê bao điện thoại di động” (Ảnh minh họa)
Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kế hoạch nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại. Theo đó, sau ngày 31/3/2023, những thuê bao điện thoại chưa chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa, biện pháp này nhằm quản lý chặt chẽ sim điện thoại, loại bỏ các sim "rác" trong môi trường viễn thông. Lợi dụng cơ hội này, các đối tượng xấu đẩy mạnh hoạt động bằng hình thức lừa đảo “khóa thuê bao điện thoại”.
Chúng liên tục nhắn tin và gọi các chủ thuê bao di động thông báo, thậm chí đe dọa người dùng sẽ bị khóa thuê bao “theo quy định của Nhà nước” mà mục đích chính là chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn này nhanh chóng đánh lừa người dùng bởi chúng triệt để lợi dụng yếu tố tâm lý của bị hại, vì họ đang chờ đợi để xem mình có nhận được tin nhắn thông báo từ nhà mạng hay không nên rất dễ sập bẫy lừa đảo; bị kẻ xấu lợi dụng để gửi các tin nhắn giả mạo như kích hoạt lại sim, đăng ký lại thông tin, từ đó có thể bị mất sim, mất thông tin cá nhân.
Phổ biến nhất, các đối tượng xấu liên tục nhắn tin và thực hiện các cuộc gọi thoại thông báo tới số máy khổ chủ như thuê bao sẽ bị cắt dịch vụ, để giải quyết thì liên hệ tới số điện thoại "tổng đài" do kẻ xấu cung cấp. Nghe thông báo đề nghị cập nhật thông tin, để tránh bị khóa sim, không ít khổ chủ vội vàng làm theo hướng dẫn của “cán bộ kỹ thuật” nhà mạng và gọi ngay cho “tổng đài” - cái bẫy đã giăng sẵn. Phía đầu dây bên kia, “nhà mạng” yêu cầu người dùng cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, chứng minh nhân dân,… để “hỗ trợ kỹ thuật”.
Sau khi nắm được thông tin cá nhân của nạn nhân, ngay lập tức, đối tượng xấu hướng dẫn người dùng tiến hành bước tiếp theo như thực hiện các cú pháp sang tên chính chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi. Chiếm được quyền nhận cuộc gọi, kẻ gian nhanh chóng đăng nhập ứng dụng Internet Banking, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội của nạn nhân và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng đăng nhập lại bằng mã OTP từ tin nhắn SMS. Từ đó, chúng ung dung chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kiểm soát tiền trong tài khoản ngân hàng, báo hại khổ chủ “tiền mất, tật mang”.
Trước tình trạng các hình thức lừa đảo “khóa thuê bao điện thoại” gia tăng, người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các cuộc gọi. Khi muốn cập nhật thông tin cá nhân cho thuê bao, hãy thực hiện các bước hướng dẫn của từng nhà mạng như tại website, ứng dụng hay các quầy giao dịch trực tiếp.
Người dùng nên tự kiểm tra xem số điện thoại của mình đã chuẩn thông tin đăng ký với Cơ sở dữ liệu Quốc gia chưa qua các kênh thông tin chính thức. Bằng cách này, người dùng có thể tự chủ động kiểm tra số điện thoại của mình và cập nhật thông tin nếu cần, tránh bị động, dễ mắc bẫy những đối tượng lừa đảo.
Trường hợp người dùng nhận được thông báo từ nhà mạng thì cũng cần hết sức cảnh giác, đề phòng, cần xác minh lại qua các kênh chính thống, gọi điện thoại trực tiếp tới nhà mạng hoặc đến điểm giao dịch để xác minh lại./.
T.D