Bị lừa “mất cả chì lẫn chài”
Các thủ đoạn lừa đảo qua việc cho vay ngày càng bùng phát và tinh vi. Thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Messenger…, các đối tượng lừa đảo tiếp cận những người có nhu cầu vay vốn. Tâm lý của người đi vay đang cần tiền nên muốn thủ tục nhanh gọn, không mất thời gian, vay số tiền lớn theo yêu cầu…
Do đó kẻ gian sẽ yêu cầu khách hàng truy cập vào các đường link có hình ảnh, logo khá giống với ngân hàng, công ty tài chính để tạo niềm tin. Sau khi trao đổi qua lại, người cho vay gửi giấy tờ (là giả) để làm cơ sở thuyết phục khách hàng chuyển khoản phí đảm bảo hồ sơ vay, phí bảo hiểm khoản vay… hoặc lấy lý do tài khoản bị đóng băng, CMND/CCCD có trong danh sách đen của ngân hàng… để yêu cầu khách hàng chuyển khoản. Đi kèm với yêu cầu chuyển khoản thường là những lời hứa hẹn “số tiền chuyển khoản này sẽ được ngân hàng, công ty tài chính trả lại cùng với số tiền vay”. Dù nghi ngờ nhưng do kẹt tiền nên người vay đã chấp nhận chuyển khoản cho kẻ gian từ vài trăm đến cả tỉ đồng và kết quả là đã không vay được mà còn mất cả tiền.
Có thể thấy, các hình thức quảng cáo cho vay trên trang mạng xã hội tràn lan. Lướt qua các trang Facebook cho vay quảng cáo “Vay tiền online nhanh siêu tốc chỉ cần có căn cước công dân” và thông tin không cần gặp mặt, không thẩm định người thân, giải ngân trong vòng 10 phút, không thế chấp, không chứng minh thu nhập đang thu hút khá nhiều người. Mức cho vay theo quảng cáo thường từ 1 - 200 triệu đồng với lãi suất chỉ 1,1%/tháng theo dư nợ giảm dần. Nhiều người dân cứ nghĩ đơn giản nên liên lạc với những người cho vay tiền trên mạng và làm theo hướng dẫn làm thủ tục vay tiền qua mạng bằng cách đăng nhập vào đường link để khai báo thông tin, trong đó có cả việc cung cấp tài khoản ngân hàng. Ngay sau đó, số tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng bị “thổi bay màu”.
Người dân có nhu cầu vay cần tìm hiểu thủ tục tại ngân hàng, công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Cũng với hình thức cho vay nhanh, không cần gặp mặt, các hình thức tín dụng đen “núp bóng” qua ứng dụng app giả mạo các công ty tài chính triển khai cho vay với lãi suất từ 30 - 40%/năm. Nhiều khách hàng cứ nghĩ đó là các công ty tài chính hợp pháp nên thực hiện triển khai vay tiền. Đến khi chính thức vay thì lãi không phải như con số công bố mà lên hàng trăm, hàng nghìn phần trăm, người vay trả hoài không hết và phản pháo không chịu trả. Kết quả là người vay và cả người thân, đồng nghiệp bị kẻ cho vay khủng bố bởi những cuộc điện thoại chửi bới thô tục, gắn hình ảnh và bêu rếu ngoại tình lên mạng xã hội, chúng còn vô nhân tính hơn khi dùng cả hình ảnh trẻ em đang sống để lên bàn thờ với mục đích đòi nợ…
Cảnh giác với những cái “bẫy” vay dễ
Liên quan nhu cầu cần tiền của người dân, dịch vụ bùng nổ gần đây là rút tiền hộ không tính lãi, đáo hạn thẻ tín dụng... nhưng thực chất là cái bẫy để chiếm đoạt tiền. Trên các trang mạng, diễn đàn, nhiều lời mời hấp dẫn về dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng, quẹt thẻ tín dụng nhằm mục đích rút tiền mặt khi không phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Những người cung cấp dịch vụ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ gồm số thẻ, mã CVV, hình ảnh CMND/CCCD, mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực tế đây là mã OTP của giao dịch giả mạo). Sau khi lấy được thông tin của khách hàng, kẻ gian sẽ sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp như chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong thẻ qua thanh toán, rút tiền mặt…
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các thủ đoạn lừa đảo của kẻ gian ngày càng biến đổi liên tục và khá tinh vi. Đối với hình thức lừa đảo cho vay, người dân cần hết sức cảnh giác trước những thông tin tưởng chừng như đơn giản như thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp nhưng thật ra ngoài lãi thì các phí tính vào lên rất cao. Người dân có nhu cầu vay vốn liên hệ trực tiếp đến các tổ chức tín dụng chính thống thì không có chuyện làm sai thủ tục, tính lãi cao hay đòi nợ kiểu khủng bố.
Để người dân có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay, ngân hàng, công ty tài chính cũng cần cải tiến thủ tục. Ngoài hệ thống ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước hiện nay đang quản lý 16 công ty tài chính cho vay nên người dân có thể hỏi vay ở những công ty này. Dù rằng trên thực tế có nhiều công ty thành lập theo Luật Doanh nghiệp mà không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép chức năng hoạt động cho vay tài chính nên người dân cũng cần hết sức tỉnh táo để có thể nhận diện được những công ty này. Thực chất đó là những công ty cho vay tín dụng đen với lãi suất cao, đòi nợ kiểu khủng bố.
Thủ đoạn “chuyển nhầm tiền” bùng nổ
Thủ đoạn “chuyển nhầm tiền” đang ngày càng bùng nổ với chiêu thức khá tinh vi mà nhiều người thiếu cảnh giác vẫn dễ bị sập bẫy. Cụ thể, kẻ xấu cố tình chuyển tiền nhầm vào tài khoản của khách hàng (thường được kẻ gian nghiên cứu trước thông tin).
Chủ tài khoản bất ngờ nhận được một số tiền “từ trên trời rơi xuống”, vẫn đang bối rối chưa biết xử lý như thế nào thì sẽ nhận được cuộc điện thoại tự xưng là nhân viên ngân hàng hoặc là người đã chuyển tiền để xin lại số tiền chuyển nhầm. Trong trường hợp chủ tài khoản đồng ý trả, người này sẽ nhắn tin gửi cho đường link yêu cầu đăng nhập thông tin trả tiền.
Sau khi điền xong thông tin, toàn bộ số tiền của khách hàng bị rút sạch. Để tránh rơi vào phiền phức, người dân khi gặp phải trường hợp nhận tiền chuyển nhầm thì tuyệt đối không tự chuyển lại tiền cho bất cứ ai, mà liên hệ với tổng đài của ngân hàng để giải quyết. Người dân tuyệt đối không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào, hay đăng nhập đường link lạ nào, đồng thời không tự sử dụng số tiền được chuyển nhầm. Theo quy định của bộ luật Dân sự 2015, việc không trả lại số tiền bị chuyển nhầm sẽ bị coi là chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật. Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép dưới 10 triệu đồng sẽ bị phạt hành chính từ 2 - 5 triệu đồng, nếu trên 10 triệu đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ không giam giữ đến 5 năm tù tùy theo số tiền./.
|
Theo VOV