Đoàn viên, thanh niên ở huyện Cần Giuộc tiến hành xóa bỏ các thông báo cho vay dán ở cột điện
Bị khủng bố tinh thần vì vướng vào “tín dụng đen”
Hoạt động “tín dụng đen” là cho vay tiền và tính lãi rất cao. Trong khi đó, những người vay lại đang gặp khó khăn nên dễ dẫn đến mất khả năng thanh toán khi lãi cộng lãi. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra những vụ việc người nợ bị các đối tượng cho vay nặng lãi siết nợ, đe dọa, khủng bố tinh thần để đòi nợ.
Ông Nguyễn Minh Trí, ngụ xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, là một nạn nhân của vay “tín dụng đen”. Năm 2018, ông được một người cho vay 30 triệu đồng. Thủ tục vay đơn giản, ông chỉ cần để lại số điện thoại liên lạc của cá nhân và 2 người thân, đồng thời chụp chứng minh nhân dân và hộ khẩu gửi qua mạng xã hội Zalo.
Ông Trí cho biết: “Theo hợp đồng, tôi sẽ trả góp trong vòng 30 tháng. Tuy nhiên, mỗi tháng phải trả 1 triệu 645 ngàn đồng. Như vậy, tính ra vay 1 triệu đồng, mỗi tháng phải trả lãi 645 ngàn đồng. Sau đó một thời gian, do khó khăn nên đến giữa năm 2019, tôi chưa thể trả đúng thời hạn thì liên tục nhận được những cuộc gọi điện, nhắn tin đòi nợ. Có thời điểm, mỗi ngày, tôi đều nhận liên tiếp những tin nhắn đòi nợ với nội dung khủng bố, đe dọa tính mạng”.
Trong nhiều tin nhắn có một số nội dung: “Tao cho mày và gia đình chiều nay để giải quyết nợ cho tao. Nếu sau đó tao chưa nhận được tiền thì tính mạng và sự an toàn của con cái, cha mẹ mày tao không bảo đảm”; “từ giờ phút này gia đình mày đã được theo dõi. Trong vòng 4 giờ, tao không nhận được tiền thì gia đình mày trốn cho kỹ, đừng để trên người thiếu mất một bộ phận”;... Ngoài ông Trí, 2 người thân, quen biết của gia đình cũng thường xuyên nhận được những cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu trả nợ như trên.
Ngoài khủng bố tinh thần, hăm dọa như trên thì thực tế, thời gian qua, có những người vay không có khả năng trả nợ hoặc trả nợ không đúng hạn thì đối tượng hành hung, dùng thủ đoạn đổ chất bẩn, chất thải vào nhà. Ngoài ra, còn có thủ đoạn cho vay số tiền lớn có thế chấp tài sản (quyền sử dụng đất, nhà, xe,...) nhưng không làm hợp đồng cầm cố tài sản. Thế nhưng, đối tượng cho vay yêu cầu người vay phải làm hợp đồng mua bán các loại tài sản trên. Nếu quá hạn vay mà người vay không có khả năng trả nợ thì đối tượng cho vay sẽ chiếm hữu tài sản bằng hợp đồng mua bán đã ký trước đó.
Một loạt tin nhắn khủng bố, đòi nợ một người vay không trả đúng thời gian
Bắt nhiều đối tượng rải tờ rơi có nội dung liên quan “tín dụng đen”
Để nhiều người biết đến, các đối tượng cho vay nặng lãi thường rải, dán tờ rơi, thông báo cho vay nặng lãi ở các trụ điện, tường rào, gầm cầu, dọc các tuyến đường,... Thời gian qua, lực lượng công an trong tỉnh tăng cường thực hiện kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi; tổ chức rà soát, lên danh sách quản lý các ổ, nhóm, cơ sở kinh doanh, cá nhân đang có biểu hiện hoạt động cho vay nặng lãi, huy động vốn với lãi suất cao trái phép để theo dõi, quản lý, đấu tranh.
Để phòng, chống “tín dụng đen”, các ngành, đoàn thể, địa phương cũng tiến hành nhiều đợt ra quân tháo dỡ những tờ dán, thông báo cho vay theo dạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Ngành chức năng cũng tiếp nhận những thông tin, qua đó phát hiện và bắt quả tang đối tượng phát, dán, rải tờ rơi, thông báo cho vay nặng lãi và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Gần đây, Công an phường 3, TP.Tân An phối hợp Tổ tuần tra 09 Công an TP.Tân An, phát hiện Nguyễn Văn Tuấn (SN 2000) và Nguyễn Văn Nam (SN 2000), cùng tạm trú ấp 3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM, đi trên môtô và rải tờ rơi có nội dung “Hỗ trợ cho vay tiền, thủ tục đơn giản giải ngân trong ngày” trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài xử phạt hành chính, công an thu giữ trên người các đối tượng khoảng 5.000 tờ rơi với nội dung như trên.
Trước đó, tại huyện Tân Trụ, ngành chức năng cũng phát hiện Trịnh Bùi Nhân (19 tuổi) và Nguyễn Xuân Thoại (18 tuổi), cùng ngụ huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, đang rải tờ rơi quảng cáo tại ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, với nội dung “Cho vay trả góp với thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày”. Qua điều tra, thông qua những thông tin quảng cáo, 2 đối tượng đã cho nhiều người vay. “Nhân có cho tôi vay 5 triệu đồng. Tuy nhiên, lúc nhận tiền, Nhân chỉ đưa 4 triệu đồng, còn lại nói trừ tiền phí và 2 ngày trả góp trước. Mỗi ngày, tôi trả góp cho Nhân 250.000 đồng và phải trả góp như thế trong vòng 23 ngày là phải xong” -bà N.T.L., ngụ thị trấn Tân Trụ, cho biết.
Ngoài 2 vụ việc trên, nhiều trường hợp khác cũng bị xử lý. Chỉ riêng trong 2 năm 2019, 2020, trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng lập hồ sơ xử lý hành chính 60 vụ, 78 đối tượng về hành vi phát tờ rơi, quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự, an toàn giao thông, xã hội, cho vay tiền với lãi suất cao. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra tiến hành khởi tố nhiều đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”; trong đó, có những đối tượng còn bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản.
Quyết liệt đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen”
Thời gian qua, công tác phòng, chống đấu tranh với các hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi đã đạt những hiệu quả tích cực, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn. Mặt khác, từ công tác tuyên truyền đã có tác dụng răn đe và cảnh báo rất lớn. Ông Nguyễn Văn Trí, ngụ xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, cho biết: “Cũng từ sự vào cuộc quyết liệt, với nhiều giải pháp của ngành chức năng, gần đây, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi nhìn chung ít công khai như trước. Hiện nay, tình trạng dán thông báo, tờ rơi cho vay vẫn xảy ra ở các tuyến đường, khu dân cư, nhưng ít hơn”.
Dù vậy, việc phát hiện, xử lý “tín dụng đen” vẫn còn những khó khăn. Gần đây, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về vấn đề “tín dụng đen”, Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Chẳng hạn như giao dịch người cho vay với người vay chỉ là hợp đồng miệng, tự thỏa thuận lãi suất, không thể hiện lãi suất trên hợp đồng vay nên rất khó phát hiện đối tượng cho vay nặng lãi. Nhiều vụ việc cho vay nặng lãi chỉ bị phát hiện khi người vay bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe. Một bộ phận người dân do lo sợ bị đe dọa, khống chế, khủng bố về tinh thần mà không tố giác “tín dụng đen”, có những trường hợp không hợp tác với cơ quan công an khi được mời làm việc,...”.
Để đấu tranh phòng, chống cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo lực lượng công an các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp theo Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Cùng với đó, các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về những tác hại, hệ lụy khi vay nặng lãi, “tín dụng đen”./.
Lê Đức