Khủng bố tinh thần để đòi nợ
Những năm qua, hoạt động TDĐ được phản ánh nhiều, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng đến ANTT. Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường xử lý TDĐ và tạo được những chuyển biến tích cực.
Một đối tượng liên quan đến việc phát tờ rơi, quảng cáo “tín dụng đen” bị lực lượng chức năng mời làm việc(Ảnh: T.P)
Thông tin từ Công an tỉnh, lợi dụng những người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thu nhập thấp khi cần vốn làm ăn, mua bán không đủ điều kiện vay vốn tại các ngân hàng, một số đối tượng dán tờ rơi, quảng cáo, giới thiệu cho vay không cần thế chấp. Hình thức vay bằng tiền mặt trả lãi theo ngày, tuần, tháng; thủ tục vay đơn giản, chỉ viết giấy nợ (không thể hiện lãi suất).
Khi người vay không có khả năng trả nợ hoặc trả nợ không đúng hạn thì đối tượng dùng thủ đoạn đổ chất bẩn, chất thải vào nhà hoặc gọi điện, nhắn tin uy hiếp, khủng bố tinh thần, tụ tập đông người tại nơi làm việc của người vay để gây sức ép buộc trả nợ.
Ngoài ra, còn có thủ đoạn cho vay số tiền lớn có thế chấp tài sản (quyền sử dụng đất, nhà, xe,...) nhưng không làm hợp đồng cầm cố tài sản. Theo đó, đối tượng cho vay yêu cầu người vay phải làm hợp đồng mua bán các loại tài sản trên. Nếu quá hạn vay mà người vay không có khả năng trả nợ thì đối tượng cho vay sẽ chiếm hữu tài sản bằng hợp đồng mua bán đã ký trước đó.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã tăng cường xử lý các hoạt động TDĐ. Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận 31 vụ việc liên quan đến hoạt động TDĐ; xử lý hành chính 31 vụ, 44 đối tượng với số tiền 123 triệu đồng về hành vi “Phát tờ rơi, quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự, an toàn giao thông, xã hội”, có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác...
Tuy nhiên, theo Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, trong xử lý TDĐ cũng còn gặp khó khăn. Chẳng hạn như giao dịch người cho vay với người vay chỉ là hợp đồng miệng, tự thỏa thuận lãi suất, không thể hiện lãi suất trên hợp đồng vay nên rất khó phát hiện đối tượng cho vay nặng lãi. Nhiều vụ việc cho vay nặng lãi chỉ bị phát hiện khi người vay bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe. Một bộ phận người dân do lo sợ bị đe dọa, khống chế, khủng bố về tinh thần mà không tố giác TDĐ, có những trường hợp không hợp tác với cơ quan công an khi được mời làm việc".
Rà soát, quản lý các băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”
Ngoài những khó khăn trên thì quy định của pháp luật hình sự và dân sự về xử lý hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động tdđ hiện nay chưa rõ ràng. cụ thể, điều 201 “tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất được quy định trong bộ luật dân sự thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm,...”.
Điều 468 bộ luật dân sự năm 2015 quy định: trường hợp các bên có thỏa thuận
về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không vượt quá 20%/năm của khoản vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội tại kỳ họp gần đây thì trường hợp các bên có thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn được quy định tại khoản 1, điều này tại thời điểm trả nợ. Do đó, để xử lý hình sự các đối tượng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự phải thỏa mãn cả 2 yếu tố: “lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất được quy định trong bộ luật dân sự” và “thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng”, nhưng việc xác định mức lãi suất (theo quy định lãi trong 1 năm, nhưng đối tượng vay thời gian ngắn) và số tiền thu lợi bất chính ít hơn quy định đối với một người vay. mặt khác, tại điểm d, khoản 3, điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính từ 5 triệu đồng đến dưới 15 triệu đồng đối với hành vi cho vay lãi nặng: cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước việt nam công bố tại thời điểm cho vay.
Vì vậy, không thể xử lý hành chính đối với hành vi này do đối tượng cho vay dùng thủ đoạn “cho vay với thủ tục đơn giản, chỉ cần chứng minh nhân dân và hộ khẩu photo”, những giấy tờ này không phải là tài sản cầm cố nên không xử lý được theo quy định này.
Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm, để đấu tranh phòng, chống TDĐ, thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo lực lượng công an các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp theo Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ.
Lực lượng công an các cấp thường xuyên phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm TDĐ, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Tiếp tục tổ chức rà soát, lập danh sách, lập hồ sơ, quản lý các băng nhóm tội phạm, các đối tượng liên quan đến các hoạt động TDĐ để có biện pháp phòng, chống.
Đặc trưng nhận diện“tín dụng đen”
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, “tín dụng đen” có một số đặc trưng để nhận diện: Tổ chức, cá nhân cho vay với lãi suất cao; thủ tục vay rất đơn giản và thường gắn với hoạt động đe dọa, khủng bố người vay./.
|
Lê Đức