Ông Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) là con thứ sáu trong 6 người con của cố nhạc sĩ Cao Văn Giỏi và bà Thạch Thị Tài. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo khó, đất nước gặp cảnh loạn ly vì thực dân xâm lược, 4 tuổi, Cao Văn Lầu phải theo cha mẹ tha phương ở tận Bạc Liêu. Gia đình túng quẫn, ông được gửi vào chùa Vĩnh Phước An, nhờ Hòa thượng Minh Bảo nuôi dạy, hằng ngày học chữ nho, đọc kinh phật, đánh trống chùa.
Ông rất sáng dạ, đam mê nhạc cổ nhưng chỉ được học đến lớp nhì năm thứ 2 trường Pháp. Năm 1912, Sáu Lầu theo ban nhạc lễ của thầy Thành đi hát tại Sài Gòn. Sau vụ Thiên địa hội mưu đặt bom dinh Thống đốc Nam kỳ bị đổ bể (3-1913), người Tây lùng sục bắt bớ, Sáu Lầu trở về lại Bạc Liêu, theo học đàn nhị với “đệ nhất danh cầm miền Tây” là thầy Nhạc Khị (Lê Tài Khị) – một bậc thầy điêu luyện cả 2 môn nhạc lễ và nhạc tài tử.
Tương truyền, ông tiếp thu nhanh, sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ như đàn tranh, đàn cò, kìm, trống,…và trở thành nòng cốt trong ban nhạc nên có lần được thầy giao cho thay mặt, điều khiển cả một ban nhạc lễ lớn cùng các thầy đờn từ lục tỉnh về thi thố tài năng.
Thời gian này, Sáu Lầu và cô Hai Thân (con thầy Nhạc Khị) nảy sinh tình cảm nhưng mối tình tan vỡ vì không “môn đăng hộ đối”.
Tháng 2-1916 Thiên địa hội phá Khám Lớn - Sài Gòn lần thứ hai, nhà cầm quyền đàn áp đẫm máu những người khởi nghĩa. Cùng năm, cô Hai Thân lên xe hoa, đêm cưới, tiếng đàn tranh Sáu Lầu vang lên réo rắt. Ông buồn bã tách khỏi ban nhạc của thầy Hai Khị, nghe theo bạn đồng môn là Mộng Vân đứng ra lập ban nhạc riêng, đi hát khắp nơi.
Thời gian sau, ông bà Giỏi liền vay tiền cưới vợ cho Sáu Lầu, lấy cô Trần Thị Tấn – đang ở đợ cho chủ điền Tư Ó. Cuộc hôn nhân được khen là đẹp đôi, nhưng gần 3 năm chung sống, cô Tấn chưa sinh được mụn con nên cuộc sống lứa đôi của hai người bị gia đình can ngăn quyết liệt, vì theo tục xưa “Tam niên vô tử bất thành thê”…
Sống giữa cảnh đời nô lệ, lại mang nỗi éo le phải chia lìa vợ, vừa thương vợ vừa xót xa với gia đình làng xóm còn mang nặng nghiệt oan phong kiến, Cao Văn Lầu vẫn lóe lên niềm hy vọng lớn, âm thầm quyện nỗi đau đời vào tiếng đàn, tiếng hát. Ban nhạc của ông dần gây tiếng vang khắp lục tỉnh với các điển tích Tô Thị, Tô Huệ (trong “Chức Cẩm hồi văn”)….
Với độ nhạy hiếm có của một tâm hồn nghệ sĩ tài năng, năm 1918 (nhiều tư liệu ghi năm 1919) ông sáng tác bản “Dạ cổ hoài lang” (nghĩa: Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng), gồm 20 câu hai nhịp, gói ghém trọn nỗi niềm tâm sự buồn thương. Lạ thay, bản Dạ cổ hoài lang ra đời thì ít lâu vợ ông thụ thai; từ đó cuộc chia ly trở lại đoàn viên, vợ chồng ông vui sướng vì được cha mẹ cho sum vầy, lần lượt có với nhau 7 người con (5 trai và 2 gái).
Dạ cổ hoài lang cũng từ đó lan truyền, phổ biến, năm 1921 với sáng kiến của Bảy Kiên, bản hát phát triển thành nhịp tư, Cao Văn Lầu đồng ý, cho trình diễn lần đầu tiên trên sân khấu của đoàn cải lương Tập Ích Ban. Năm 1922 phát triển lên nhịp tám, diễn trên sân khấu Tái Đồng Ban. Năm 1936, nghệ sĩ Lưu Hòa Nghĩa đưa bản hát lên thành 16 nhịp, với tên gọi khác là Vọng cổ Bạc Liêu – thực chất, trở thành bản cải lương hiện đại; bước tiến lớn là đúng vào dịp Giỗ tổ cải lương tại Bạc Liêu, ngày 12-8-1941, có mặt cả thầy Nhạc Khị và Huynh trưởng ban nhạc Sáu Lầu, bản vọng cổ được cải biến từ nhịp 16 với 20 câu, nhịp 32 rút lại còn 6 câu. Đầu năm 1951, nghệ sĩ Nguyễn Thành Út (Út Trà Ôn) chuyển lại thành bản vọng cổ nhịp 32, trở thành bản hát phổ thông cho mọi nghệ sĩ cải lương.
Như vậy, càng về sau, bản Dạ cổ đầu tiên càng được cải biên thành điệu hát truyền cảm, làm nòng cốt cho các bài cải lương hấp dẫn – một thời gian dài “là bản nhạc vua của sân khấu ca kịch”, đọng lại sâu lắng trong lòng người nhiều thế hệ, vùng miền, cho đến tận ngày nay.
Từ năm 1946-1954, Cao Văn Lầu tham gia Mặt trận Việt Minh tại ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Lợi (sau là ấp Bàu Vũng, xã Tân Phú Hưng, huyện Trần Văn Thời). Năm 1947, ông từng nhận nhiệm vụ đặc biệt, giải thoát thành công một số cán bộ bị giặc bắt và có công trong kháng chiến chống Pháp ở Bạc Liêu; ông còn truyền dạy nhiều thế hệ học trò theo bộ môn nhạc lễ, đờn ca tài tử và từng “ba lần tiễn con” vào bộ đội giải phóng.
Nhà văn hóa, nghệ sĩ đờn ca cổ nhạc danh tiếng của miền Nam Cao Văn Lầu sinh ngày 22-12-1892 tại làng Thuận Mỹ, tổng Thuận Hội Hạ, quận Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Ông qua đời ngày 13-8-1976 tại tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Bạc Liêu). Hiện ở Bạc Liêu còn nhà hát mang tên ông. TP.HCM, TP. Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) và TP.Tân An (tỉnh Long An) ngày nay đều có con đường mang tên Cao Văn Lầu – để tưởng nhớ mãi đến một bậc nghệ sĩ tiền bối xuất chúng. |
Ngày 5-12-2013, tổ chức UNESCO ra Nghị quyết công nhận Đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì giới mộ điệu cải lương miền Nam và cả nước nói chung càng có lý do để thêm tôn vinh vị “Tổ sư”, bậc tài danh vọng cổ Cao Văn Lầu. Tháng 4-2014, Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở tại phường 2, TP. Bạc Liêu được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia. |
Long Thái