Tiếng Việt | English

20/11/2021 - 05:25

'Cầu nối' giữa tấm lòng nhân ái với những hoàn cảnh khó khăn

Những năm qua, hoạt động nhân đạo, từ thiện trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả đáng khích lệ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần cho nhiều trường hợp kém may mắn. Đạt kết quả đó là nhờ sự chung tay của cả cộng đồng trong thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện, trong đó, các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trong tỉnh Long An đóng vai trò “cầu nối”.

Chia sẻ khó khăn với người nghèo

Hơn 7 năm nay, hàng ngày, dù trời nắng hay mưa, các thành viên bếp ăn từ thiện của Hội CTĐ huyện Tân Hưng cũng tất bật nấu những suất cơm ngon, canh ngọt tặng bệnh nhân (BN) nghèo và thân nhân người bệnh đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện.

Là một trong những thành viên tham gia bếp ăn từ thiện từ những ngày đầu, ông Nguyễn Văn Nuôi (khu phố Gò Thuyền A, thị trấn Tân Hưng) nói: “Với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn cùng người bệnh, chúng tôi người góp công, người góp của, nấu tặng những suất cơm, cháo để động viên tinh thần họ. Tuy có vất vả nhưng thấy BN nghèo đến nhận những suất cơm, cháo và ăn ngon miệng thì chúng tôi vui lắm!”.

Mỗi ngày, bếp ăn từ thiện của Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Hưng cung cấp từ 250-300 suất cơm, cháo miễn phí

Theo Chủ tịch Hội CTĐ huyện Tân Hưng - Nguyễn Thanh Hồng, thời gian đầu khi mới thành lập, hoạt động của bếp ăn rất khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, với ý nghĩa nhân văn, bếp ăn từ thiện được nhiều người biết đến và ngày càng phát triển. Ngoài sự đóng góp của các hội viên, bếp ăn còn nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân gần, xa. Người hỗ trợ thực phẩm, người hỗ trợ tiền, người hỗ trợ khâu vận chuyển,... Hiện trung bình mỗi ngày, bếp ăn từ thiện cung cấp từ 250 - 300 suất cơm, cháo cho BN và thân nhân người bệnh.

Bà Trần Thị Lai - BN đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng, xúc động nói: “Được tặng những suất cơm từ thiện, tôi cảm nhận được tình người ấm áp trong lúc hoạn nạn. Tuy giá trị suất ăn không lớn nhưng phần nào giúp các gia đình BN có hoàn cảnh khó khăn tiết kiệm được chi phí sinh hoạt trong quá trình điều trị bệnh”.

Còn chị Nguyễn Thị Hằng (xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng) đang nuôi người thân tại Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Ngày nào tôi cũng nhận cơm ở bếp ăn từ thiện. Phần cơm có đủ món canh, món kho. Nhờ nhận được cơm, cháo từ thiện, tôi tiết kiệm được chi phí để chữa bệnh cho cha”.

Từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp Huyện đoàn Vĩnh Hưng cung cấp hơn 14.000 suất cơm hỗ trợ người nghèo

Hơn 13 năm qua, những BN nghèo điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng vô cùng cảm kích khi nhận được những suất cơm, cháo miễn phí từ bếp ăn từ thiện của Hội CTĐ huyện phối hợp Trung tâm Y tế huyện thực hiện.

Chủ tịch Hội CTĐ huyện Vĩnh Hưng - Trần Thị Mười cho biết: “Những người tham gia đứng bếp để chế biến thức ăn đều tự nguyện làm không công. Hiện có 6 tổ nấu ăn được thành lập để phục vụ bếp ăn từ thiện, mỗi tổ có từ 5-8 người đảm trách việc nấu ăn trong 1 tuần và cứ thế xoay vòng. Mỗi ngày, bếp ăn từ thiện cung cấp khoảng 500 suất cơm, cháo miễn phí”.

Từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, Hội CTĐ huyện phối hợp Huyện đoàn Vĩnh Hưng tổ chức bếp ăn phục vụ những suất cơm 0 đồng cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn. Khi đưa vào hoạt động, bếp ăn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các ban, ngành, đoàn thể, mạnh thường quân trong huyện. Ngoài hỗ trợ tiền mặt hơn 100 triệu đồng, mạnh thường quân còn trao tặng 4,4 tấn gạo, 250kg thịt, cá, 30 tấn rau, củ, quả, cung cấp hơn 14.000 suất cơm miễn phí cho người dân. Hiện bếp ăn vẫn duy trì bữa ăn sáng (cháo) phục vụ người dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Phát huy sức mạnh trong hoạt động nhân đạo, từ thiện

Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh - Hoàng Văn Sinh cho biết: Những năm qua, các hoạt động nhân đạo, từ thiện đã đến được với rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ những vất vả với họ. Các cấp Hội trong tỉnh thực sự trở thành “cầu nối” giữa những nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân với những hoàn cảnh bất hạnh, qua đó khơi dậy lòng yêu thương và sự chia sẻ giữa người với người trong cuộc sống, phát huy được sức mạnh của toàn xã hội trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao quà hỗ trợ người dân trong đợt dịch Covid-19

5 năm qua (2016 - 2021), từ cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, các cấp Hội trong tỉnh làm tốt việc lập hồ sơ địa chỉ cần trợ giúp nhân đạo. Hàng năm, tỉnh Hội phối hợp tri ân những tấm lòng nhân ái của mạnh thường quân, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam tiếp tục được triển khai sâu, rộng, mang lại hiệu quả tích cực, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đón một cái tết đầm ấm, ý nghĩa. Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội vận động được 325.000 phần quà, trị giá trên 113 tỉ đồng.

Một trong những chương trình có sức lan tỏa sâu, rộng trong thời gian qua là chương trình Vượt qua hiểm nghèo do Hội CTĐ tỉnh phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thực hiện. 270 chương trình được phát sóng cũng là ngần ấy mảnh đời không may được mạnh thường quân, các nhà hảo tâm hết lòng hỗ trợ. Trên 11,4 tỉ đồng và những phần quà thiết thực đã được chuyển đến đúng đối tượng cần giúp đỡ.

Góp phần cùng cả nước xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các hội viên, thanh niên xung kích CTĐ tham gia xây dựng cơ sở vật chất trường học, đường, cầu giao thông nông thôn, công trình nước sạch với tổng trị giá hơn 217 tỉ đồng; sửa chữa và xây mới nhiều căn nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với tổng số tiền gần 180 tỉ đồng;...

Theo Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh - Hoàng Văn Sinh, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai tốt phong trào Tết vì người nghèo; nắm chắc và phát huy nguồn vận động từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để đề xuất phương án triển khai, thực hiện; duy trì chương trình Vượt qua hiểm nghèo. Các cấp Hội phối hợp các đoàn thể kịp thời nắm tình hình dân sinh tại địa phương, mỗi khi có phát sinh trường hợp khó khăn phải chủ động, đề xuất biện pháp giải quyết, vận động “tương thân, tương ái”,... ./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết