Tiếng Việt | English

27/07/2022 - 09:11

Chăm lo gia đình thương binh, liệt sĩ

Chăm lo cho thương binh, liệt sĩ, người có công (NCC) với cách mạng là trách nhiệm của thế hệ hiện nay và mai sau. Điều đó luôn được các cấp, các ngành quan tâm và là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu; vừa thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, vừa mang lại niềm vui, sự động viên cho các thương, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), NCC với cách mạng, thân nhân liệt sĩ,...

Niềm vui của những cựu binh

Theo lịch trình, Đoàn cán bộ tỉnh Long An sẽ đến Trung tâm Điều dưỡng thương binh và NCC Long Đất (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vào cuối giờ sáng nhưng từ sớm, các thương binh và thân nhân liệt sĩ đã có mặt ở Trung tâm để chờ đoàn. Khi đoàn đến, ai cũng vui mừng. Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út đến tận nhà các liệt sĩ để thắp hương, thăm và tặng quà cho thân nhân liệt sĩ.

Mở cửa đón đoàn, bà Gái (vợ liệt sĩ Trần Văn Lợi) xúc động: “Nghe tin đoàn Long An ra thăm, tôi mừng quá! Ngày trước, khi ông nhà tôi còn sống, biết đoàn sắp ra thăm là ông ấy bồn chồn, chờ đợi từ mấy ngày trước, còn cố tình mời đoàn đến thăm nhà để được trò chuyện với mọi người lâu một chút. Giờ ông mất rồi, đoàn vẫn đến thăm, thắp hương, tôi xúc động lắm! Tôi trân quý tình cảm của Long An dành cho vợ chồng tôi”.

Quê của liệt sĩ Trần Văn Lợi ở huyện Đức Huệ, sau khi đất nước thống nhất, với tỷ lệ thương tật trên 81%, ông được đưa đến điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và NCC Long Đất. Cách đây vài năm, ông mất do tuổi cao và được công nhận là liệt sĩ.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út tặng quà cho thương binh nặng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất

Hàng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đều tổ chức đoàn đi thăm các thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và NCC Long Đất nhân dịp 27/7 và Tết Nguyên đán. Chuyến thăm lần nào cũng ấm áp và tràn ngập nụ cười. Thương binh Nguyễn Văn Hoàng nói trong niềm xúc động: “Đón đoàn ra thăm thế này, tôi hạnh phúc lắm! Con, cháu tôi về Long An làm việc và sinh sống. Thỉnh thoảng, tôi cũng về thăm quê nhưng được đoàn ra thăm tận nhà ở đây thì với tôi không còn gì bằng nữa!”.

Hy sinh cả thanh xuân và một phần thân thể cho Tổ quốc, trở về cuộc sống đời thường, niềm vui của các thương, bệnh binh đơn giản là nhận được sự quan tâm, động viên của thế hệ đi sau. Là thương binh nặng, mất trên 81% sức lao động, phải ngồi xe lăn nên ông Đỗ Văn Giờ (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) chỉ quanh quẩn trong nhà, không làm được gì nhiều, cũng không đi đâu xa được. Mỗi dịp lễ, tết, có đoàn đến thăm, ông đều rất vui mừng. Ông Giờ chia sẻ: “Nhà tôi đơn chiếc, được chính quyền và đoàn thể quan tâm, đến thăm, tôi rất vui và xúc động. Dịp lễ, tết năm nào cũng có đoàn tới thăm. Tôi thấy, tuổi già thì chỉ cần có vậy thôi”.

Ông Giờ kể, dịp 30/4 vừa qua, ông được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng 1 phần quà là 15 triệu đồng tiền mặt. Ngày nhận được quà, ông vui đến không ngủ được. Có thể với người khác, 15 triệu đồng không quá lớn nhưng với ông nó mang rất nhiều ý nghĩa. Nó không chỉ giúp ông trang trải cuộc sống gia đình mà còn là lời khẳng định của thế hệ sau rằng luôn quan tâm, tri ân những hy sinh của người đi trước.

“Sau lưng các anh có chúng tôi”

Sự quan tâm, chăm lo cho thương binh, liệt sĩ, NCC luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền. Quan điểm đó được Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út khẳng định trong buổi đến thăm thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và NCC Long Đất.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải tặng quà cho gia đình chính sách tại huyện Đức Huệ. Ảnh: Kim Tiến - Tấn Hữu)

Đến thăm thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và NCC Long Đất, ông Nguyễn Văn Út ân cần thăm hỏi từng gia đình, thắp hương cho các liệt sĩ. Ông bày tỏ sự xúc động trước những hy sinh to lớn của các thương binh, liệt sĩ đối với quê hương, đất nước.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út nói: “Đến đây, chúng tôi không thể nào nén được nỗi niềm xúc động của mình. Khó khăn nào cũng vượt qua nhưng khó khăn do chiến tranh để lại trên cơ thể các anh là không thể nào khắc phục được. Có được ngày hôm nay là sự đóng góp của các thương binh, gia đình liệt sĩ rất lớn. Chúng tôi luôn tri ân các đồng chí. Chúng tôi sẽ luôn hỗ trợ hết mình khi các đồng chí cần, điều gì làm được chúng tôi sẽ làm. Đằng sau lưng các anh bao giờ cũng có chúng tôi”.

Ông cũng yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên các thương binh cũng như nỗ lực chăm lo tốt hơn cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và NCC Long Đất nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 30.000 liệt sĩ, trên 12.000 thương, bệnh binh, trên 5.000 Mẹ VNAH, trong đó có 109 mẹ còn sống. Tất cả đều nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp, được chi trả chế độ, chính sách kịp thời, đúng quy định; đồng thời, được hưởng chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, xây dựng, sửa chữa nhà ở, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm,... Riêng đối với các Mẹ VNAH còn sống đều có các tổ chức, đoàn thể nhận phụng dưỡng đến cuối đời với mức trợ cấp từ 500.000-2.000.000 đồng/tháng.

Phó Bí thư phụ trách Tỉnh đoàn - Trần Hải Phú (thứ hai, trái qua) đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Tiếu (khu phố 7, phường 2, TP.Tân An)

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai, công tác Đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình thương binh, liệt sĩ được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nên Sở luôn quan tâm, chỉ đạo kịp thời cũng như thực hiện nhiều hoạt động Đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, NCC. Các hoạt động: Thăm hỏi, tặng quà NCC, gia đình chính sách nhân các dịp lễ, tết; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; phụng dưỡng Mẹ VNAH; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ,... được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, đặc biệt là trong tháng 7 - tháng tri ân các anh hùng, liệt sĩ.

Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách, các cấp chính quyền còn đặc biệt chú trọng thực hiện xã hội hóa nhằm chăm lo tốt hơn cho đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh vận động được 13,61 tỉ đồng: xây dựng 45 căn, sửa chữa 20 căn nhà tình nghĩa cho NCC với cách mạng. Bên cạnh đó, toàn bộ kinh phí tặng quà cho 160 thương, bệnh binh nặng (mỗi phần quà là 15 triệu đồng) và tặng quà 109 Mẹ VNAH (mỗi phần quà là 5 triệu đồng) cũng từ nguồn xã hội hóa. Điều đó thể hiện sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm, chăm sóc NCC, thương binh, liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.

“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, đã và đang được phát huy một cách hiệu quả thông qua các hoạt động tri ân, chăm lo cho gia đình chính sách, NCC trên địa bàn tỉnh, không chỉ vào dịp lễ, tết mà trong suốt cả năm./.

Các hoạt động chăm lo gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh năm 2022:

Thăm, tặng quà các cơ sở nuôi dưỡng NCC, thăm NCC, gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết;

Xây dựng, trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách;

Vận động tặng quà thương binh nặng, Mẹ VNAH;

Tổ chức lễ tưởng niệm, thắp nến tri ân, tổ chức thay hoa các mộ tại tất cả các nghĩa trang;

Tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và họp mặt NCC.

Trên địa bàn xã có 520 đối tượng chính sách, trong đó có 21 thương binh. Địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các gia đình phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ngoài các chế độ, chính sách do Nhà nước quy định, địa phương còn tạo điều kiện cho các gia đình chính sách vay vốn phát triển kinh tế gia đình, vận động kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa,... Hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết luôn được bảo đảm thường xuyên, liên tục”.

Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành - Nguyễn Thanh Xuân

Việc chính quyền tới thăm, tặng quà dịp lễ, tết là truyền thống mỗi năm. UBND xã, huyện đều có đoàn riêng đến thăm hoặc mời tôi tới trụ sở UBND để họp mặt. Vừa rồi, tôi được nhận phần quà 15 triệu đồng, vừa vui, vừa xúc động. Tôi biết đó là tiền của doanh nghiệp tài trợ, tôi cảm thấy vui vì mình được quan tâm”.

Thương binh Đặng Văn Chưởng, ấp 5, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ

Đa số NCC trên địa bàn tỉnh đều sinh sống tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện KT-XH khó khăn. Ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách chung theo quy định, các hoạt động chăm lo của tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp các hộ gia đình chính sách có điều kiện vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế hộ, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Nhìn chung, mức sống của các hộ NCC trên địa bàn tỉnh đều cao hơn hoặc ngang bằng mức sống của người dân nơi cư trú. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nhằm bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của NCC nói riêng và người dân trên địa bàn tỉnh được đầy đủ, sung túc hơn”.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích