Tiếng Việt | English

08/10/2019 - 08:49

Chăm sóc, nuôi dạy phải đi đôi với bảo đảm an toàn cho trẻ

Ngoài chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ, việc bảo đảm an toàn cho học sinh (HS) cũng là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục. Chính vì thế, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cùng chính quyền các cấp trong tỉnh Long An tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn.

Lấy trẻ làm trung tâm

Ở lứa tuổi mầm non, trẻ rất hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh nhưng khả năng tự bảo vệ còn hạn chế nên tai nạn, thương tích có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính vì thế, ngoài nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dạy, việc bảo đảm an toàn cho trẻ cũng là nhiệm vụ của các trường mầm non, mẫu giáo và nhóm, lớp độc lập tư thục. Đây cũng là điều mà phụ huynh quan tâm khi gửi con tại các cơ sở giáo dục này.

Để bảo đảm an toàn cho trẻ trong đưa, rước, nhà trường phân công giáo viên đi kèm để quản lý; giao, nhận trẻ và điểm danh trước khi lên, xuống xe

Để bảo đảm an toàn cho trẻ trong đưa, rước, nhà trường phân công giáo viên đi kèm để quản lý; giao, nhận trẻ và điểm danh trước khi lên, xuống xe

Chị Huỳnh Thị Ngọc Hân (khu phố 4, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Khi chọn trường, điều mà tôi quan tâm là chất lượng giáo dục, nguồn cung cấp thực phẩm, sân chơi rộng rãi, thoáng mát,... để bảo đảm an toàn cho con. Sau khi khảo sát, tôi quyết định gửi con ở trường mầm non có lắp camera để tiện quan sát việc ăn, ngủ, vui chơi và an tâm hơn”.

Trường Mầm non Úc Châu (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) là một trong những trường tư thục trang bị cơ sở vật chất hiện đại của tỉnh. Các phòng học, phòng chức năng được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ việc dạy và học, đạt tiêu chuẩn nhằm phục vụ tốt hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ toàn diện. Nắm bắt được nhu cầu của phụ huynh, trường triển khai dịch vụ đưa, đón trẻ nhằm giảm thiểu lượng phương tiện cá nhân, hạn chế tình trạng ùn tắc trước cổng trường và tạo tính tự lập cho trẻ từ sớm. Trường có 1 xe ôtô 16 chỗ đưa, đón trẻ với 1 lái xe là nhân viên của trường.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục Úc Châu - Huỳnh Thị Ngọc Dung cho biết: “Trường có khoảng 80 trẻ đăng ký dịch vụ này. Để bảo đảm an toàn cho trẻ, trường phân công 2 giáo viên (GV) đi kèm để quản lý; giao, nhận trẻ và điểm danh trước khi lên, xuống xe. Các cô giáo chỉ trả trẻ cho đúng người đăng ký với trường; có sổ theo dõi lịch trình đưa, đón trẻ và cập nhật thường xuyên với phụ huynh. Đối với lái xe, trường tuyển chọn khá kỹ, không chỉ có đầy đủ bằng cấp theo quy định mà còn là người có trách nhiệm, nhiệt tình, hiểu tâm lý của trẻ”.

“Lấy trẻ làm trung tâm” là phương pháp giáo dục được áp dụng tại Trường Mầm non thị trấn Cần Đước (huyện Cần Đước). Hiện trường nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ 435 trẻ từ 2-5 tuổi. Xác định trường mầm non là nơi hình thành nhân cách cho trẻ ở giai đoạn đầu đời, Ban Giám hiệu trường luôn quán triệt đến toàn thể cán bộ, GV, nhân viên lấy tình thương yêu, xem trẻ như con cháu để chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng tốt nhất.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học đóng vai trò quan trọng

Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Cần Đước - Nguyễn Thị Phương Trúc chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, chúng tôi luôn quan tâm đổi mới phương pháp quản lý; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ GV. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức cho GV; tạo điều kiện để GV tiếp cận nhanh với phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục mầm non mới”.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các bếp ăn tập thể của trường học đóng vai trò quan trọng, nhất là trường tổ chức học bán trú. Trường Tiểu học Mai Thị Non (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) hiện có 30 lớp học với 1.270 HS, trong đó có trên 99% HS ăn trưa tại trường. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Thị Non - Hồ Đắc Trung cho biết: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm ATTP, giúp HS có bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng và an toàn. Do đó, trường chú trọng từ nguồn nguyên liệu đến chế biến thức ăn theo tiêu chuẩn bếp ăn một chiều. Vào đầu năm học, trường tổ chức họp, lấy ý kiến phụ huynh về giá cả, thực đơn cũng như chất lượng suất ăn trưa của HS. Thực đơn hàng ngày đều được công bố tại khu vực nhà ăn để phụ huynh tiện theo dõi”.

Tăng cường quản lý

Thời gian gần đây, những thông tin nhà trường “bỏ quên” HS trên xe đưa, đón, bạo lực học đường, chất lượng suất ăn bán trú,... trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến dư luận xôn xao, phụ huynh lo lắng. Nhằm bảo đảm an toàn trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, ngành GD&ĐT tỉnh chỉ đạo các Phòng GD&ĐT phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục; kiểm tra giấy phép hoạt động, đội ngũ GV, cơ sở vật chất.

Ngoài nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ, việc bảo đảm an toàn cho học sinh cũng là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Phan Thị Dạ Thảo cho biết: “Ngành luôn quan tâm và chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác giáo dục pháp luật; triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như điều lệ trường mầm non, chế độ làm việc đối với GV mầm non; duy trì và phát huy truyền thống tận tụy với nghề, chịu khó học tập để đổi mới phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Hàng năm, ngành có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV mầm non. Nội dung bồi dưỡng thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT nhằm đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ năm học phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương”.

Thời gian tới, ngành tiếp tục tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho cán bộ, GV, nhân viên, HS và phụ huynh; duy trì và phát huy kết quả Hội thi tìm hiểu kiến thức về ATTP dành cho các trường mầm non, mẫu giáo trong tỉnh;...

Tại Bến Lức, công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục được chú trọng thực hiện. Theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bến Lức - Võ Văn Tuấn, toàn huyện hiện có 22 trường tiểu học; 15 trường mầm non công lập, 2 trường ngoài công lập; 67 nhóm lớp độc lập tư thục và 1 tổ mẫu giáo ghép với trường tiểu học. Hàng năm, phòng xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các cơ sở này, phối hợp ngành y tế kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại bếp ăn tập thể trường học và kiểm tra đột xuất khi cần thiết.

Để tạo môi trường học tập tốt nhất, giúp các em phát huy hết khả năng và có điều kiện phát triển toàn diện, nhà trường phải đặt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ cũng như bảo đảm an toàn cho HS lên hàng đầu. GV phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hiểu tâm lý của trẻ và quan trọng nhất là yêu thương trẻ. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT cần tăng cường công tác quản lý, thanh, kiểm tra các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường ngoài công lập nhằm giám sát hoạt động của các cơ sở này./.

Toàn tỉnh Long An hiện có 219 trường tiểu học - THCS (trong đó, 195 trường tiểu học và 24 trường tiểu học - THCS); 221 trường mầm non (trong đó, 190 trường công lập và 31 trường ngoài công lập), 326 nhóm, lớp độc lập tư thục.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết