Tiếng Việt | English

18/08/2022 - 08:49

Chiến thắng trận Mộc Hóa - Dấu son lịch sử

Chiến thắng trận Mộc Hóa (18/8/1948) có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước đột phá của bộ đội ta từ thế phòng ngự sang tiến công tiêu diệt địch. Đây là một “dấu son” trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân, dân tỉnh Tân An, Khu 8 và Nam bộ.

Chiến thắng làm nức lòng quân, dân cả nước

Trước những yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được sự đồng tình, ủng hộ của quân, dân huyện Mộc Hóa nói riêng và toàn khu vực nói chung, đầu tháng 8/1948, Bộ Tư lệnh Khu 8 quyết định lên kế hoạch tổ chức đánh trận Mộc Hóa. Lực lượng tham gia: Trung đoàn 120, Tiểu đoàn 307, Trung đội du kích tập trung của huyện và du kích 3 xã xung quanh huyện lỵ Mộc Hóa, dưới sự chỉ huy chung của đồng chí Nguyễn Chánh - Tham mưu trưởng Khu 8. Đêm 16/8/1948, quân và dân ta nổ súng mở đầu trận đánh Mộc Hóa lịch sử theo chiến thuật “công đồn, đả viện”.

Đồn Mộc Hóa là một tiền đồn của địch cắm sâu vào vùng căn cứ địa Đồng Tháp Mười, gần sát biên giới Việt Nam - Vương quốc Campuchia, án ngữ trên tuyến hành lang nối thông miền Đông xuống miền Tây Nam bộ. Đồn được xây dựng kiên cố trên đỉnh gò Bắc Chiêng. Lực lượng trú đóng gồm 1 đại đội với khoảng 70 tên do 1 trung úy Pháp chỉ huy, được trang bị 3 súng cối 81 và 60 li, 2 súng đại liên, 4 trung liên và nhiều mìn, lựu đạn. Tấn công đồn Mộc Hóa, Bộ Tư lệnh Khu 8 chủ trương giải phóng huyện Mộc Hóa, mở rộng vùng căn cứ Đồng Tháp Mười, mở thông hành lang vận chuyển của ta, tổ chức trận đánh ra mắt xây dựng truyền thống cho Tiểu đoàn chủ lực Khu 8 là 307 vừa mới thành lập.

Bia tưởng niệm đồn Ông Tờn (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) trở thành nơi giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ

Khi bị quân ta tấn công, địch ở đồn Mộc Hóa chống trả quyết liệt. Sau 2 đợt tấn công không thành, bộ đội ta lui đội hình tổ chức công sự, tạo thế vây ép buộc địch phải tung quân ra do thám. Lợi dụng tình hình đó, bộ đội ta tiêu diệt từng toán nhỏ. Ngày 17/8/1948, ta phát hiện địch dùng ghe, xuồng chở quân bị thương cập bến Ông Tờn (xã Bình Hiệp), Ban Chỉ huy trận đánh linh hoạt thay đổi kế hoạch, ban đầu, điều Đại đội 931 của Tiểu đoàn 307 ra chặn đánh; đồng thời, Đại đội 1075 của Trung đoàn 120 tiếp tục khép chặt thế vây hãm đồn Mộc Hóa.

Sáng ngày 18/8/1948, một tiểu đoàn địch từ biên giới Việt Nam - Campuchia tiến về cứu viện đồn Mộc Hóa bị rơi vào bẫy phục kích. Lập tức, bộ đội và du kích toàn mặt trận đồng loạt nổ súng mãnh liệt xung phong, chia cắt, bao vây tiêu diệt địch. Sau 3 ngày chiến đấu cam go, đầy mưu trí và dũng cảm, tại đồn Mộc Hóa, ta đã diệt 25 tên địch, làm bị thương 2 tên, bắt sống 6 tên, trong đó có tên chỉ huy đồn - Trung úy Louis Bertrand. Tại mặt trận “đả viện”, ta đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn địch, diệt hàng trăm tên, thu hơn 300 súng các loại.

Chiến thắng trận Mộc Hóa đã khởi động phong trào “thi đua yêu nước giết giặc lập công”, làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào lúc bấy giờ. Từ chiến thắng này, ta hoàn chỉnh khu căn cứ ở Đồng Tháp Mười và mở rộng giao lưu giữa Khu 7 với Khu 8 và Khu 9; đồng thời, liên kết 2 chiến trường Việt Nam - Campuchia. Ngoài ý nghĩa về chiến lược, chiến thuật, chiến thắng trận Mộc Hóa còn minh chứng sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Bộ Tư lệnh Khu 8, của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đổi thay trên vùng đất anh hùng

Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, nhất là hào khí chiến thắng trận Mộc Hóa, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mộc Hóa - Kiến Tường đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức, đạt thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, thị xã Kiến Tường là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của tỉnh, có vai trò quan trọng trong sự phát triển KT-XH vùng biên gắn với bảo đảm chủ quyền, an ninh biên giới, phát triển mối quan hệ hữu nghị, láng giềng với nước bạn Campuchia.

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, Kiến Tường huy động nhiều nguồn lực đầu tư một số công trình trọng điểm như hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Sân Bay, Trạm kiểm soát Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, bờ kè thị xã, đường Lê Lợi (nối dài),... góp phần làm cho đô thị thị xã thêm khang trang. Theo Bí thư Thị ủy Kiến Tường - Phạm Xuân Bách, hiện tại, thị xã cơ bản đạt các tiêu chí Chương trình Phát triển đô thị (đô thị loại III); 5/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và thị xã đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Các địa danh gắn liền với chiến thắng trận Mộc Hóa năm nào đã được “thay áo mới”. Gò Bắc Chiêng, đồn Ông Tờn hay Bắc Chan từng là nơi đóng quân, huấn luyện của lực lượng vũ trang Khu 8 nay cũng không còn dấu vết chiến tranh. Ông Trần Văn Kịch (ấp Gò Ớt, xã Tuyên Thạnh) bày tỏ sự vui mừng: “Những năm qua, nhất là từ khi có chương trình xây dựng NTM, hệ thống điện, đường, trường, trạm của xã đều được quan tâm đầu tư giúp cho việc sinh hoạt, sản xuất của người dân ngày càng thuận lợi hơn. Không chỉ bộ mặt nông thôn thay đổi mà đời sống người dân cũng không ngừng nâng lên”.

Cùng với Tuyên Thạnh, xã biên giới Thạnh Trị (thị xã Kiến Tường) cũng có nhiều bước phát triển mới. Xã đón nhận danh hiệu đạt chuẩn NTM năm 2020. Toàn xã hiện chỉ còn 15 hộ nghèo, chiếm 1,88%, hộ cận nghèo là 54 hộ, chiếm 6,79%. Trở lại Thạnh Trị những ngày này, chúng tôi nhận thấy, nhiều nhà tường mái ngói mọc lên, những cánh đồng trù phú xen giữa là các tuyến đường nhựa, bêtông, đá 0x4 rộng rãi, sạch đẹp. Trường học, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng khang trang, đạt chuẩn. Vùng căn cứ cách mạng năm nào đã thực sự được “hồi sinh”.

Trường học trên địa bàn xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, được xây dựng đạt chuẩn quốc gia

Không riêng thị xã Kiến Tường, dù bị bom đạn tàn phá nặng nề qua 2 cuộc kháng chiến nhưng huyện Mộc Hóa đã nỗ lực vươn lên, hàn gắn vết thương chiến tranh. Vùng đất nhiễm phèn nặng nay trở thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Sản lượng lúa cả năm 2021 đạt 265.990 tấn, đạt 106,3% kế hoạch huyện, đạt 108,5% so với Nghị quyết Huyện ủy và đạt 104,7% kế hoạch tỉnh giao, tăng 102,2% so với năm 2020. Trong đó, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao là 5.487ha, sản lượng đạt 32.912 tấn.

Mộc Hóa từ vùng đất nhiễm phèn nặng nay trở thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao

Song song với phát triển kinh tế, nhiều công trình hạ tầng phục vụ cuộc sống người dân cũng được nâng cấp, xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Nguyễn Văn Minh thông tin: 6/6 xã của huyện đã đạt chuẩn xã văn hóa NTM, trong đó xã Bình Hòa Trung được công nhận đạt chuẩn NTM. Các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đều được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề được quan tâm, tập trung thực hiện. Trên địa bàn huyện hiện còn 188 hộ nghèo (chiếm 2,55%) và 457 hộ cận nghèo (chiếm 6,19%).

Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn luôn được các địa phương quan tâm

ói về sự đổi mới của quê hương, chị Huỳnh Thị Phấn (ấp 1, xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa) chia sẻ: “Đổi thay rõ nét nhất là hệ thống giao thông. Còn nhớ gần chục năm trước, ở đây toàn là đường đất hoặc trải sỏi đỏ chứ làm gì có đường nhựa, bêtông rộng rãi như bây giờ. Nếu như trước đây, điện, nước nhiều nơi thiếu thốn, người dân chủ yếu sử dụng nước kênh để sinh hoạt thì nay đã có nước sạch để sử dụng. Bên cạnh đó, y tế, giáo dục phát triển góp phần nâng cao dân trí, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân”.

74 năm trôi qua (1948-2022) nhưng hào khí chiến thắng trận Mộc Hóa vẫn còn vang vọng, trở thành dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí mỗi người dân hôm nay. Tự hào với truyền thống của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục phát huy hào khí ấy lên tầm cao mới.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Thạnh là căn cứ địa cách mạng ở Nam bộ và Trung Nam bộ, giữa trung tâm Đồng Tháp Mười. Năm 1946, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 thành lập tại Bắc Chan (ấp Bình Tây, xã Tuyên Thạnh): Văn phòng Khu bộ, bệnh viện, binh công xưởng và các cơ quan khác phục vụ kháng chiến. Người dân nơi đây luôn tự hào với truyền thống cần cù, bất khuất, hết lòng nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trong thời bình, phát huy truyền thống của cha ông, người dân tiếp tục ra sức xây dựng quê hương. Năm 2016, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đây là tiền đề quan trọng để Tuyên Thạnh tiếp tục nỗ lực đạt nhiều kết quả cao hơn trong thời gian tới”.

Chủ tịch UBND xã Tuyên Thạnh (thị xã Kiến Tường) - Huỳnh Thanh Vinh

Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng bộ, chính quyền địa phương, đời sống người dân những năm qua thực sự có nhiều đổi thay. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư từng bước đạt chuẩn. Tuy nhiên, so với các địa phương khác trong huyện, hệ thống giao thông của xã còn nhiều khó khăn. Tôi mong các cấp lãnh đạo sẽ quan tâm đầu tư cho xã nhiều hơn nữa, nhất là xây dựng, mở rộng cầu, đường giao thông nông thôn để người dân đi lại dễ dàng hơn, tạo thuận lợi cho địa phương phát triển KT-XH”.

Ông Đỗ Văn Việt (ấp Tân Thiết, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa)

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết