Ông Nguyễn Văn Út cho rằng nếu chuyên tâm một loại đờn thì ngón đờn điêu luyện hơn
Ông Bảy Quế từng biết chơi các loại đờn tranh, kìm, cò,... nhưng vẫn thích và chơi đờn tranh. Cũng như cha, dù biết chơi cả đờn kìm và guitar nhưng ông Út Bù chỉ “chung thủy” với cây guitar phím lõm – loại nhạc cụ độc đáo, được biến tấu từ cây giutar của phương Tây. Ông bảo rằng: “Biết chơi nhiều loại đờn thì đa tài nhưng sẽ không hay. Còn nếu chuyên tâm một loại thì ngón đờn điêu luyện hơn nên tôi chỉ chơi guitar phím lõm trong nhạc tài tử, cải lương”.
Khi hỏi duyên cớ đến với nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT), ông Út Bù cười và giải thích ngắn gọn: “Đó là “máu” thấm sâu vào người từ thuở nhỏ đến tận bây giờ”. “Máu” đờn ca của ông là do đam mê và cũng là yếu tố cha truyền con nối. Cha ông Út Bù – ông Bảy Quế vốn là học trò đời thứ 2 của cố nhạc sư Nguyễn Quang Đại và là thầy dạy đờn của danh cầm Ba Tu.
Những tay đờn Văn Giỏi, Văn Dĩ từng nổi tiếng với đờn guitar phím lõm,... cũng là học trò của ông Bảy Quế. Và trong số học trò của cha, ông Út Bù thích tiếng đờn hào hoa, phóng khoáng của ông Văn Giỏi. “Ngày còn nhỏ, tuy chưa biết đờn nhưng khi nghe, tôi biết phân biệt ai đờn hay, đờn dở nên thích nghe tiếng đờn của ông Văn Giỏi. Mỗi lần ông về thăm cha và chơi đờn, tôi đều nghe lõm tiếng đờn của ông. Từ đó, tôi biết và tập tành với nghệ thuật đờn”, ông Út Bù kể.
Sau khi ông Bảy Quế qua đời, ông Út Bù khăn gói lên sài Gòn theo dòng nhạc lễ, chủ yếu để rèn luyện thêm kỹ năng đờn. Lúc này, cậu thanh niên 22 tuổi được chơi đờn cùng “thần tượng” Văn Giỏi, Văn Dĩ,... nên ngón đờn nhanh chóng “lên tay”. Sau những lần chơi đờn cùng nhau, ông Út Bù hiểu, muốn đờn hay, tạo phong cách riêng thì phải luyện chữ đờn và tập nhấn nhá.
Ngoài ra, tính cách cũng làm nên tiếng đờn. Ông Út Bù bảo, tâm tính cũng liên quan đến “tâm đờn”. Khi tâm hồn thoải mái thì tiếng đờn sẽ thanh thoát, bay bổng và phóng khoáng. Người có tính hiền hòa, đôn hậu thì điệu đờn cũng nhẹ nhàng, chín chắn.
Ngoài ra, nhiều người chơi đờn nhưng không ai đờn giống ai. Mỗi người đều có nét riêng do sự sáng tạo trong lúc đờn. Và trong ĐCTT, sáng tạo là không có hồi kết. Vì vậy, dù đã “lão luyện” trong giới ĐCTT ở Long An hiện nay nhưng ông Út Bù vẫn không chủ quan mà thường xuyên luyện tập để giữ tiếng đờn hay và có thêm nhiều sáng tạo. Điều quan trọng là sau mỗi lần chơi đờn, ông đều rút ra những điểm yếu, điểm mạnh để khắc phục và phát huy.
Hơn 40 năm chạm tay đến nghệ thuật đờn, ông không xem cây guitar phím lõm là dụng cụ “kiếm cơm” mà đó là báu vật của mình. Ở góc nhà riêng, ông treo những cây guitar ngăn nắp và giữ gìn cẩn thận. Với ông, cây đờn ấy vừa là duyên vừa là bổn phận của đứa con trai nối nghiệp đờn của cha thuở trước. Vì vậy, những giải thưởng khi ông đạt huy chương, bằng khen... từ các cuộc liên hoan dẫu chưa bằng số tiền ông tự đầu tư mua nhạc cụ nhưng những thành quả ấy là động lực, là sự khẳng định lối chơi đờn tài hoa của ông.
Ngoài việc chơi đờn vì đam mê, ông Út Bù còn tham gia gìn giữ phong trào ĐCTT. Hiện tại, ông là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT tỉnh Long An. Ở các cuộc Liên hoan ĐCTT tổ chức tại các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông đều có mặt đầy đủ. Tại liên hoan, cây đờn guitar phím lõm của ông góp thêm âm sắc cho những bài Bắc, bài Nam, bài Vọng cổ sự hấp dẫn, đặc sắc.
Bên cạnh đó, ông cũng tham gia dạy đờn, chỉ nhịp cho học trò trong, ngoài xã Mỹ Lệ tìm hiểu loại hình nghệ thuật ĐCTT. Tính đến nay, có hơn 50 học trò được ông chỉ dạy.
Truyền dạy thế hệ hôm nay biết đến ĐCTT được ông Út Bù xem như bổn phận vì cả đời gắn với nghiệp cầm ca, ông chỉ mong nghệ thuật dân gian này mãi là hồn dân tộc, là nét văn hóa độc đáo được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác./.
Thùy Hương