Tiếng Việt | English

07/06/2021 - 08:42

Chủ động phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Từ khi xuất hiện ở Việt Nam (tháng 10/2020), bệnh viêm da nổi cục hay còn gọi bệnh viêm da nổi cục truyền nhiễm hoặc bệnh da sần đã lây lan ở nhiều tỉnh phía Bắc và có nguy cơ cao tiếp tục lan rộng sang các địa phương khác. Thực hiện công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Long An đang tích cực triển khai các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Cần chủ động ngăn ngừa bệnh viêm da nổi cục trên bò

Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do một loại vi-rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi-rút không gây bệnh trên người. Đường lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh chủ yếu xảy ra vào những tháng ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất, gây thiệt hại về năng suất do sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, tổn thương da, giảm tăng trọng và vật nuôi có thể chết. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục là đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin.

Tại Long An, dù chưa xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nhưng công tác phòng, chống đang được chủ động thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về tập trung triển khai các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Theo đó, các đơn vị chức năng của địa phương và UBND xã, phường, thị trấn cần phối hợp lực lượng thú y địa phương rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu, rộng bằng nhiều hình thức để người dân hiểu được nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc trái phép trên địa bàn, đặc biệt là các địa phương biên giới; kiên quyết xử lý đối với những trường hợp nhập lậu trâu, bò qua biên giới và vận chuyển trâu, bò không rõ nguồn gốc.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, để chủ động phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, Sở cùng các cơ quan chuyên môn đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng dịch. Trong đó, tập trung tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng tại các hộ chăn nuôi, đặc biệt là tại các vùng có số lượng đàn trâu, bò lớn và nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết