Tiếng Việt | English

18/02/2020 - 09:32

Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

Hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi cho các chủng vi-rút cúm gia cầm và dịch cúm A/H5N6, A/H5N1 phát sinh. Đây cũng là thời điểm các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An tái đàn nên việc lưu thông và nhập giống gia cầm tăng cao, nguy cơ lây nhiễm, xâm nhập dịch cúm gia cầm (DCGC) vào địa bàn rất lớn.

Địa phương không lơ là

Hiện nay, nước ta có nhiều địa phương xuất hiện DCGC A/H5N6. Long An dù chưa phát sinh ổ dịch nhưng với phương châm “phòng bệnh là chính”, UBND tỉnh chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch trên địa bàn; yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, kế hoạch tiêm phòng đợt 1 năm 2020 (từ ngày 17/02 đến 06/3/2020), trong đó chú trọng rà soát, thống kê chính xác tổng đàn gia cầm trong diện tiêm phòng. Do vậy, ngoài việc hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cầm chủ động áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát việc nhập giống gia cầm ra, vào địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý ổ dịch, tránh tình trạng bùng phát, lây lan ra diện rộng.

Các địa phương chủ động tiêm phòng vắc - xin phòng bệnh. Ảnh: Huỳnh Phong

Huyện Cần Đước hiện có 1,2 triệu con gia cầm, trên 2.000 con gia súc và 2.250 vật nuôi khác. Thời gian qua, ngành chức năng huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ, người dân địa phương về lợi ích của công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và lịch phun thuốc sát trùng cụ thể cho từng ấp, khu phố để người dân chủ động vệ sinh trước khi phun thuốc sát trùng định kỳ. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết: “Để chủ động tiêu diệt mầm bệnh, phòng, chống nguy cơ xâm nhiễm, Trung tâm triển khai phun đúng tiến độ, hướng dẫn kỹ thuật phun, pha thuốc theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y. Những trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, bố trí hố sát trùng tại các khu vực trên địa bàn quản lý. UBND các xã, thị trấn thành lập các đội phun thuốc sát trùng cho hộ chăn nuôi, khu vực chợ buôn bán động vật sống, nơi công cộng, đường đi,…; áp dụng với các hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô dưới 2.000 con, hộ chăn nuôi gia súc, chăn nuôi heo dưới 50 con trở xuống và hộ chăn nuôi trâu, bò quy mô dưới 20 con, các chợ buôn bán động vật sống, nơi công cộng, khu nhốt động vật”.

Trang trại của anh Lê Văn Chôm (ngụ xã Tân Lân) đang nuôi hơn 5.000 con gà đẻ. Với kinh nghiệm hơn 10 năm chăn nuôi gia cầm, anh Chôm chia sẻ, vấn đề quan trọng nhất trong phòng bệnh cho đàn gia cầm là cho ăn uống đầy đủ và tiêm phòng các loại vắc-xin theo đúng định kỳ. Xung quanh chuồng và trong chuồng phải được tiêu độc, khử trùng thường xuyên. Trang trại nuôi gà chia ra từng dãy và được đánh số thứ tự để tiện theo dõi sức khỏe. Nhờ tuân thủ nghiêm các quy trình này mà nhiều năm nay, đàn gia cầm của gia đình luôn khỏe mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Cần Giuộc hiện có hơn 689.000 con gia súc, gia cầm. Từ đầu năm 2020 đến nay, địa phương không xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, huyện tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi và các cơ sở giết mổ. Bên cạnh chú trọng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, huyện còn tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh theo quy định; khuyến cáo người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là mà phải tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Người chăn nuôi chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học

Theo anh Trần Minh Đông, ngụ xã Phước Hậu, đang nuôi hơn 2.000 con gà, để đàn gia cầm khỏe mạnh, tiêm vắc-xin là điều cần thiết. Do vậy, ngay từ lúc lấy con giống về, anh tiêm phòng cho toàn bộ đàn gà và thực hiện đầy đủ theo định kỳ ở những tháng tiếp theo. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, ở những thời điểm nhạy cảm, có thể nâng thời gian sát khuẩn lên 3-5 ngày/lần.

Ngoài tiêm phòng vắc-xin định kỳ, thị xã Kiến Tường còn tổ chức ra quân phun 190 lít thuốc nhằm vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đồng loạt tại các khu vực chợ, khu chăn nuôi tập trung, khu vực giết mổ gia súc, gia cầm và các hộ chăn nuôi trên địa bàn 5 xã, 3 phường đợt 1 năm 2020. Cũng trong đợt này, thị xã trang bị cho 8 xã, phường, mỗi đơn vị 1 máy phun mới cùng các trang thiết bị, thuốc tiêu độc, khử trùng để các địa phương triển khai phun nhằm tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh

Điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, việc tổ chức tiêm vắc-xin cúm gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ nên tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xuất hiện, lây lan và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Thực hiện Công văn số 167/TTg-NN, ngày 05/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người; các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Công văn số 9597/BNN-TY, ngày 23/12/2019 về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm từ gia cầm qua biên giới; Công văn số 724/BNN-TY, ngày 01/02/2020 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 28/01/2020 của Thủ Tướng Chính phủ và Công điện khẩn số 735/CĐ-BNN, ngày 03/02/2020 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống cúm gia cầm, sở xây dựng kế hoạch truyền thông, phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2020 và tổ chức triển khai thực hiện ngay khi được UBND tỉnh phê duyệt; phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh từ ngày 10/02 đến 10/03/2020 theo Quyết định số 393/QĐ-UBND, ngày 10/02/2020 của UBND tỉnh; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh trên gia cầm và thông tin kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường; tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát, đánh giá sự sẵn sàng phòng, chống dịch và chỉ đạo thực hiện phòng, chống DCGC trên địa bàn tỉnh”.

Người dân chủ động sát trùng chuồng trại trong chăn nuôi. Ảnh: Kim Thoa

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn DCGC bùng phát, lây lan gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại về kinh tế, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Long An khuyến cáo các hộ chăn nuôi gia cầm cảnh giác, không được chủ quan, phải thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn gia cầm, thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, mua bán gia cầm có nguồn gốc rõ ràng; tăng cường vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phát quang cây cỏ, bụi rậm xung quanh chuồng trại và khu vực chăn nuôi, vệ sinh cống rãnh, chất thải, bảo đảm chuồng trại khô ráo, thoáng mát ban ngày và ấm về ban đêm; khi phát hiện gia cầm bệnh, chết đột ngột phải báo ngay cho cán bộ thú y xã hoặc trưởng ấp, khu phố hoặc báo ngay cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, thực hiện nghiêm “5 không”: Không nuôi thả rông gia cầm, không mua, bán gia cầm bị bệnh, không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không giấu dịch, không vứt xác gia cầm bừa bãi; hạn chế đến mức thấp nhất người và động vật ra, vào khu vực chăn nuôi; chủ động tiêm phòng vắc-xin cúm H5N1 cho gia cầm. Vắc-xin cúm H5N1 hiện có bán tại Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Long An, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã và TP.Tân An./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết