Tiếng Việt | English

30/07/2021 - 10:42

Chủ động ứng phó thiên tai để giảm thiệt hại

Những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Ðể giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, tỉnh Long An triển khai nhiều giải pháp, phương án để phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Diễn tập chằng chống nhà cửa để ứng phó với mưa, bão, giông, lốc (Ảnh tư liệu)

Diễn tập chằng chống nhà cửa để ứng phó với mưa, bão, giông, lốc (Ảnh tư liệu)

Thiên tai gây thiệt hại lớn

Mới bước vào mùa mưa năm nay, thời tiết tại tỉnh đã có những diễn biến bất thường. Những cơn mưa kèm theo giông, lốc làm sập 10 căn nhà, tốc mái 142 căn nhà ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thủ Thừa, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường. Ngoài ra, mưa, giông còn làm ngã, đổ nhiều cây xanh, trụ đèn, trụ điện tạm,... Chính quyền các địa phương đã huy động các lực lượng kịp thời hỗ trợ, khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống người dân địa phương.

Từ đầu tháng 4/2021 đến nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng xuất hiện một số cơn mưa lớn kèm theo giông, sấm, sét làm sập 3 căn nhà và tốc mái hoàn toàn 12 căn tại các xã: Vĩnh Bình, Thái Bình Trung, Vĩnh Thuận, Tuyên Bình và Tuyên Bình Tây, ước tính tổng thiệt hại 198 triệu đồng, tổng số tiền hỗ trợ 118,5 triệu đồng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm cho biết: “Nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, địa phương thường xuyên kiểm tra, khảo sát các công trình thủy lợi; cập nhật thông tin dự báo từ các cơ quan khí tượng - thủy văn Trung ương đến địa phương để kịp thời thông tin, tuyên truyền đến người dân. Ngoài ra, địa phương còn xây dựng kế hoạch cụ thể để chủ động trong mọi tình huống, hạn chế thiệt hại về người và tài sản”.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết, nhằm chủ động ứng phó với tình hình thiên tai, mưa, lũ năm 2021, tỉnh đề ra phương án phòng, chống, khắc phục kịp thời nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại. Trong đó, để ứng phó với tình hình hạn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn (PCTT&TKCN) tập trung chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân; ưu tiên về nước uống cho các xã vùng hạ của các huyện phía Nam.

“Chi cục yêu cầu Ban Quản lý dự án Nông nghiệp khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng, vận hành 2 trạm bơm điện tại cống Cây Gáo và cống Rạch Đào để kịp thời bơm tích nước bổ sung cho hệ thống Nhật Tảo - Tân Trụ khi độ mặn ở mức cho phép nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất cho huyện Thủ Thừa và Tân Trụ. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp nhân rộng mô hình chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước tưới, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm để giải quyết thu nhập và tận dụng phụ phẩm làm thức ăn gia súc trong điều kiện hạn” - ông Thuần cho biết thêm.

Thiên tai gây thiệt hại về người và tài sản

Thiên tai gây thiệt hại về người và tài sản

Chủ động thực hiện nhiều giải pháp

Theo dự báo, năm nay, lượng mưa ở hầu hết khu vực sẽ bằng hoặc cao hơn trung bình nhiều năm. Để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ có thể xảy ra, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức thi công các công trình trọng điểm đúng tiến độ; đồng thời, thường xuyên kiểm tra các công trình, đê bao, các vùng xung yếu.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc thông tin: “Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình PCTT, kịp thời gia cố, nâng cấp, duy tu các công trình, hệ thống đê bao; nâng cấp và bảo vệ hệ thống, phương tiện thông tin liên lạc; đồng thời, tuyên truyền người dân tu sửa, chằng chống nhà cửa,...”.

Ông Nguyễn Văn Lựa, ngụ xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, cho biết: “Những cơn mưa đầu mùa thường kèm theo giông, lốc. Một số căn nhà không được chằng, chống cẩn thận rất dễ bị sập hoặc tốc mái. Sắp vào mùa mưa, gia đình tôi tu sửa lại nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi nhằm bảo vệ tài sản của mình”.

Theo Giám dốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban PCTT&TKCN tỉnh - Nguyễn Thanh Truyền, theo các dự báo, thiên tai, hạn, xâm nhập mặn Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trên địa bàn tỉnh sẽ còn diễn ra gay gắt, phức tạp trong những năm tiếp theo. Tỉnh đang và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước cho các huyện vùng hạ. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động giám sát, kiểm tra chất lượng nước các công trình cấp nước nông thôn do doanh nghiệp, tư nhân quản lý. Về lâu dài, tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thực hiện các hạng mục công trình, dự án PCTT nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.

Tin rằng, với những giải pháp toàn diện mang tính căn cơ, lâu dài, công tác ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng hiệu quả và bền vững./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết