Năm 2020, thiệt hại do thiên tai tại huyện Vĩnh Hưng hơn 2 tỉ đồng
Thiệt hại vẫn còn xảy ra
Năm 2020, công tác PCTT&TKCN tại huyện Vĩnh Hưng được tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ từ huyện đến cơ sở. Các ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, phương án để phòng, chống và ứng phó. Ban Chỉ huy từ huyện đến cơ sở được củng cố, bảo đảm chế độ trực xuyên suốt.
Công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân bảo quản tài sản, chằng chống nhà cửa được thực hiện thường xuyên. Công tác dự đoán, dự báo tình hình khí tượng, thủy văn tương đối chính xác cũng đã góp phần giảm thiệt hại xảy ra. Công tác phòng, chống lũ sớm, bảo vệ lúa Hè Thu được quan tâm triển khai, thực hiện đạt kết quả cao nên đã hạn chế đến mức
thấp nhất thiệt hại. Công tác thăm hỏi, hỗ trợ các vụ việc do thiên tai gây ra được kịp thời, giúp các hộ dân sớm ổn định cuộc sống. Hệ thống thủy lợi, đê bao lửng tiếp tục được quan tâm đầu tư với khối lượng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đáp ứng yêu cầu PCTT.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác PCTT&TKCN cũng còn một số tồn tại, hạn chế, nhận thức của một số ít hộ dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là nên xảy ra thiệt hại về tài sản. Nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN là rất lớn, trong khi ngân sách của địa phương còn hạn chế nên việc đầu tư cho công tác này chưa được bảo đảm.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vĩnh Hưng, năm 2020 do ảnh hưởng của các đợt mưa giông, 22 căn nhà trên địa bàn huyện bị sập và tốc mái, 1 trường hợp nhà bị cháy. Ngoài ra, trong mùa nắng, mực nước trên các tuyến kênh xuống thấp, áp lực phản áp nhỏ kết hợp với mưa làm một số đoạn đê bị sạt lở. Ước tính thiệt hại do thiên tai năm 2020 hơn 2 tỉ đồng.
Từ đầu năm đến nay, mưa giông làm sập và tốc mái 11 căn nhà
Chủ động phòng, chống
Dự báo tình hình thời tiết năm 2021 diễn biến phức tạp, thực tế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện mưa giông đã làm sập và tốc mái nhà. Cụ thể, vào khoảng 16 giờ 30 phút, ngày 05-5, cơn mưa lớn kèm theo dông và lốc xoáy đi qua các xã: Vĩnh Bình, Tuyên Bình Tây và Vĩnh Thuận làm sập và tốc mái 11 căn nhà. Sau khi nhận được thông tin, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các xã đến thăm hỏi, động viên các gia đình. Đồng thời, các địa phương cử lực lượng đến giúp người dân thu dọn, khôi phục lại nhà ở, ổn định cuộc sống.
Để chủ động công tác PCTT&TKCN, huyện Vĩnh Hưng đề ra phương án, kế hoạch cụ thể, xây dựng các kịch bản phòng ngừa, ứng phó phù hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các mặt thiệt hại về sản xuất, kết cấu hạ tầng, bảo vệ tốt tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, không chủ quan, thiếu ý thức trong phòng tránh thiên tai, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chủ động phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống và ứng phó với thiên tai, hiện toàn huyện có 2 ca nô, 22 chiếc vỏ lãi, gần 900 phao và áo phao, 5 bộ nhà bạt, 1 phao bè, 1 thiết bị chữa cháy và các loại trang thiết bị khác,... Bên cạnh đó, lực lượng tham gia PCTT&TKCN cũng được bảo đảm, lực lượng dự kiến huy động từ các ban, ngành, đơn vị từ huyện đến các xã, thị trấn tham gia công tác phòng, tránh và ứng phó khi xảy ra thiên tai, trong đó bao gồm lực lượng chuyên trách cấp huyện, lực lượng của ban, ngành, đoàn thể, dân quân, thanh niên xung kích, tình nguyện viên các xã, thị trấn.
“Xã xác định những nhiệm vụ chính trong công tác PCTT&TKCN năm 2021 là phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ huy phụ trách địa bàn các ấp, tuyên truyền các hộ dân ở ngoài đồng trống chằng chống lại nhà cửa, những nơi có khả năng bị ngập lũ cần di dời về nơi cao ráo nhằm bảo đảm an toàn, thành lập các tổ xung kích sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra, chuẩn bị các loại phương tiện, vật tư thiết yếu để trực sẵn sàng giúp dân tại những nơi xung yếu” - Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Đẹp cho biết.
Theo Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Cường, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình PCTT, kịp thời gia cố, nâng cấp, duy tu bảo đảm cho các công trình, hệ thống đê bao. Thường xuyên kiểm tra hệ thống tiêu, thoát nước, nhất là hệ thống chợ, khu dân cư tập trung, sử dụng hiệu quả các trạm bơm, máy bơm được huyện đầu tư vận hành kịp thời. Triển khai kiên cố các công trình công cộng bảo đảm đáp ứng chịu lực đối với tác động của thiên tai. Có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông theo định kỳ. Nâng cấp và bảo vệ hệ thống, phương tiện thông tin liên lạc. Tuyên truyền người dân tu sửa, chằng chống lại nhà cửa, hạn chế sập đổ do mưa giông. Các vùng ngập phải chuẩn bị cây cối, vật tư kê kích bảo vệ tài sản và người suốt mùa lũ. Tổ chức diễn tập các phương án cứu hộ, cứu nạn,...
Trước tình hình mưa, lũ năm 2021, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng cần phát huy hơn nữa những kinh nghiệm, chủ động trong công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự chủ động phòng tránh của người dân, có như thế mới có thể phòng ngừa và ứng phó, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra./.
Văn Đát