Tiếng Việt | English

24/05/2018 - 02:45

Chung tay ngăn chặn bạo lực gia đình

Khi chính quyền địa phương và cộng đồng thật sự vào cuộc, các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) có thể được giải quyết hiệu quả.

Để vợ chồng hạnh phúc, con trẻ phát triển toàn diện, cần chung tay ngăn chặn bạo lực gia đình. Ảnh minh họa: KT

Để vợ chồng hạnh phúc, con trẻ phát triển toàn diện, cần chung tay ngăn chặn bạo lực gia đình. Ảnh minh họa: KT

Chị T., ngụ xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An kể: “Thấy thằng A - con trai tôi say rượu, gây gổ, đánh nhau với hàng xóm, anh em ruột trong nhà, vợ chồng tôi rất lo. Chúng tôi lo, vì thiếu kiềm chế mà xảy ra những chuyện không hay nên trói con lại, chờ tỉnh rượu, giải thích cho nó hiểu”. A. gây gổ với hàng xóm, anh em trong nhà và bị cha mẹ trói lại không phải xảy ra một lần. Những lúc như thế, chị T. sợ hàng xóm để bụng, thù hằn rồi chuyện xấu xảy ra.

Theo chị T., mỗi lần con gây gổ, đánh nhau, trưởng ấp, công an xã đều đến can ngăn, khuyên giải. Khi tỉnh rượu, con chị biết lỗi. Chị cũng khuyên con nên hạn chế uống rượu. Chị T. nói: “Nhờ nhiều người động viên, khuyên giải, bây giờ, con tôi ít uống rượu, lo đi làm kiếm tiền phụ cha mẹ trang trải cuộc sống gia đình. Tôi mừng lắm!”.

Cùng ngụ xã Thạnh Phú, gia đình chị N. không có ruộng đất sản xuất, sống bằng nghề làm thuê. Chị N. chia sẻ: “Chồng tôi rất hiền lành, chí thú làm ăn nhưng khi “rượu vào” lại nóng tính, cộc cằn, gây gổ với vợ, đập phá đồ đạc trong nhà”.

Theo Trưởng Công an xã Thạnh Phú - Nguyễn Văn Thủy, trường hợp BLGĐ xảy ra ở gia đình chị T. và chị N. đều được chính quyền địa phương can thiệp sớm và đưa ra cộng đồng dân cư góp ý, phê bình. A. được chính quyền địa phương giao cho Đoàn Thanh niên xã quản lý, giáo dục, đến nay không còn vi phạm và chí thú làm ăn. Còn anh C. được Hội Nông dân xã giáo dục, động viên”.

Từ năm 2009-2017, trên địa bàn huyện Thạnh Hóa phát hiện 263 vụ BLGĐ. Theo đánh giá của huyện, từ năm 2013-2017, mỗi năm, số vụ BLGĐ giảm từ 5-50%. Trong đó, có 216 vụ bị xử phạt hành chính; góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư 36 vụ; áp dụng biện pháp giáo dục 4 vụ và hòa giải tại cơ sở 7 vụ. Số vụ BLGĐ giảm hàng năm có nhiều nguyên nhân, trong đó có vai trò của cộng đồng tham gia giải quyết. Từng nhóm phòng, chống BLGĐ thường xuyên theo dõi vận động, tuyên truyền, giáo dục những đối tượng có hành vi BLGĐ nhằm sớm phát hiện, can thiệp kịp thời.

Theo báo cáo của Công an TP.Tân An, từ năm 2008-2017 ghi nhận 69 vụ BLGĐ, trong đó bạo lực thân thể chiếm 42 vụ, bạo lực tinh thần 27 vụ. Để hạn chế BLGĐ, thành phố xây dựng 83 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 32 tổ tư vấn, thành lập Câu lạc bộ Tố giác tội phạm- tệ nạn xã hội qua điện thoại,... Đó là những địa chỉ tin cậy để người bị BLGĐ tìm đến.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP.Tân An - Huỳnh Thị Bạch Lan cho biết: “BLGĐ hiện xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Đối tượng bị bạo lực phần lớn là phụ nữ, người gây ra bạo lực chủ yếu là nam giới. Nguyên nhân chủ yếu là chồng cờ bạc, rượu chè, sa vào tệ nạn xã hội, ngoại tình và kinh tế gia đình không ổn định. Người bị bạo lực thường chưa mạnh dạn lên tiếng vì muốn giữ thể diện gia đình. Vì vậy, nhiều nạn nhân không tìm đến sự giúp đỡ từ cộng đồng, các đoàn thể và ngành chức năng. Việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ vì thế còn gặp nhiều khó khăn”.

Thực tế cho thấy, một khi chính quyền và cộng đồng thật sự quan tâm, vào cuộc, bảo vệ nạn nhân, tìm hiểu và giải quyết mâu thuẫn, xung đột thì các vụ BLGĐ được giải quyết triệt để, hiệu quả” - Trưởng Công an xã Thạnh Phú - Nguyễn Văn Thủy chia sẻ./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích