Tiếng Việt | English

08/05/2018 - 03:00

Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường: Nhu cầu lớn, nguồn vốn hẹp

Thời gian qua, Chương trình cho vay Nước sạch và Vệ sinh môi trường (NS&VSMT) do Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Long An triển khai góp phần giúp nhiều địa phương xây dựng thành công xã văn hóa, nông thôn mới. Tuy nhiên, nguồn vốn vay này chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, nhất là khu vực thành thị.

Bà Nguyễn Thị Phụng phấn khởi khi tình trạng thiếu nước sinh hoạt được khắc phục nhờ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách Xã hội

Bà Nguyễn Thị Phụng phấn khởi khi tình trạng thiếu nước sinh hoạt được khắc phục nhờ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách Xã hội

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Trước đây, vào mùa khô, người dân xã Phước Tuy, huyện Cần Đước luôn đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu phục vụ sản xuất. Từ khi NHCSXH tỉnh triển khai chương trình cho vay NS&VSMT, tình trạng này được cải thiện. Bà Nguyễn Thị Phụng (ngụ ấp 6, xã Phước Tuy) bộc bạch: “Nỗi khổ thiếu nước đã qua, bây giờ, nhà nào cũng có nước hợp vệ sinh sử dụng. Những năm trước, khi chưa có chương trình cho vay NS&VSMT, người dân ở đây chủ yếu sử dụng nước sông, ai có điều kiện thì khoan giếng, lấy nước sinh hoạt”.

Năm 2014, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Văn Chẳn nhớ lại: “Lúc phát động xây dựng xã nông thôn mới, địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là tiêu chí môi trường, trong đó có việc xóa cầu tõm. Xã phân công các hội, đoàn thể tích cực vận động người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh từ nguồn vốn vay chương trình NS&VSMT của NHCSXH. Nhờ vậy, đến nay, xã có trên 85% hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh”.

Chương trình cho vay NS&VSMT không chỉ góp phần giúp nhiều địa phương về đích xã văn hóa, nông thôn mới mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Nguồn vốn chưa đáp ứng đủ

Ngoài những kết quả, Chương trình cho vay NS&VSMT còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn vay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Thành Kết thông tin: “Theo Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 62/2004/QĐ-TTG, ngày 16-4-2004 về Tín dụng thực hiện chiến lược Quốc gia về cấp NS&VSMT nông thôn, đối tượng được hưởng tín dụng chính sách là những hộ gia đình định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn. Vì vậy, những người dân thuộc khu vực thành thị như thị trấn Thạnh Hóa sẽ không được vay chương trình NS&VSMT, nguồn vốn Trung ương. Trong khi đó, nguồn vốn địa phương rất hạn chế nhưng nhu cầu vay của người dân thị trấn rất cao”.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Hóa - Phan Hồng Tâm cho biết: “Phấn đấu đến năm 2020, thị trấn Thạnh Hóa được công nhận đô thị loại V. Do đó, tiêu chí về môi trường rất quan trọng. Hiện nay, chỉ một phần người dân sống ở khu thương mại và dân cư sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, hố xí tự hoại, còn những hộ ở các khu phố: 1, 2, 3 và 4 thì chưa sử dụng. Người dân có nhu cầu vay vốn nhưng địa phương chưa đáp ứng đủ. Vì vậy, tôi kiến nghị các cấp, các ngành xem xét bổ sung nguồn vốn để chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng lên”.

Theo Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh - Lê Bá Chuyên, không riêng người dân thị trấn Thạnh Hóa có nhu cầu vay vốn chương trình NS&VSMT, những địa bàn khác như thị trấn Thủ Thừa, thị trấn Tân Thạnh, thị trấn Vĩnh Hưng, phường 2, 3 (thị xã Kiến Tường), phường Tân Khánh, Khánh Hậu, phường 7 (TP.Tân An),... cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn vay này, mặc dù một số địa phương đã chuyển vốn ngân sách sang NHCSXH để cho vay. Vấn đề này, UBND tỉnh chỉ đạo NHCSXH tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan khảo sát nhu cầu thực tế để làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh tại kỳ họp 6 tháng đầu năm 2018 về đối tượng vay theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 11/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính. Hiện nay, nhu cầu vay vốn để xây dựng, sửa chữa công trình nước sạch và nhà vệ sinh đạt quy chuẩn quốc gia là rất lớn nhưng nguồn vốn của tỉnh và huyện chỉ đáp ứng được một phần, chủ yếu cần sự hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương.

Chương trình cho vay NS&VSMT góp phần nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trên toàn tỉnh. Song, đối tượng cho vay và nguồn vốn vay còn hạn chế nên rất cần sự tháo gỡ khó khăn từ các cấp, các ngành./.

Đến ngày 30/4/2018, dư nợ cho vay chương trình NS&VSMT đạt 701 tỉ đồng, chiếm 24,77% tổng dư nợ. Theo kết quả khảo sát, năm 2018, toàn tỉnh có nhu cầu vay vốn NS&VSMT 167 tỉ đồng, trong đó, 27 tỉ đồng là nhu cầu từ địa bàn các phường, thị trấn.

Thiên Minh

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích