Người dân xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường hy vọng trạm cấp nước đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán
Nhu cầu sử dụng nước sạch cao
Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo địa phương, nhiều công trình cải tạo, nâng cấp các giếng nước, đài nước, trạm tăng áp,... trên địa bàn được triển khai thực hiện, qua đó, giải quyết một phần nhu cầu sử dụng nước của người dân.
Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS, NS trên địa bàn thị xã Kiến Tường tăng qua từng năm, nhiều công trình sửa chữa, xây dựng mới đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nước của người dân khá cao, nguồn nước từ các dự án chưa thể cung cấp đầy đủ.
Ông Trần Xuân Lộc, ngụ ấp Cái Sậy, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, chia sẻ: “Tại địa phương có ít giếng nước. Gia đình tôi vẫn phải trữ nước mưa để sử dụng, tắm, giặt thì bơm từ sông lên, lắng lại, sau đó khử phèn để sử dụng. Vừa qua, được chính quyền vận động, tôi hiến đất để xây dựng giếng nước. Hiện nay, giếng được xây dựng xong, nước tốt nhưng chưa thể cấp được do chờ kéo đường dây điện bơm nước mới. Tôi cũng như người dân trong ấp hy vọng có điện trước tết”.
Chủ tịch UBND xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường - Huỳnh Thanh Vinh cho biết: “Nhu cầu sử dụng NS, nước HVS của người dân rất lớn, nước HVS mới chỉ đáp ứng trên 90%, NS hơn 10%. Toàn xã có 6 điểm cấp nước nhưng chủ yếu chỉ cấp nước HVS. Phấn đấu đến năm 2021, đạt 65% hộ dân sử dụng NS theo chuẩn xã nông thôn mới, địa phương tích cực kêu gọi xã hội hóa, nâng cấp các giếng nước, phục vụ người dân”.
Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ thông tin: “Nước HVS cơ bản đáp ứng nhu cầu, còn NS thì chưa. Riêng nội ô thị xã, tỷ lệ hộ dân sử dụng NS đạt 99%. Toàn địa bàn có 35 công trình cấp nước, đòi hỏi nguồn vốn trên 40 tỉ đồng để nâng cấp đạt NS. Nhu cầu lớn, kinh phí nhiều, thị xã chỉ mới cải tạo được một số giếng nước, cấp nước sạch cho người dân. Hiện, địa phương xây dựng kế hoạch, theo lộ trình, kêu gọi các nguồn lực cùng tham gia để nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng NS tại địa phương”.
Nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân khá lớn nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ (Trong ảnh: Thiếu nước sạch, một số hộ dân sử dụng nước mưa trữ trong lu)
Hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh chiếm 96,4% (nước máy 72,4% còn lại các nguồn khác), nước sạch đạt quy chuẩn 24,5%. Năm 2017, tỉnh đầu tư xây dựng gần 20 công trình cấp nước sạch với nguồn vốn khoảng 50 tỉ đồng. Năm 2018, dự kiến đầu tư 13 công trình cấp nước sạch (chuyển tiếp năm 2017), vốn khoảng 50 tỉ đồng. |
Chưa đáp ứng nhu cầu
Sau nhiều năm “khát nước” và phải đổi nước giá “trên trời”, nguyện vọng được sử dụng NS của người dân một số xã vùng hạ huyện Cần Giuộc được đáp ứng. Tuy hộ dân được cấp nước còn ít nhưng bước đầu giải quyết nhu cầu cấp bách của người dân nơi đây. Ông Trần Văn Mái, ngụ ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, khoe: “NS mới được xài khoảng tháng nay, mạnh lắm, người dân ai nấy đều phấn khởi! Trước đây khổ lắm, mua nước giá “trên trời” về dùng, chi phí trang trải đè nặng hơn. Được như bây giờ, chúng tôi ai cũng mãn nguyện!”.
Theo Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông - Nguyễn Việt Hùng, hiện chỉ có các hộ dân thuộc ấp Vĩnh Thạnh được sử dụng NS do gần kề huyện Nhà Bè, TP.HCM. 3 ấp còn lại, người dân vẫn sử dụng nước mưa hay các giếng khoan. Tuy nhiên, nguồn nước này không bảo đảm chất lượng, khả năng ảnh hưởng sức khỏe người dân rất lớn. Một số dự án được đầu tư về các xã vùng hạ của huyện, trong đó có xã Phước Vĩnh Đông nhưng thời điểm này chưa cấp nước được. Địa phương mong muốn cấp trên đẩy nhanh tiến độ, đem nước về phục vụ người dân.
Nguồn nước từ các dự án cải tạo, nâng cấp dần dần thay thế các nguồn nước mưa, lắng từ các sông, rạch. Tuy nhiên, các công trình còn khá khiêm tốn so với nhu cầu nên chưa thể đáp ứng được trong một sớm, một chiều. Tại huyện Thạnh Hóa, NS là vấn đề lớn của địa phương. Ngay từ đầu nhiệm kỳ mới, lãnh đạo huyện đề ra các kế hoạch nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng NS trên địa bàn. Song song đó, huyện phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh khảo sát, xây dựng để giải quyết một số vấn đề về nước tại địa phương nhưng tỷ lệ hộ dân sử dụng NS vẫn khá thấp.
Ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Người dân ở xã chủ yếu dùng nước giếng khoan, nước mưa trữ trong các lu hoặc từ sông, kênh, rạch (tắm, giặt) nên luôn mong muốn được sử dụng nước HVS, NS. Thời gian gần đây, xã được quan tâm đầu tư, tu bổ một số đài nước nên nguồn nước sinh hoạt tạm ổn. Nhu cầu sử dụng NS của người dân rất lớn, tuy nhiên, cần nhìn thực tế, giờ chúng tôi chỉ mong có đủ nước giếng để sử dụng”.
Theo UBND xã Thạnh An, năm 2017, huyện nâng cấp đài nước ấp 1, tuy nhiên, kinh phí hạn hẹp nên nguồn nước chưa bảo đảm cấp đầy đủ cho người dân. Xã kiến nghị UBND huyện hỗ trợ sửa chữa thêm một số giếng nước để phục vụ người dân.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha thông tin: “Nước sạch đạt quy chuẩn trên địa bàn đạt gần 20%. Do khó khăn về kinh phí nên việc đầu tư các dự án để cải tạo giếng nước, cấp nước tập trung còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Năm 2017, huyện bố trí vốn nâng cấp 13 đài nước, chủ yếu các xã nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, huyện kêu gọi xã hội hóa, xây dựng kế hoạch, phối hợp sở, ngành tỉnh để nâng cao tỷ lệ sử dụng NS trên địa bàn, phấn đấu năm 2020, tỷ lệ hộ dân sử dụng NS đạt 50%”.
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn - Hà Văn Thiệp nhận định: Nhiều năm qua, tỉnh rất chú trọng việc đầu tư các công trình cấp nước trên địa bàn, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước HVS, NS đều tăng qua mỗi năm. Việc cấp nước được ưu tiên tại những nơi thiếu nước, các xã vùng nông thôn và xã nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ người dân sử dụng nước HVS đạt 98%, NS đạt 45%, trung tâm xây dựng các kế hoạch trung hạn, dài hạn phù hợp với nguồn lực của tỉnh và thực hiện đúng kế hoạch./.
Thanh Mỹ