Trẻ chơi các hoạt động ngoài trời, góp phần phát triển thể chất
Tạo điều kiện cho công nhân
Thành lập 10 năm nay và đề ra mục tiêu đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân, Trường Mầm non Tư thục Ánh Ngọc (xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An) xây dựng được uy tín và là địa chỉ tin cậy của công nhân.
Với hơn 70% trẻ là con công nhân nên trường có những quy định chung phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công nhân. Theo đó, giáo viên bắt đầu nhận trẻ từ 6 giờ 30 phút và trả trẻ đến hết 16 giờ 45 phút từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần. Phụ huynh tăng ca và có nhu cầu gửi thêm giờ, trường bố trí 1 giáo viên giữ trẻ ngoài giờ trong khoảng thời gian 1-1,5 tiếng sau giờ trả trẻ. Riêng ngày chủ nhật, phụ huynh có nhu cầu gửi trẻ, trường giới thiệu người giữ trẻ là giáo viên của trường.
Giáo viên quan tâm, theo sát mọi hoạt động của trẻ
Hiệu trưởng Trường Mầm non Tư thục Ánh Ngọc - Phạm Thị Kim Nhung cho biết: “Trường có đặc thù tiếp nhận đa số trẻ là con công nhân nên đặc biệt quan tâm đến những nhu cầu chung của họ. Trong đó, giới thiệu trẻ đến nhà cô giáo ngày chủ nhật không thuộc phạm vi quản lý của trường nhưng cũng chọn giáo viên có chuyên môn, uy tín trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhờ vậy, trẻ được chăm sóc tốt, bảo đảm an toàn và phụ huynh cũng an tâm làm việc. Trường cũng không có nghỉ hè và trẻ có thể nhập học bất kỳ thời điểm nào trong năm. Ngoài ra, trường còn gắn camera giám sát ở các lớp nhằm tránh tình trạng bạo lực học đường xảy ra”.
Trường rất quan tâm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và dạy theo Chương trình Giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, trong đó, lấy trẻ làm trung tâm. Giáo viên của trường được tham gia tập huấn, dự giờ, thao giảng chung với cụm của huyện, giúp nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Cô Đặng Thị Thanh Trúc - giáo viên lớp mầm 2, tâm sự: “Không hài lòng với những gì đã có, tôi luôn tự học hỏi, trau dồi chuyên môn từng ngày. Thông qua các hoạt động, tôi giúp trẻ phát triển thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, thẩm mỹ và tình cảm xã hội. Ngoài ra, tôi cũng chú trọng việc thông tin về tình hình của trẻ đến phụ huynh để phối hợp trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn”.
Trẻ được rèn kỹ năng tự phục vụ
Xây dựng thương hiệu riêng
Cũng nằm trên địa bàn có khu công nghiệp, Trường Mầm non Tư thục IQ Cần Đước 2 (xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho con công nhân, còn chú trọng phát triển năng khiếu và tư duy cho trẻ.
Trường dạy trẻ theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định với phương châm học mà chơi, chơi mà học và bám sát chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm, trong đó, chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho trẻ. Cô Nguyễn Thị Bích Tuyền - giáo viên lớp mầm, cho biết: “Dạy lễ giáo và kỹ năng tự phục vụ là bước cơ bản trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Tôi tìm hiểu tính cách, thế mạnh, điểm yếu của trẻ, từ đó chọn phương pháp dạy phù hợp và dạy mọi lúc, mọi nơi”.
Ngoài ra, trẻ được lồng ghép học các môn năng khiếu như bơi lội, Aerobic, tiếng Anh và rèn dạy chữ. Hiệu trưởng Trường Mầm non Tư thục IQ Cần Đước 2 - Trần Thị Xuân Lan chia sẻ: “Học các môn năng khiếu, trẻ được phát triển thể chất và có tư duy tốt hơn. Trong đó, môn tiếng Anh, trẻ được học với giáo viên bản ngữ. Nhờ vậy, trẻ được nghe giọng tiếng Anh chuẩn và tiếp xúc với người nước ngoài giúp trẻ dạn hơn. Có thể nói, phát triển các môn năng khiếu ấy cũng là điểm nổi bật của trường”.
Ngoài chú trọng chăm sóc, giáo dục trên lớp, các cơ sở mầm non tư thục còn chú trọng dinh dưỡng và an toàn thực phẩm các bữa ăn cho trẻ
Cùng với đó, trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất. Phòng học rộng, có nhiều đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt mỗi phòng học đều có gắn máy lạnh và camera giám sát. Cô Lan chia sẻ thêm: “Xây dựng môi trường học tập an toàn và chống bạo lực học đường là vấn đề quan tâm hàng đầu của trường. Giáo viên được thông tin rõ những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời, được trường thường xuyên nhắc nhở, động viên trong việc xây dựng môi trường dạy và học an toàn”.
Nhờ có nhiều cơ sở mầm non tư thục tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, chú trọng chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mà con công nhân có thêm địa điểm tin cậy để học tập. Đó cũng là giải pháp giúp các cơ sở mầm non tư thục chưa làm tốt tiếp tục nỗ lực và những cơ sở mầm non có tình trạng bạo lực học đường phải nghiêm túc chấn chỉnh nếu muốn tồn tại./.
Ngọc Thạch