“Bà cút đi! Cút đi!”
Tiếng người con trai sang sảng như nuốt lấy đôi bàn tay đang run lên vì sợ của người mẹ. Chuyện chẳng có gì ngạc nhiên nhưng nó làm Sa khó chịu, cô bé vẫn hay tìm đến tôi để giải tỏa nỗi ấm ức đó.
Tôi với Sa đều là người mới chuyển tới khu trọ này. Một khu trọ dành cho những người có thu nhập thấp. Dăm ba đường sơn loang lổ cùng những vết hằn nham nhở của thời gian đã cấu xé cả mảng tường to và rộng của dãy trọ. Các căn phòng cổ xưa đến nỗi chỉ cần lướt qua cũng đủ thấy buồn và ủ dột.
Tất cả đều tĩnh lặng, từ chiếc cầu thang gỗ mài mòn đến cánh cửa sổ thỉnh thoảng góp tiếng khua trầm mặc, duy chỉ có không gian là “nhộn nhịp” bởi tiếng kêu, tiếng hét của người con trai. Ngày nào cũng vậy.
Tôi và Sa chưa bao giờ thấy rõ đứa con trai của người đàn bà tội nghiệp ấy nhưng đôi lúc, chúng tôi lờ mờ nhận ra hắn ta đang lầm bầm hay trừng trừng nhìn vào mẹ của mình qua ô cửa.
Hắn thì ngày nào cũng có chuyện để mà la lối. Mà la lối những chuyện không đầu, không đuôi. Chỉ “cút”, “xéo”, “biến”, “chết”,... là được nhắc đi, nhắc lại nhiều hơn cả thảy. Còn người mẹ, tôi chưa bao giờ thấy bà quát mắng lại, dù một lời nhỏ thôi cũng không có. Chẳng hiểu sao, nhưng có lẽ bà đã thấy quen và quen quá hay sao?
Tôi hay Sa không có lý do gì để có thể can thiệp vào chuyện của gia đình họ. Chúng tôi chỉ quan sát, định bụng rằng cậu ta mà có động tay, động chân thì sẽ báo ngay với chính quyền. Nhưng định bụng là thế, chứ hai tuần rồi, kể từ ngày làm quen với cuộc sống tại đây, tôi, cả Sa chưa bao giờ thấy cậu ta dùng vũ lực với người mẹ. Hắn chỉ chửi.
Khi ai đó chửi, họ thường có lý do nhưng thực tình, Sa chỉ căm ghét hắn. Còn tôi cũng bĩu môi và chưa bao giờ có ý tìm hiểu nguyên nhân mà hắn mạt sát mẹ của mình. Và cũng từng ấy ngày, chúng tôi không thấy hắn ra ngoài. Một con người xấu, nhất định là thế!
Một chiều nọ, khi những con thiêu thân bắt đầu quần tụ ở các ngọn đèn, tôi nhìn thấy người mẹ khốn khổ ấy trong con hẻm gần dãy trọ, tay cầm theo một chiếc bao to.
Bà đang lục lọi trong các thùng rác, đôi tay gầy, đen đúa đang bới móc mọi thứ, nơi mà người ta vứt đầy những vật bẩn thỉu, không còn dùng được.
Hóa ra bà nhặt ve chai. Sẵn tiện tay cầm lon coca, tôi uống liền một mạch, có sặc, nhưng thôi kệ, chạy vội đến chỗ bà.
- Còn cái vỏ lon nè cô.
- Cô cảm ơn con nghen!...
Tiếng người mẹ khàn đặc và yếu ớt. Tôi có phần hơi bối rối nhưng rồi sự lo lắng và tò mò trong lòng cũng đồng thời trào lên đầy thôi thúc. Chưa bao giờ tôi có dịp trực tiếp trò chuyện với bà. Có lẽ, đây là cơ hội tốt nhất để hiểu về mọi chuyện...
Tôi chia sẻ những cảm xúc của mình lúc đó với cô, thành thực và không mấy suôn sẻ. Nhưng cô hiểu và dường như cô không mấy lạ lẫm hay ngạc nhiên với kiểu câu hỏi của tôi về hoàn cảnh của cô…
Nước mắt cô ứa ra, đống lon cũng thôi không khua nữa. Trời tối sẫm, lạnh ngắt, chỉ còn cô, tôi và câu chuyện đau lòng… đan xen trong tiếng rù rì, vo ve của lũ muỗi…
Về đến phòng, tôi vẫn nhớ, và cả một tuần sau đó nữa, tôi không thể nào thôi suy nghĩ về gia đình ấy. Đến khi Sa mãi gặng hỏi, "ông ta theo người khác sao?".
Tôi cà nhác trả lời:
- Không! Chồng bà ấy buồn vì đứa con. Cậu con trai bị mắc chứng bệnh về thần kinh khi còn rất nhỏ. Ông ta buồn đời, lại giận bà mà đi khỏi nhà. Bà cứ ở vậy vì thương con cho đến giờ.
- Trời! Hóa ra cậu ta bị bệnh.
- ...
Bà mẹ ấy chưa bao giờ nặng lời với đứa con cũng vì lẽ đó. Cái lẽ nghiệt ngã mà tôi hay Sa không muốn tìm cho ra nhưng lại thích phán xét hồ đồ. Tôi cảm thấy xót xa. Nhưng cũng ân hận vô cùng khi đã từng nghĩ những điều không hay về anh ấy.
Nhưng liệu rằng: Anh là nguồn sống cuối cùng của người mẹ tốt này để bà sống tiếp hay anh là mối lo làm cho bà phải đau khổ suốt cả cuộc đời?
Có lẽ, trong trái tim đỏ và ấm kia, con của bà là niềm yêu thương vô giá...
Tôi không phải là phụ nữ, tôi càng không phải là một người mẹ nhưng tôi cũng có mẹ của mình. Bà có thể dành tất cả cuộc đời cho tôi.
Tình yêu ấy, trong đôi mắt sâu và đã bắt đầu đục của người mẹ kia, còn chan chứa, dồn dập hơn cả…/.
Nnguyễn Thị Bích Ái