Trong trí nhớ, mưa quê nhẹ nhàng nhưng dai dẳng, lâm thâm, rả rích, có khi kéo dài mấy ngày liền không dứt. Nhớ mưa quê, không dưng lại nhớ cả món bánh xèo ngoại đúc. Hình bóng ngoại với khuôn mặt đỏ hồng và những hạt mồ hôi chảy dài trên trán do ngồi lâu bên bếp củi đúc bánh vẫn còn đọng lại trong sâu thẳm ký ức…
Giống như bao đứa trẻ khác sinh ra trong gia đình thuần nông, nơi ký ức tôi, bánh xèo thật gần gũi và thân thương. Vào những ngày giỗ, chạp, cúng cơm lúa mới, ngoại tôi thường đúc bánh xèo…Và đặc biệt những buổi chiều mưa dầm dề, để thỏa mãn ước nguyện của lũ cháu, ngoại thường đội chiếc nón cời xách gạo đi xay.
Thơm nồng nàn món bánh xèo ruốc của ngoại
Tôi mặc chiếc áo tơi, lon ton theo phụ ngoại. Hồi đó cả xóm chỉ có một cái cối đá xay bột của nhà bác Bốn, hai bà cháu phải băng qua ngã ba, rẽ vào con đường đất đỏ nhầy nhụa mới có thể đến nhà bác.
Ngoại chặt một cái bẹ chuối, lót chỗ cái miệng cối rồi đều tay xay bột còn tôi thì cứ đứng canh múc gạo, múc nước cho ngoại.
Thường hai bà cháu phải xay hai bận mới ra được thứ bột trắng tinh, mịn màng mang về.
Ngoại lại chặt thêm tàu lá chuối, cuống thì dùng chấm mỡ quẹt ngang quẹt dọc cái chảo bánh xèo, còn lá thì để trong mủng, đựng mấy cái bánh vàng ươm, nghi ngút nóng.
Trước khi đúc bánh, ngoại thêm lá nén đã cắt nhỏ vào bột, thoa lên chảo một lớp dầu phụng rồi đậy vung, chờ thật nóng mới đổ bột vào.
Mẻ đầu được dùng để thử và tráng chảo. Bắt đầu mẻ bánh thứ hai, sau khi đã khử dầu, tay cầm chiếc gáo múc một vá bột đổ lên, nghiêng chảo cho bột trải đều, rồi đậy nắp vung, chừng dăm ba phút khi mặt trên của bánh xốp và khô, viền bánh co lại, tróc ra thì bánh đã chín. Ngoại nhanh tay đưa bánh ra khỏi khuôn. Cứ thế ngoại đúc bánh cho đến khi nào thau bột vơi dần…
Rồi cuộc sống từng ngày khấm khá hơn, thi thoảng, ngoại đổi vị, thay vì đúc bánh xèo với lá nén thì ngoại thêm vài con tép hoặc vài chiếc nấm mối hái ngoài vườn.
Đặc biệt, trời mưa mà lại gặp mùa ruốc biển, thế nào ngoại cũng mua bằng được một nhúm ruốc tươi về đúc với bánh vì biết tôi khoái nhất món này.
Theo kinh nghiệm của ngoại ruốc đỏ là loại ngon nhất, còn ruốc màu nâu sậm là ruốc già, màu nâu hồng nhạt là ruốc non, ruốc già và non thường chất lượng không ngon bằng.
Ruốc đỏ làm bánh xèo mới ngon
Ruốc mang về nhặt sạch rác, rửa để ráo nước sau đó cho vào một tô lớn rồi nêm chút gia vị, muối, tiêu,...
Khi đúc bánh xèo, dầu vừa chín tới, ngoại nhanh tay cho ruốc vào xào qua rồi mới cho bột.
Xoay chảo một vòng cho bánh tròn đều, đậy nắp kín đợi bánh chín. Bánh thành phẩm có bìa bánh giòn rụm mà bên trong lại mềm. Những con ruốc đỏ hồng dính chặt vào mặt bánh trông rất bắt mắt, từng chiếc bánh tỏa mùi thơm nồng nàn…
Nguyên liệu cho món bánh xèo của ngoại
Bánh xèo ngoại đúc đã ngon, đĩa rau chuối non được ngoại tỉ mẩn thái thành từng lát mỏng trộn đều với rau thơm các loại, cùng chén nước mắm đậm đà thật cay lại càng không thể cưỡng nổi cơn thòm thèm.
Rồi tôi cũng đi qua cái thời thơ ấu. Không còn những ngày dầm mưa xay bột với ngoại. Không còn cái cảm giác đợi chờ hân hoan khi chiếc bánh sắp ra lò…
Ở nơi xứ người, mỗi lần chiều chuyển mưa lại gợi trong tôi bao niềm thương nỗi nhớ, để rồi bâng quơ thốt lên trong lòng: “Con lại thèm bánh xèo quá… ngoại ơi!”./.
Theo Người Lao Động