Tin nhắn rác tiếp tục là nỗi ám ảnh của người dùng dịch vụ di động. (Ảnh: Vietnam+)
Trước “vấn nạn” tin nhắn rác được các địa phương nêu ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn thẳng thắn cho biết ông cũng nhận được nhiều tin nhắn rác và các đơn vị chức năng của Bộ này đang triển khai nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng nói trên.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra chiều 12/7.
"Sáng nay, tôi cũng nhận được gần chục tin nhắn rác. Nhiều người dùng nhận được tin nhắn rác đã bức xúc gửi ‘tặng’ lại cho Bộ trưởng", ông Tuấn nói.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông thẳng thắn cho hay, ngoài tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, trong thời gian qua, có doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động có thu cước nhưng không thông báo đầy đủ cho người dùng biết.
Ông Tuấn cho biết, về vấn đề này, lãnh đạo bộ đã chỉ đạo thanh tra và vừa qua đã xử phạt 8 đại lý và sẽ tiếp tục làm mạnh, công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhà mạng, đại lý để hiện tượng tin nhắn rác, SIM rác tràn lan.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, muốn xử lý tin nhắn rác mấu chốt là phải quản lý được thông tin thuê bao cá nhân. Báo cáo của doanh nghiệp cho thấy, trong 6 tháng đầu năm đã chặn được 252 triệu tin nhắn rác, khóa hơn 2 triệu thuê bao phát tán tin rác.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, đầu số 456 của đơn vị này mỗi tháng tiếp nhận 60.000 phản ánh tin nhắn rác của người sử dụng.
Do người dùng chuyển tiếp tin nhắn, nên bản thân VNCERT không biết được số điện thoại hoặc đầu số phát tán. Sau khi nhận được, cơ quan này tiến hành phân tích nội dung từ khóa nếu lặp đi lặp lại với tần suất nào đó thì sẽ chuyển tiếp từ khóa cho nhà mạng để ngăn chặn. Trong trường hợp tin nhắn để lại số điện thoại thụ hưởng, VNCERT cũng gửi tới các nhà mạng để xử lý.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông còn chạy theo lợi nhuận kinh tế nên chưa thật quyết liệt trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong ngăn chặn SIM rác, tin nhắn rác. Ngoài ra, mức xử phạt còn chưa đủ sức răn đe.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường triển khai các chỉ thị về ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và quản lý thông tin trên mạng; bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM di động sai quy định.
Bên cạnh đó, đơn vị này phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra về phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.../.
Yên Thủy/Vietnam+