Tiếng Việt | English

02/05/2024 - 09:51

Công nhân ưu tiên dùng hàng Việt

Tăng ca nhiều, thu nhập tốt nên công nhân (CN) có nhiều lựa chọn trong việc mua sản phẩm sinh hoạt hàng ngày. Họ dần hướng đến hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả phải chăng thay vì hàng hóa trôi nổi, giá rẻ. Hiểu được điều đó, các cơ quan chức năng và đơn vị kinh doanh đã phối hợp để đưa hàng Việt đến tay người lao động.

Công nhân chuộng hàng việt giá tốt

CN cần sức khỏe tốt để làm việc, vì vậy vấn đề an toàn thực phẩm được họ đặt lên hàng đầu. Thực phẩm tại các chợ tự phát khá đa dạng và thuận tiện khi mua sắm nhưng mua hàng hóa tại đây cũng “hên xui” vì đa phần không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vấn đề kiểm dịch, nhãn mác cũng khá lỏng lẻo. Nhiều lần mua thực phẩm nhưng thấy chất lượng không bảo đảm, chị Nguyễn Thị Thu Kiều (CN Công ty (Cty) TNHH Sản xuất Thương mại ngành móng tay U.S, Khu công nghiệp Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) dần trở nên ái ngại với hàng không rõ nguồn gốc.

Chị Kiều chia sẻ: “Với mức thu nhập hiện tại, tôi có nhiều lựa chọn khi mua hàng. Có con nhỏ nên tôi ưu tiên chọn thực phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn. Lúc đi chợ, tôi sẽ tìm nơi nào bán hàng uy tín, lâu năm hoặc mua tại siêu thị chứ không “bạ đâu mua đó” như trước. Tôi ưu tiên chọn hàng Việt Nam vì chất lượng tốt trong khi giá lại rẻ. Nước mình sản xuất được thì mua ủng hộ, khi nào không làm được mới mua hàng nước khác”.

Các điểm bán hàng, quảng bá hàng Việt Nam là cơ hội để công nhân tiếp cận hàng nội địa

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (CN Cty TNHH Dachan VN, Cụm công nghiệp Long Cang - Long Định, huyện Cần Đước) thường đến các phiên chợ CN để mua hàng vì giá rẻ hơn các tiệm tạp hóa và bảo đảm chất lượng, có xuất xứ rõ ràng. Khi mua mỹ phẩm, chị cũng ít chọn hàng có xuất xứ nước ngoài mà chọn mua sản phẩm tự nhiên có nguồn gốc trong nước như dầu gội làm từ bồ kết, khổ qua; tinh dầu dừa, bưởi; kem đánh răng thảo dược;...

Chị có sự thay đổi suy nghĩ trong cách mua hàng: “Tìm được hàng tốt, giá rẻ là mong muốn của tôi nhưng tôi cũng sẵn sàng bỏ thêm tiền để có sản phẩm chất lượng chứ không mua hàng trôi nổi. Hàng hóa do Việt Nam sản xuất đáp ứng được các tiêu chí đó nên tôi sẽ ủng hộ thường xuyên”.

Nghe đến sản phẩm OCOP, nhiều CN nghĩ đó là hàng nước ngoài (vì tên khá “tây”) nên ngần ngại túi tiền. Tuy nhiên, khi hiểu OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn dựa trên sản phẩm thế mạnh của địa phương thì họ rất hào hứng và không còn e dè như trước.

Anh Nguyễn Văn Lực (CN Cty Cổ phần Cáp điện Thịnh Phát, Khu công nghiệp Thịnh Phát, huyện Bến Lức) không nghĩ rằng có một ngày cây chanh quê mình được nâng lên hàng “sao”. Anh Lực nói: “Tôi cảm thấy rất vui khi sản phẩm quê mình được nâng tầm. Từ lâu gia đình tôi chỉ dùng hàng Việt để góp phần giúp đất nước phát triển”.

Đưa hàng việt đến tay công nhân

Nắm được nhu cầu tiêu dùng hàng Việt của CN, các doanh nghiệp mở nhiều điểm bán hàng gần các khu, cụm công nghiệp kèm theo đó là các chương trình khuyến mãi được đưa ra để thu hút khách hàng.

Làm quản lý cửa hàng Winmart+ gần Khu công nghiệp Nhựt Chánh, chị Nguyễn Như Huỳnh tìm cách nắm bắt thị hiếu CN để có những thay đổi phù hợp. Theo chị Huỳnh, CN muốn nhanh chóng, thuận tiện nên mỗi ngày, vào giờ tan ca, chị và nhân viên đem hàng hóa ra trước cửa để bán.

Chị Huỳnh chia sẻ: “Cửa hàng có 75% là hàng Việt. Mỗi tháng, cửa hàng có 2 đợt giảm giá kéo dài từ 10-15 ngày, 100 mã sản phẩm giảm giá thường xuyên. Nếu khách hàng có thẻ hội viên, chúng tôi giảm giá 20% đối với các mặt hàng như thịt, rau, củ, quả vì những mặt hàng này đều sản xuất trong mô hình khép kín an toàn. Do đó, chúng tôi tự tin đem đến cho khách hàng sản phẩm tốt nhất với giá rẻ nhất”.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Thành, CN rất thích và ưu tiên mua hàng Việt Nam chất lượng cao. Để đưa hàng Việt đến tay CN, LĐLĐ huyện tổ chức các hội chợ CN, chương trình bán hàng giảm giá những sản phẩm của doanh nghiệp trong nước.

Tại đây, LĐLĐ huyện sẽ kích cầu mua sắm bằng cách phát cho CN các phiếu mua hàng trị giá từ 50.000-100.000 đồng. Phiếu này sẽ có giá trị tại phiên chợ đó, nếu CN mua vượt mức thì sẽ tự chi trả. Các mặt hàng tại đây được giảm giá từ 5-20%. Ngoài ra, khi có thông tin khuyến mãi từ doanh nghiệp, LĐLĐ huyện sẽ báo cho Công đoàn các cơ sở để đoàn viên đăng ký mua hàng. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ giao hàng đến tận tay đoàn viên.

Tuy CN rất thích hàng trong nước nhưng đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống thì việc đưa hàng sạch đến CN gặp không ít khó khăn. Các điểm bán hàng sạch chưa được phổ biến trong khi CN ít thời gian đi mua sắm. Do đó, họ có xu hướng chọn lựa nơi bán gần và thuận tiện nhất, trong khi vấn đề an toàn thực phẩm tại các nơi này chưa được bảo đảm.

Mong rằng, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ có thêm nhiều giải pháp để CN nói riêng và người dân nói chung tiếp cận với hàng nội địa./.

Lê An

Chia sẻ bài viết