Tiếng Việt | English

21/04/2022 - 10:45

'Cú hích' mạnh để lan tỏa văn hóa đọc

“Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) tổ chức lần đầu tiên không chỉ tạo đầu ra cho ngành xuất bản bán được nhiều sách mà còn là 'cú hích' mạnh mẽ, góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến công chúng”, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - Lê Hoàng khẳng định.

Chuyển đổi số trong ngành sách

Những cuộc “canh sale” đã rôm rả ngay khi Hội sách trực tuyến quốc gia (tại địa chỉ 365book.vn) bắt đầu vào ngày 19/4. Trên trang Facebook của Hội sách trực tuyến, nhiều bạn đọc chia sẻ đã lỡ không kịp mua những cuốn sách mình muốn với giá siêu tốt. Cây cam ngọt của tôi (Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam) là cuốn sách nhiều người xuýt xoa nhất khi lỡ cơ hội mua sale. “Không kịp Cây cam ngọt của tôi và Sự im lặng của bầy cừu huhu”, tài khoản Trần Duyên chia sẻ. Mặc dù vậy, tài khoản này vẫn tiếp tục gọi thêm bạn mình vào trang của Hội sách trực tuyến để mua sách.

Độc giả mua sách tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ sáng 20/4

QUỲNH TRÂN

Năm nay, Cục Xuất bản in và phát hành cho biết, hội sách có sự tham dự của gần 100 đơn vị xuất bản và phát hành trong cả nước, mang đến 40.000 cuốn sách với giá ưu đãi. Ban tổ chức kỳ vọng sẽ cung cấp 30.000 cuốn sách đến tay bạn đọc, trong đó có 60% bạn đọc ở các tỉnh, thành xa xôi. Những bạn đọc này cũng sẽ được hưởng ưu đãi miễn phí vận chuyển của bưu điện.

Hội sách trực tuyến này cũng là một cách khẳng định vị trí của chuyển đổi số trong xuất bản và thúc đẩy văn hóa đọc. Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản in và phát hành, việc chuyển đổi này là tất yếu. Ông cũng chia chuyển đổi số trong xuất bản thành 4 giai đoạn chính: số hóa dữ liệu; triển khai các ứng dụng, và hoạt động có tính lặp đi lặp lại như kế toán, hành chính; ứng dụng các nền tảng vào quy trình trong xuất bản từ quản lý đến biên tập, phát hành, truyền thông; ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động.

Ông Đinh Quang Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Waka, cho biết đơn vị của ông sẽ tiếp tục phát triển mảng sách điện tử. Theo đó, các sản phẩm sách điện tử sẽ đa dạng hơn, bên cạnh sách audio sẽ còn cả sách video với nhiều tương tác với độc giả. Đường dài, đơn vị của ông cũng sẽ không khai thác sách điện tử theo hướng độc quyền. Việc các đơn vị “ôm độc quyền” sách sẽ khiến công chúng khó tiếp cận sách hơn. Họ có thể phải tải nhiều ứng dụng khác nhau để có thể đọc được nhiều sách của các đơn vị khác nhau.

Sôi nổi các hoạt động sách

Sau lễ khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 hoành tráng vào tối 19/4 ở Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM), sáng 20/4 các hoạt động tại đây càng diễn ra sôi nổi. First News - Trí Việt và Công ty TNHH đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa (CIDI) ra mắt mô hình tích hợp văn hóa đọc tại Booth thư viện thông minh.

Bạn đọc được tiếp cận với các đầu sách thuộc nhiều chủ đề, từ sách in cho đến sách điện tử, sách nói. Với trên 200 tựa sách thuộc tủ sách Hạt giống tâm hồn trưng bày ở Booth thư viện thông minh, độc giả có thêm nhiều lựa chọn, đặc biệt là lần đầu tiên được trải nghiệm không gian đọc sách mới mẻ, có thể dùng điện thoại di động “mở cửa”, lựa chọn việc mượn hoặc trả sách chỉ với vài thao tác đơn giản bằng app.

Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - Lê Hoàng

Ngoài ra, có tới 4 xe thư viện lưu động trưng bày và phục vụ việc đọc sách cho các em thiếu nhi. Các em được đọc sách nhiều chủ đề, sử dụng máy tính tra cứu, đọc sách điện tử hoặc internet, xem phim khoa học và các hoạt động khác liên quan đến sách. Theo CEO First News - Trí Việt, Nguyễn Văn Phước: “5 đêm tiếp theo đây, những người tham dự sẽ còn được hòa mình vào chuỗi nhiều hoạt động ý nghĩa, nhận được những phần quà hấp dẫn từ First News - Trí Việt, cùng giao lưu với các diễn giả nổi tiếng, trải nghiệm nghe sách nói miễn phí cùng Voiz FM với nhiều tựa hấp dẫn: Muôn kiếp nhân sinh 1 và 2, Hành trình về phương Đông, Đắc nhân tâm, Hiểu về trái tim, Yêu - Osho,…”.

Nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam là Hội sách xuyên Việt diễn ra liên tục tại Huế, Đà Nẵng và Phú Yên. NXB Trẻ đã chuẩn bị sẵn sàng số lượng sách mới nhất và những tác phẩm sách được yêu thích như: Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng (Nguyễn Nhật Ánh), Hong tay khói lạnh (Nguyễn Ngọc Tư), các bộ truyện tranh (manga) nổi tiếng như Black Jack, Kingdom, Anh em phi hành gia, Ký sinh thú,.. phục vụ bạn đọc. “Rất mừng là độc giả tại Huế, Đà Nẵng ủng hộ nhiệt thành với sức mua cao ngoài dự kiến”, đại diện NXB Trẻ cho biết.

Ông Nguyễn Anh Dũng - nhà sáng lập Công ty CP Sbooks cho biết: “Chúng tôi đẩy mạnh hoạt động và sự kiện diễn ra ở nhiều địa điểm, đầu tiên là Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và đồng hành cùng dự án Thư viện về buôn, góp phần đẩy mạnh văn hóa đọc với độc giả Tây nguyên, tiếp đó là ở Đường sách TP.HCM và phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) trưng bày gần 700 tựa sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học; Tủ sách dành cho con trong gia đình; Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp, Tủ sách Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những tựa sách do doanh nhân Việt viết.

Giao lưu Kỹ thuật phục chế sách xưa với nghệ nhân - bác sĩ sách Bùi Tiến Phúc cũng là một điểm nhấn tại Đường sách TP.HCM của Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam diễn ra sáng 24/4. Ngoài việc trưng bày các ấn phẩm đóng bìa và dụng cụ phục chế sách, các câu chuyện “người thật việc thật”, còn giúp những người yêu sách hiểu biết thêm về kỹ thuật độc đáo này.

Theo ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng văn phòng đại diện Hội Xuất bản Việt Nam phía nam: “Văn hóa đọc của Việt Nam quá thấp, do đa số người Việt không có thói quen đọc sách. Con số khảo sát tính trung bình mỗi người Việt đọc 4,3 quyển sách/năm rất đáng suy ngẫm. Vì vậy, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam tổ chức lần đầu tiên này sẽ không chỉ tạo đầu ra cho ngành xuất bản bán được nhiều sách mà còn là “cú hích” mạnh mẽ, góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến công chúng.

Chúng tôi mong Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ đưa nội dung văn hóa đọc vào luật Xuất bản sửa đổi, nếu được Quốc hội có hẳn một luật về khuyến đọc, phát triển văn hóa đọc như Nhật Bản từng làm, đồng thời đưa nội dung Cha mẹ cùng con đọc sách và hình thành tủ sách gia đình vào tiêu chí công nhận gia đình văn hóa mới của Bộ VH - TT - DL, để Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam hằng năm luôn được mong đợi”./.

Thu hút bạn đọc đến thư viện

Hội sách xuyên Việt hưởng ứng Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng 2022 thu hút nhiều bạn trẻ đến mua sách

HOÀNG SƠN

Chiều 20/4, phát biểu khai mạc Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng 2022 (diễn ra từ ngày 20 - 24/4), bà Nguyễn Thị Hội An, Phó giám đốc Sở VH - TT TP.Đà Nẵng, cho biết đây là lần thứ 4 trong năm 2022, Sở chỉ đạo Thư viện Khoa học tổng hợp TP tổ chức ngày hội văn hóa đọc với mong muốn lan tỏa tình yêu đọc sách, thu hút bạn đọc đến với thư viện để hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc trên địa bàn.

Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng 2022 với sự đồng hành của Hội sách xuyên Việt quy tụ nhiều đơn vị xuất bản, phát hành hàng đầu Việt Nam, như: Công ty CP sách Thái Hà; Công ty CP sách Sài Gòn; Công ty sách Nhã Nam; Công ty sách Đinh Tị; Công ty sách Minh Long; Cửa hàng sách Nhà xuất bản Trẻ; Chi hội Nhà văn tại Đà Nẵng,… Sự kiện là dịp giới thiệu các tác phẩm mới nhất, các tựa sách hay và giá trị đến với công chúng, qua đó tạo môi trường trao đổi, hợp tác, phát triển trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách.

Trong 5 ngày diễn ra, sự kiện có nhiều hoạt động tọa đàm - giao lưu cùng chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xuất bản, các diễn giả nổi tiếng, như: tọa đàm Hãy bắt đầu viết cuốn sách của bạn diễn giả Dương Thanh Truyền; chương trình giao lưu Công tác xã hội trong phát triển cộng đồng - Mang tri thức tới với người dân diễn giả TS Nguyễn Thị Hằng Phương; tọa đàm trực tuyến Đêm ý tưởng - Viện Pháp ngữ Đà Nẵng,…

Ngày hội còn có hoạt động trưng bày, triển lãm, kinh doanh xuất bản phẩm. Trong đó, các đơn vị sẽ giới thiệu đến công chúng khoảng 10.000 tựa sách.

Theo Thanh Niên

Chia sẻ bài viết