Tiếng Việt | English

29/07/2021 - 11:15

Đăng ký chỉ dẫn địa lý cho khoai mỡ Bến Kè

UBND tỉnh Long An vừa có quyết định giao quyền đăng ký, quản lý chỉ dẫn địa lý “Bến Kè” và cho phép sử dụng địa danh “Bến Kè” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho củ khoai mỡ của huyện Thạnh Hóa.

Theo đó, sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, UBND huyện Thạnh Hóa được sử dụng dấu hiệu địa danh “Bến Kè” và bản đồ khu vực địa lý tương ứng với địa danh để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho logo của chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, UBND huyện Thạnh Hóa có trách nhiệm phối hợp quản lý, kiểm soát, bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ gắn với chỉ dẫn địa lý “Bến Kè” cho củ khoai mỡ.

Khoai mỡ được sơ chế, tiêu thụ ra thị trường (Ảnh tư liệu)

UBND tỉnh cũng giao Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất, trình UBND tỉnh phương án đăng ký chỉ dẫn địa lý, các quyền sở hữu trí tuệ khác gắn liền với chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài (nếu có); phối hợp và hỗ trợ UBND huyện Thạnh Hóa trong hoạt động quản lý, kiểm soát và bảo vệ chỉ dẫn địa lý. Sở Công Thương chủ trì các kế hoạch xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế đối với củ khoai mỡ mang chỉ dẫn địa lý.

Huyện Thạnh Hóa có vùng chuyên canh trồng khoai mỡ với diện tích  3.000ha, tập trung chủ yếu ở xã Thạnh An, Thủy Tây, Thủy Đông. Trước đây, mỗi năm, nông dân chỉ trồng 1 vụ khoai mỡ, còn nay có thể trồng 2 vụ/năm nhờ hệ thống đê bao do Nhà nước đầu tư. Bên cạnh đó, nông dân được ngành Nông nghiệp hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật, trồng theo hướng VietGAP nên năng suất, chất lượng khoai tăng. Hiện nay, khoai mỡ được sản xuất, thu mua theo hướng liên kết đầu ra, được tiêu thụ trong nước thông qua các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Ngoài ra, khoai mỡ còn được doanh nghiệp thu mua, sơ chế và xuất khẩu.

Một khi khoai mỡ được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ giúp khoai mỡ có chỗ đứng ổn định trên thị trường, nông dân có thu nhập cao, ổn định đầu ra và giữ vững nghề trồng khoai./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết