Qua các hoạt động tuyên truyền pháp luật tại địa phương, công an thường xuyên thông tin về thủ đoạn, phương thức của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo cho người dân nắm biết, cảnh giác
Đã đấu tranh, triệt phá 5 chuyên án
Tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, quy mô lớn, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn mới như sử dụng phần mềm giả số điện thoại, gọi điện trên nền tảng Internet, sử dụng “sim rác”, không chính chủ gọi điện, lừa đảo kinh doanh hàng đa cấp; lừa đảo mua, bán, chuyển nhượng đất đai, nhà ở,...; nhắn tin trúng thưởng đến các số điện thoại.
Có những đối tượng còn giả danh cơ quan thi hành pháp luật (công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân), nhân viên bưu điện, ngân hàng, bảo hiểm xã hội,... thông báo bị hại có nợ xấu ngân hàng hoặc liên quan đường dây vi phạm, bị cơ quan chức năng khởi tố, truy tố, giam giữ. Sau đó, chúng hướng dẫn, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt; chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội của cá nhân (Zalo, Faceboook,...) để gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè, người thân nhằm lấy cắp thông tin, vay, mượn tiền,... chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, chúng còn lừa đảo bằng cách mạo danh thông báo, hướng dẫn làm căn cước công dân định danh điện tử mức 2 để đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân, thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền,...
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) từng xác lập chuyên án Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để đấu tranh và khám phá thành công. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội và bị bắt giữ là Hồ Bửu Hoàng Dũng (27 tuổi, ngụ ấp Kỳ Son, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Theo điều tra, Hồ Bửu Hoàng Dũng đã tạo lập Fanpage trên mạng xã hội có tên “Chánh pháp thanh tịnh - Tuệ Tự Tâm” kèm theo số điện thoại để đăng bán tượng gỗ các loại. Giá 1 tượng gỗ mà Dũng rao bán từ 1,5-3 triệu đồng. Khi có người gọi điện thoại hỏi mua tượng gỗ, Dũng hướng dẫn đặt hàng qua tin nhắn Messenger hoặc Zalo. Đồng thời, Dũng đề nghị người mua hàng chuyển khoản trước thì được miễn phí ship và có tặng phẩm kèm theo. Thế nhưng, sau khi người mua chuyển tiền thì Dũng không giao hàng như thỏa thuận mà cắt đứt mọi liên lạc hoặc chặn cuộc gọi, tin nhắn, tài khoản Facebook của người mua hàng. Với thủ đoạn này, Hồ Bửu Hoàng Dũng khai nhận đã lừa đảo hơn 3.000 người trên phạm vi cả nước với tổng số tiền hơn 6 tỉ đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố Hồ Bửu Hoàng Dũng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo Đại tá Lâm Minh Hồng - Giám đốc Công an tỉnh, trước tình hình trên, Công an tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện, trọng tâm là Kế hoạch số 176/KH-UBND, ngày 04/8/2020 về thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trước các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo trên không gian mạng; chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường đấu tranh, xử lý với tội phạm này.
Dù còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, xử lý, tuy nhiên, Công an tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt; đến thời điểm hiện tại đã đấu tranh, triệt phá 5 chuyên án, bắt giữ, xử lý 23 đối tượng, đang tiếp tục đấu tranh 1 chuyên án.
Thường xuyên tuyên truyền kết hợp đẩy mạnh thực hiện Đề án 06
Công an các địa phương thường xuyên tuyên truyền phòng, chống tội phạm sử dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo Đại tá Lâm Minh Hồng, thời gian tới, Công an tỉnh Long An tiếp tục tăng cường triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; đồng thời, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung và tuyên truyền cho nhân dân biết.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó, chú trọng tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả của tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để các cơ quan, tổ chức và nhân dân biết, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, kịp thời tố giác tội phạm.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án 06/CP về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030”, nhất là ứng dụng dữ liệu dân cư để xác thực thông tin thuê bao di động, loại bỏ “sim rác”, xác thực tài khoản ngân hàng; sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) trong các giao dịch điện tử, góp phần phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản;.../.
Lê Đức