Tiếng Việt | English

04/08/2021 - 08:48

Đẩy lùi, xóa bỏ 'tín dụng đen'

Gần đây, hoạt động cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Long An giảm rất nhiều so với trước. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn dễ bùng lên, vì vậy, công an các đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng, đơn vị vi phạm.

Thời gian qua, các địa phương phát động nhiều đợt ra quân gỡ, xóa các thông báo cho vay nặng lãi

Thời gian qua, các địa phương phát động nhiều đợt ra quân gỡ, xóa các thông báo cho vay nặng lãi. Ảnh tư liệu

Đừng để trở thành nạn nhân của "tín dụng đen"

Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có những trường hợp vay nặng lãi, "tín dụng đen" mất khả năng trả nợ hoặc trả nợ không đúng hạn đã bị các đối tượng cho vay hăm dọa, hành hung, đổ chất bẩn, chất thải vào nhà. Ngoài ra, còn có trường hợp vay số tiền lớn có thế chấp tài sản (quyền sử dụng đất, nhà, xe,...) nhưng quá hạn mà người vay không có khả năng trả nợ thì đối tượng cho vay sẽ chiếm hữu tài sản bằng hợp đồng mua bán đã ký trước đó.

"Tín dụng đen" trở thành vấn nạn xã hội, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn. Trong các kỳ họp HĐND tỉnh, nhiều đại biểu rất quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn về "tín dụng đen", cho vay nặng lãi. Để xử lý tình trạng này, các cấp, các ngành, nhất là công an vào cuộc đấu tranh, triệt xóa. Nhờ vậy, khoảng 2 năm trở lại đây, hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, giảm rất nhiều.

Năm 2020, lực lượng công an các cấp tiếp nhận, xử lý 36 vụ việc, 59 đối tượng vi phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi. Từ đầu năm 2021 đến nay, công an các địa phương trong tỉnh tiếp tục phát hiện, xử lý 19 vụ, 44 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen".

Qua đánh giá của công an, thời gian gần đây, một số cá nhân, tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" thông qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook,... để cho vay trực tuyến với nhiều hình thức. Ngoài ra, có các cơ sở, đối tượng “núp bóng” kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tài chính lén lút rải tờ rơi, quảng cáo cho vay tại các khu vực tập trung đông dân cư sinh sống. "Đất sống" của "tín dụng đen" vẫn còn và có thể bùng phát nếu lơ là, chủ quan. Bởi trong thực tế, một số thanh, thiếu niên không có nghề nghiệp ổn định, thích ăn chơi, cờ bạc, thích hưởng thụ, tham gia các hoạt động tệ nạn xã hội và tìm đến vay tiền “tín dụng đen" để phục vụ nhu cầu cá nhân.

Mặt khác, một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng được điều kiện theo quy định của ngân hàng đã tìm đến vay nặng lãi, "tín dụng đen". Tưởng rằng được người dưng ra tay "giúp đỡ" nhưng thực chất đó là “cái bẫy” để đưa "con mồi" vào tròng của các đối tượng cho vay nặng lãi.

Thông báo cho vay dán ở các trụ điện dọc đường

Thông báo cho vay dán ở các trụ điện dọc đường

Thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm

Dù hoạt động cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" đã giảm nhiều nhưng ở một khía cạnh khác thì trong phát hiện, xử lý vẫn còn những khó khăn. Chẳng hạn như giao dịch giữa người cho vay với người vay chỉ là hợp đồng miệng, tự thỏa thuận lãi suất, không thể hiện lãi suất trên hợp đồng vay nên rất khó phát hiện đối tượng cho vay nặng lãi. Nhiều vụ việc chỉ được phát hiện khi người vay bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe. Có những trường hợp không hợp tác với cơ quan công an khi được mời làm việc,...

Anh N.M.T., ngụ huyện Tân Trụ, từng vay "tín dụng đen" một số tiền. Trong thời gian ngắn, lãi cộng dồn cao gấp mấy lần số tiền vay nên phải chậm thời gian trả nợ. Vậy là trong một thời gian, anh liên tục bị đe dọa, khủng bố tinh thần như nhắn tin, gọi điện. "Dù rất lo lắng, sợ hãi nhưng lúc đầu tôi không dám báo công an. Chỉ đến khi người thân cũng bị hăm dọa và tôi liên tục nhận được tin nhắn đe dọa chặt tay, "lấy mạng" thì mới báo cho chính quyền" - anh N.M.T. kể.

Để đấu tranh phòng, chống cho vay nặng lãi, "tín dụng đen", Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo lực lượng công an các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp theo Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của loại tội phạm này. Trong đó, trọng tâm thực hiện một số giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và hệ lụy của việc vay lãi suất cao để người dân nắm, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen", cho vay nặng lãi.

Công an các đơn vị, địa phương rà soát, bổ sung hồ sơ quản lý các ổ, nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan “tín dụng đen" để có biện pháp đấu tranh, xử lý, kiên quyết không để bùng trở lại như những năm trước; đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động trá hình cho vay nặng lãi, "tín dụng đen". Ngoài kiểm tra, xử lý vi phạm, công an còn kết hợp nhiều giải pháp khác để kiềm chế “tín dụng đen”.

Gần đây, khi tiếp tục nhận được câu hỏi của đại biểu HĐND tỉnh về vấn đề này, Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, thông tin, lực lượng công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về chấp hành nghiêm các quy định giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn; khuyến cáo người dân không cầm cố tài sản với mục đích không rõ ràng; không tham gia cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen".

Lực lượng công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, đoàn thể phát động mạnh mẽ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng, duy trì các mô hình phòng, chống tội phạm có hiệu quả và tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời những tin báo tố giác về "tín dụng đen", cho vay nặng lãi./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Website https://creditcard.com.vn Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụng
Liên kết hữu ích