Tiếng Việt | English

07/04/2025 - 19:14

Đề xuất tăng mức phạt tiền với nhiều lĩnh vực, tối đa 75 triệu đồng

Bộ Tư pháp đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa trong xử lý vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực, cao nhất đến 75 triệu đồng.

Bộ Tư pháp mới đây công bố tài liệu thẩm định dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính, do cơ quan này chủ trì soạn thảo.

Một trong những nội dung mới được cơ quan soạn thảo đề cập, là điều chỉnh mức phạt tiền tối đa đối với nhiều lĩnh vực.

Tăng mức phạt tiền tối đa lên 75 triệu đồng

Theo Bộ Tư pháp, nhiều quy định liên quan đến mức tiền phạt tối đa, thẩm quyền phạt tiền... đã trở nên lạc hậu trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Sự gia tăng về thu nhập, giá trị hàng hóa và mức độ vi phạm khiến nhiều quy định về thẩm quyền và mức phạt hiện tại không còn đủ tính răn đe.

Chưa kể, vụ việc dồn quá nhiều lên cấp trên do giới hạn về thẩm quyền phạt tiền của các chức danh ở cơ sở, gây khó khăn cho công tác xử phạt.

Bộ Tư pháp đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa trong xử lý vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực

Do đó, dự thảo luật quy định tăng mức tiền phạt tối đa trong một số lĩnh vực như sau: an ninh trật tự, an toàn xã hội tăng từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cản trở hoạt động tố tụng, thi hành án dân sự, phá sản, giao dịch điện tử, bưu chính tăng từ 40 triệu đồng lên 50 triệu đồng.

Đồng thời, bổ sung mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến 30 triệu đồng.

Việc tăng mức phạt tối đa như trên, theo Bộ Tư pháp, sẽ giúp bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội; tăng tính răn đe đối với đối tượng vi phạm.

Thống nhất thời hiệu xử phạt hành chính là 2 năm

Một nội dung quan trọng khác, dự thảo luật đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chung thời hiệu xử phạt là 2 năm, thay vì phân loại 1 năm và 2 năm như hiện nay.

Đồng thời, cho phép thực hiện theo các luật khác nếu luật khác có quy định về thời hiệu xử phạt (nhưng giới hạn tối đa không quá 5 năm).

Bộ Tư pháp cho rằng, việc tăng thời hiệu xử phạt nhằm tăng cường hiệu quả, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý triệt để hành vi vi phạm. Nhất là trong bối cảnh vi phạm hành chính diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp; tránh tình trạng khi hồ sơ vụ vi phạm hành chính được chuyển người có thẩm quyền xử phạt thì đã hết thời hiệu xử phạt.

Cạnh đó, việc quy định cho phép các luật khác quy định thời hiệu xử phạt nhằm nâng cao tính chủ động trong việc quản lý nhà nước theo các ngành, lĩnh vực, tạo cơ chế chính sách chủ động, linh hoạt, phù hợp với các yêu cầu, đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước trên thực tế.

Giải bài toán "quá tải" phương tiện bị tạm giữ

Đáng chú ý, dự thảo luật còn sửa đổi, bổ sung một số quy định về các trường hợp thực hiện tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhằm bảo đảm phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong thực tiễn thi hành pháp luật.

Đồng thời, bổ sung quy định về việc bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu có căn cứ cho rằng tang vật, phương tiện không xử lý ngay sẽ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng.

Bộ Tư pháp kỳ vọng những quy định trên sẽ góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khắc phục những bất cập kéo dài xuất phát từ tình trạng "tồn đọng", "quá tải" trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thời gian qua.

Cùng với đó là giúp tránh thất thoát, lãng phí, tạo điều kiện để "khơi thông nguồn lực" cho công tác quản lý nhà nước và phát triển đất nước./.

Theo Báo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/de-xuat-tang-muc-phat-tien-voi-nhieu-linh-vuc-toi-da-75-trieu-dong-185250407162204361.htm

Chia sẻ bài viết