Việc sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 sẽ giúp đội ngũ kiểm sát viên thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong việc giải quyết các vụ việc dân sự (Ảnh tư liệu minh họa)
Bộ luật TTDS năm 2015 được xây dựng, ban hành trên cơ sở kế thừa các quy định của Bộ luật TTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã đáp ứng được yêu cầu chung của công tác thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, tạo hành lang pháp lý tốt cho quá trình tiến hành tố tụng; đồng thời, tạo điều kiện khá tốt cho người tham gia tố tụng thực hiện, bảo vệ các quyền của mình, phục vụ tốt yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và chất lượng xét xử các tranh chấp dân sự, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, góp phần bảo vệ công lý và cải cách tư pháp.
Tuy nhiên, qua năm 5 năm thi hành, trước tình hình KT - XH ngày càng phát triển, nhiều vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn cho thấy các quy định pháp luật tương ứng của Bộ luật TTDS năm 2015 cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Theo Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Long An - Võ Thành Đủ, hiện nay, việc thực hiện Bộ luật TTDS năm 2015 còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, trong đó, chủ yếu là 3 nhóm vấn đề như quy định của Bộ luật TTDS về chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát; bất cập của Bộ luật TTDS khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự và quy định bất cập trong văn bản pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự.
Theo đó, Điều 7 của Bộ luật TTDS quy định, cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, Tòa án, Viện Kiểm sát tài liệu, chứng cứ mà mình lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án, Viện Kiểm sát theo quy định của Bộ luật này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự, Tòa án, Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, thực tế việc thi hành quy định tại Điều 7 còn nhiều khó khăn do việc phối hợp giữa UBND, Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án, các sở, ban, ngành liên quan trong việc xác minh, thu thập, đánh giá chứng cứ, định giá quyền sử dụng đất,... còn thiếu chặt chẽ.
Mặc dù, Bộ luật TTDS quy định đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ chứng cứ cho Tòa án nhưng trên thực tế, việc người dân đi lấy thông tin trong kho lưu trữ của các cơ quan Nhà nước về các tài liệu có thể chứng minh cho việc khởi kiện của mình là rất khó, thậm chí có trường hợp không thể lấy tài liệu, chứng cứ ngay cả việc thẩm phán trực tiếp đi thu thập không phải lúc nào cũng thuận lợi. Hay khoản 1, Điều 232; khoản 1, Điều 296 và khoản 1, Điều 367 quy định kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm hoặc phúc thẩm mà vắng mặt thì hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện Kiểm sát kháng nghị phúc thẩm. Những quy định này cần sửa đổi theo hướng Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa để bảo đảm kiểm sát viên tham gia 100% phiên tòa, phiên họp theo quy định.
Đối với những quy định bất cập của Bộ luật TTDS năm 2015, khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hiện nay, Bộ luật TTDS quy định Tòa án chỉ được tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ khi đương sự có yêu cầu. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 101 Bộ luật TTDS, trong thành phần tham gia xem xét thẩm định tại chỗ không có đại diện Viện Kiểm sát dẫn đến những bất cập nhất định, chưa phù hợp với thực tiễn.
Còn tại khoản 3, Điều 194 Bộ luật TTDS quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải mở phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện và theo quy định của Thông tư liên tịch năm 2016 giữa Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quy định việc phối hợp giữa Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành quy định của Bộ luật TTDS có quy định về trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp nhưng lại không quy định về trách nhiệm của Tòa án trong việc sao, gửi tài liệu, chứng cứ để Viện Kiểm sát nghiên cứu trước khi tham gia phiên họp giải quyết, khiếu nại, kiến nghị. Chính điều này vô tình gây những khó khăn cho Viện kiểm sát trong quá trình kiểm sát các vụ việc dân sự.
Riêng đối với trường hợp quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, hội đồng xét xử tạm dừng, tạm hoãn phiên tòa nhiều lần để tiến hành thu thập thêm chứng cứ từ UBND trong việc cấp đất hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tổ chức hòa giải giữa các đương sự nhằm khắc phục những thiếu sót của cấp sơ thẩm hoặc tại phiên tòa đương sự thỏa thuận được với nhau.
Kết quả cuối cùng các đương sự thỏa thuận được với nhau, từ đó hội đồng xét xử tuyên sửa án chấp nhận một phần kháng nghị của Viện Kiểm sát. Hoặc trường hợp ở cấp phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm thu thập thêm chứng cứ, triệu tập thêm đương sự tham gia phiên tòa ở cấp phúc thẩm cho thấy, rõ ràng Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc xác minh, thu thập chứng cứ theo Điều 97 Bộ luật TTDS và có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng do không đưa đầy đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng theo khoản 4, Điều 68 Bộ luật TTDS và việc kháng nghị của Viện Kiểm sát hoàn toàn có cơ sở nhưng lại chỉ được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận một phần.
Ngoài ra, việc bảo vệ kiến nghị và xử lý trường hợp người khiếu nại rút khiếu nại, theo quy định tại khoản 4, Điều 194 Bộ luật TTDS quy định việc giải quyết theo 2 hướng xem xét chấp nhận hoặc không chấp nhận nhưng thực tế cũng có trường hợp người khiếu nại rút đơn khiếu nại nhưng việc xử lý như thế nào thì Bộ luật TTDS không đề cập hình thức giải quyết dẫn đến vướng mắc trong thi hành.
Theo Chánh Văn phòng VKSND tỉnh - Võ Thành Đủ, thời gian qua, những tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất và các giao dịch dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất tại tỉnh chiếm tỷ lệ đáng kể, tính chất phức tạp, kéo dài, liên quan đến nhiều quan hệ pháp luật, nhiều đương sự ở các địa bàn khác nhau. Đây là loại án khó giải quyết, thủ tục tố tụng kéo dài, xét xử ở nhiều cấp; nhiều vụ án phải tạm đình chỉ trong thời gian dài để thu thập chứng cứ.
Trong những vụ án có đại diện là UBND tham gia phiên tòa, đôi khi có người đại diện tham gia nhưng phần lớn đều có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt; đồng thời, đề nghị Tòa án xử theo quy định pháp luật. Việc cấp UBND vắng mặt tại phiên tòa thường không có văn bản kèm theo thể hiện quan điểm, chính kiến độc lập của UBND đối với vụ án Tòa án giải quyết có liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai tại địa phương.
Ngoài ra, liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015, phát sinh các trường hợp như các bên đương sự tranh chấp quyền sử dụng đất, vụ án đang được Tòa án thụ lý giải quyết nhưng một trong các bên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại đem thế chấp vay tiền ngân hàng và được ngân hàng chấp nhận trong khi các đương sự không có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn. Theo Luật Đất đai năm 2013 thì việc thế chấp là vi phạm Điều 188.
Như vậy, khi giải quyết hậu quả thì căn cứ văn bản nào để áp dụng Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 để bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vì ngân hàng thì ngay tình nhưng người thế chấp thì không ngay tình và văn phòng đăng ký thế chấp thì không thể biết được đất đăng ký thế chấp đang bị tranh chấp tại Tòa án. Hay trường hợp các bên xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác như việc giao dịch thật sự là vay tài sản nhưng lại ký hợp đồng ủy quyền về quyền sử dụng đất hoặc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm tin bảo đảm cho hợp đồng vay. Nhưng bên cho vay lại cố tình làm thủ tục để sang tên quyền sử dụng đất rồi sau đó đem đất chuyển nhượng người khác và người cuối cùng đem thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền ngân hàng mà bên vay tiền không hề hay biết.
Hậu quả phát sinh là khi ngân hàng yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất để thu hồi nợ thì chủ sử dụng đất mới biết mình “bị lừa”, từ đó dẫn đến các phát sinh tranh chấp tại Tòa án.
Từ thực tế thi hành Bộ luật TTDS năm 2015 tại tỉnh, Chánh Văn phòng VKSND tỉnh - Võ Thành Đủ cho rằng, Quốc hội cần xem xét, sửa đổi một số điều của Bộ luật này nhằm giúp các cơ quan tố tụng giải quyết tốt hơn các vụ việc dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động để Bộ luật TTDS thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong công tác cải cách tư pháp hiện nay./.
Kiên Định