1. Một ngày cuối tuần của tháng 4, trời nắng như đổ lửa, đoàn khám, chữa bệnh từ thiện do các y, bác sĩ tại TP.HCM đến với xã biên giới Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Mặc cho cái nắng nóng oi bức nơi vùng biên, mặc đường sá xa xôi, hình ảnh những chiếc áo blouse trắng vẫn ân cần thăm hỏi khiến nhiều bệnh nhân nơi đây vô cùng cảm động.
Đoàn cắt tóc cho người nghèo tại xã Tuyên Bình7 giờ sáng, hội trường Trạm Y tế xã Tuyên Bình chật cứng người với hơn 300 bệnh nhân đến khám. Đa số họ là những người già, hộ nghèo, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn và 33 hộ Việt kiều Campuchia tại xã Tuyên Bình. Vừa đến, chưa kịp lau mồ hôi, các y, bác sĩ bắt tay ngay vào công việc. Theo chia sẻ của các nhân viên Trạm Y tế Tuyên Bình, thành viên đoàn hầu hết là những y, bác sĩ tâm huyết, có kinh nghiệm và từng nhiều lần đi khám, chữa bệnh từ thiện cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới. Họ ân cần trò chuyện, thăm hỏi sức khỏe của từng bệnh nhân và động viên, trấn an tinh thần với những trường hợp cần chuyển lên tuyến trên điều trị.
Bà Võ Thị Đẹp, 73 tuổi, ngụ ấp Bình Châu xúc động: “Tôi từ Biển Hồ Campuchia hồi hương đến nay được mấy năm. Cái chữ còn không biết, cuộc sống khó khăn quá nên đâu có điều kiện để khám bệnh. Cũng nhờ các y, bác sĩ khám, cho ít thuốc giúp tôi đỡ đau nhức hơn. Chúng tôi mang ơn lắm!”.
Trưởng trạm Y tế xã Tuyên Bình - Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Trang cho biết, không chỉ khám, chữa bệnh từ thiện mà đoàn còn tặng quà, trao xe lăn cho những người khuyết tật với tổng chi phí 85 triệu đồng. Ngoài ra, đoàn còn tổ chức cắt tóc cho các hộ Việt kiều Campuchia và con của họ. Ở địa bàn biên giới, có nhiều hộ Việt kiều Campuchia sinh sống, đời sống còn lắm vất vả. Vì vậy, hàng năm, địa phương thường được các đoàn y, bác sĩ từ thiện từ trong và ngoài tỉnh kết hợp Đồn Biên phòng Tuyên Bình cùng chăm lo sức khỏe người dân.
Không chỉ khám, chữa bệnh, đoàn y, bác sĩ TP.HCM còn tặng quà, xe lăn cho người nghèo, người khuyết tật xã Tuyên Bình vào đầu tháng 4/2017
2. Là đoàn viên trẻ, công tác tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Long An được gần 3 năm, bác sĩ Lê Ngô Hà My, Khoa Nội phổi-thận luôn đồng hành cùng những chuyến khám, chữa bệnh từ thiện cho bệnh nhân nghèo. Hà My bộc bạch, tiếp bước truyền thống gia đình có anh, chị làm nghề y, My thi vào Trường Đại học Y Dược TP.HCM và về công tác tại BVĐK Long An từ năm 2014. Lúc còn là sinh viên, My cũng từng theo đoàn KCB do các hội thiện nguyện TP.HCM tổ chức đến những vùng đất xa xôi của miền Trung. Lúc ấy, Hà My chỉ phụ những việc đơn giản, ở những khâu đầu tiên như trò chuyện, hướng dẫn, đo huyết áp,... cho bệnh nhân. Nhưng cũng từ đó, Hà My cảm thấy yêu thích và gắn bó với những việc làm thiện nguyện. Về công tác tại Long An, Hà My thường sắp xếp thời gian cùng đoàn của bệnh viện đi đến những vùng xa xôi của tỉnh. Bản thân My hiểu, các bệnh nhân nghèo rất cần sự sẻ chia, động viên của đội ngũ y, bác sĩ.
Từng có dịp chứng kiến bác sĩ Hà My khám, chữa bệnh, chúng tôi nhận thấy sự vui vẻ, ân cần của bác sĩ dành cho bệnh nhân nghèo. Hàng ngày, dù phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, công việc khá áp lực và căng thẳng nhưng bác sĩ thì không được “khó tính” với bệnh nhân. Bởi với bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nghèo, vấn đề tâm lý rất quan trọng. Hà My nói: “Đi khám, chữa bệnh từ thiện, phần đông bệnh nhân là người già nên mình phải có cách ứng xử phù hợp. Hơn nữa, những bệnh nhân này ít có dịp đến khám, chữa bệnh, vì vậy, mình phải ân cần giải thích cho họ hiểu. Gặp trường hợp với người bệnh nặng, cần điều trị theo đúng chuyên khoa, mình phải chỉ dẫn tận tình để họ có thể chăm sóc tốt hơn sức khỏe bản thân”.
Bác sĩ Hà My trong một lần khám, chữa bệnh từ thiệnLà bạn học chung một ngành lại cùng khóa tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM và cùng về làm việc chung Khoa Nội phổi-thận tại BVĐK Long An với Hà My còn có bác sĩ Trần Âu Quế Nhung. Không chỉ là bạn đồng môn, Nhung cũng là bác sĩ trẻ, năng động và nhiệt huyết với công tác khám, chữa bệnh từ thiện. Phó Bí thư Đoàn cơ sở BVĐK Long An - Bùi Quốc Chương thông tin, năm 2016, Đoàn cơ sở bệnh viện tổ chức khám, chữa bệnh từ thiện được 8 lần, chủ yếu về những xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Năm 2017, đoàn cơ sở bệnh viện tiếp tục hoạt động này nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đằng sau của những câu chuyện về khám, chữa bệnh từ thiện đâu chỉ là công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn mà còn làm đẹp thêm hình ảnh blouse trắng trong lòng người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, góp phần tỏa sáng y đức người thầy thuốc./.
Thanh Nga