Kỹ sư trẻ Võ Ngân Phục kiểm tra rau thủy canh (công nghệ cao) tại Hợp tác xã Phước Vân
1. Chỉ là một cuộc dạo chơi khi những cây mai dọc đường đã trút hết lá, chờ bung cánh hoa vàng chào đón chúa xuân. Chạy xe trên những bờ đất đã thành lộ nhựa, lộ bêtông dẫn qua những cánh đồng lúa vàng liền với rau xanh. Từng luống khổ qua xếp hàng trên ruộng lúc lắc trái xanh gây mùi nhớ nồi khổ qua hầm thơm ngậy tết phương Nam.
Những đám bông vạn thọ vươn búp chờ góp mặt Hội hoa xuân. Long Khê, Phước Vân,... với các hợp tác xã rau an toàn qua từng ruộng rau trong nhà lưới làm tôn vẻ đẹp mỗi ngôi nhà làng quê. Gió thơm đến nao lòng mùi húng cây, húng lủi, ngò gai, ngò rí, tía tô,... Xe máy thồ rau, củ, quả chạy trên các ruộng đồng chở cả nụ cười xã viên vào vựa rau, chợ rau, củ, quả,...
2. Tôi hẹn ông bạn già Cổ Kim Chuộng ở bên kia cầu Kinh Nước Mặn. Gặp nhau chưa kịp tay bắt mặt mừng, ông đã nói “mình chạy một vòng trên đê bao nghen?”. Tôi bảo: “Hay đấy!” và cùng chạy Honda theo ông. Ông rằng, dân cù lao này trước làm nghề biển khá đông mà chỉ đánh bắt ven bờ, không vươn khơi. Nay giảm đi nhiều vì hải sản ven bờ đã cạn kiệt. Ông chỉ tay vào một xóm thợ bày mấy bộ khung ghe sắt, nói trước kia đóng ghe gỗ “mũi nhỏ đỏ lườn”, nay đóng ghe vỏ thép cho khách thương hồ, số nữa là ghe cá. Đây ra biển qua cửa Soài Rạp gần lắm.
Thành viên Hợp tác xã Phước Hòa (Long Khê) tuyển lựa các loại rau thơm vừa thu hoạch (đạt chất lượng VietGAP) để đưa ra thị trường
Bất chợt ông dừng xe, lấy máy chụp ảnh chiếc cầu bêtông nhỏ gác qua con rạch hẹp. Tôi hỏi chụp chi, ông nói chụp để kèm hồ sơ báo cáo kết quả Hội Chữ thập đỏ vận động dân đóng góp làm cầu giao thông nông thôn. Đến nay đã làm 20 cây cầu bêtông các loại ở 2 xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây. Phải cho các nhà tài trợ thấy đồng tiền tình nghĩa họ ủng hộ là có sản phẩm rõ ràng. Ông làm ở Hội Chữ thập đỏ, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ngày nào cũng đi lo việc thiên hạ.
Đi vào con lộ giao thông rộng 3m, dài 1.000m, có tốp thợ đang thi công rải đá dăm. Họ chào ông. Ông bắt tay, vỗ vai họ thay lời động viên... Ông nói, đây là công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đường dài tới đâu, dân hiến đất làm tới đó. Cạnh con lộ, tốp thợ điện đang kéo dây hạ thế qua các trụ bêtông đã dựng sẵn, để dân có điện ăn tết vui hơn. “Đi coi hoa anh đào nghen?” - bất chợt ông kéo tôi đi theo.
Chao ơi, 2 cây anh đào cao lớn, nở hoa rực một màu hồng phớt. Bỗng có ông cụ chống gậy bước ra chào mời chúng tôi vào nhà uống nước. Cụ cho biết đây là ấp Đèn, xưa gọi ấp Đất muối vì mặn; mùa khô mặt đất váng một lớp muối trắng. Dân rất nghèo khổ do đất không trồng gì được. Sau ngày giải phóng, có chủ trương đắp đê bao giáp vòng cù lao để ngăn mặn, dân mới làm ruộng được.
“Nhà nước làm đường, tui hiến gần một công đất để đào đắp nền hạ; rồi giao lại tui làm ao nuôi tôm sú” - cụ nói, rồi khoe trồng thử chơi 2 cây hoa anh đào, ai dè nó sống, phát triển mạnh, mỗi năm cứ chớm xuân là nó nở bông quá xá.
Chúng tôi rời đi, qua khỏi đồn Rạch Cát, dừa nước cao vút dựng trường thành trên bờ sông Vàm Cỏ. Cặp theo đó là ao tôm nối nhau ngoài đê bao ra giáp bờ dừa nước. Chợt “thổ địa cù lao” Cổ Kim Chuộng nói: “Tới Long Hựu là phải thưởng thức đặc sản cù lao”. Thế là chúng tôi được một bữa trưa muộn với món lẩu cá ngát quá ngon. Xong, ông đưa lối tới chỗ chế biến khô thủy hải sản Lê Văn Nên.
Thôi thì tôm, cá sặt lò tho, cá dứa, cá tra,... làm khô phơi từng vỉ dài từ ngoài đường vào khắp sân nhà. Con khô được cắt hết râu ria trông đẹp mắt trước khi cho vô bao bì xếp vào thùng đưa ra chợ tết. Anh Nên cho biết, từ nhỏ anh đã quen nghề đi biển, sau này làm khô thấy "ngon ăn" hơn nên bỏ nghề cá dù vẫn nhớ biển khơi... Đến đây là đã đi giáp vòng đê bao cù lao Long Hựu.
Một trong những khu trồng hoa vạn thọ mùa tết ở Long Khê
Ông Cổ Kim Chuộng tiễn tôi lên tới cầu Kinh Nước Mặn nối cù lao với đất liền Cần Đước. Tôi đứng trên cầu nhìn ông bạn già 63 tuổi khoác chiếc áo bạc màu gió bụi “say” với công tác từ thiện chữ thập đỏ mà lòng dậy lên niềm thương cảm dạt dào... ./.
Tùy bút của Quang Hảo