Tiếng Việt | English

22/01/2023 - 14:50

Dịch bệnh qua đi, tình người ở lại

Những khó khăn của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam dần đi qua nhưng nỗi đau của những gia đình có người thân mất vì dịch bệnh vẫn âm ỉ, nhất là trẻ em mất cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ vì Covid-19. Trước những nỗi đau quá lớn đó, nhiều chính sách nhân văn, tinh thần nhân ái của cộng đồng xã hội đã và đang tiếp sức cho những mảnh đời bất hạnh, giúp các em vững bước trên chặng đường phía trước.

“Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi về xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tìm hiểu cuộc sống của 3 đứa trẻ mồ côi mẹ do Covid-19. Mở cổng đón chúng tôi là người phụ nữ hơn 40 tuổi cõng trên lưng bé gái khoảng 15 tháng tuổi, tay dẫn thêm bé trai khoảng 3 tuổi, còn trong nhà là đứa trẻ 5 tuổi đang ngồi ráp vần. Thấy người lạ, 3 đứa bé nép mình bên người phụ nữ, tỏ vẻ sợ sệt. Mời chúng tôi vào nhà, chị Nguyễn Thị Chợ nói: “3 đứa cháu: Phạm Nguyễn Ngọc Huỳnh Anh (SN 2016), Phạm Nguyễn Phúc Thịnh (SN 2020) và Phạm Nguyễn Yến Anh (SN 2021) là con của người em gái”. Em gái chị Chợ mất do Covid-19 khi mới sinh Yến Anh được 3 ngày. Thương các cháu sớm chịu nhiều thiệt thòi, chị Chợ thay em gái nuôi dưỡng 3 đứa cháu.

Chị Nguyễn Thị Chợ yêu thương, chăm sóc các cháu bằng tấm lòng của người mẹ

Chị Chợ nghẹn ngào: “3 đứa cháu còn quá nhỏ mà phải chịu cảnh mồ côi mẹ nên tôi thay em gái chăm sóc, nuôi nấng. Ông bà ta có câu “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”. Chồng và gia đình chồng cũng phụ chăm sóc và thường xuyên động viên tinh thần. Gia đình tôi xem các cháu như con ruột. Tụi nhỏ gọi vợ chồng tôi là cha mẹ”.

Không chỉ nhận được sự quan tâm chăm sóc của gia đình dì, 3 đứa trẻ còn được chính quyền địa phương, nhà hảo tâm, doanh nghiệp và người dân xung quanh chung tay hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần. Số tiền các cấp, các ngành và nhà hảo tâm hỗ trợ, chị Chợ đem gửi tiết kiệm để dành cho các cháu, chỉ để lại một ít mua sữa, tã. Chịu tổn thương, mất mát khi còn quá nhỏ, các bé sống trong tình yêu thương, chăm sóc của người thân và sự quan tâm, chia sẻ của địa phương, xã hội.

Cùng xoa dịu nỗi đau

Ngược về TP.Tân An, đến thăm gia đình em Lê Hoàng Duy (phường 1), chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước cảnh “gà trống nuôi con”. Mẹ của Hoàng Duy mất sau đợt dịch Covid-19. Từ đó, anh Lê Hoàng Vũ (cha Hoàng Duy) thay vợ chăm sóc con. Anh Hoàng Vũ bộc bạch: “Bé Duy thường xuyên bệnh, ăn uống cũng khó khăn nên tôi phải tự nấu. Lúc trước, vợ tôi nhận may gia công ở nhà để có thể chăm sóc con. Từ khi vợ mất, tôi vừa đi làm, vừa tranh thủ thời gian đưa, rước con đi học và nấu ăn cho gia đình nên khá vất vả”.

Em Lê Hoàng Duy lúc nào cũng quấn quýt bên anh Lê Hoàng Vũ

Anh Hoàng Vũ đang làm thuê tại Đại lý vé số Ba Xuyên (TP.Tân An). Thương hoàn cảnh của anh, chủ đại lý cho ứng trước tiền lương. Những lúc gia đình gặp khó khăn, cần tiền gấp, đại lý cũng cho anh mượn tiền, sau đó trừ dần vào lương. Ngoài sự giúp đỡ trên, cha con anh Hoàng Vũ còn được nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp thường xuyên hỗ trợ. Nhìn căn nhà đã xuống cấp, anh Hoàng Vũ nói: “Tôi ráng làm lụng, tích góp, mong đủ tiền sửa lại căn nhà để cha con có chỗ ở đàng hoàng”.

"Trách nhiệm, tình yêu thương của các cấp, các ngành và toàn xã hội giúp các em có một “điểm tựa” vững chắc trong lúc khó khăn nhất và thắp lên niềm tin yêu trong cuộc sống."

Năm 2021, Long An là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhất là trẻ em. Thời điểm đó, nhiều trẻ em ở độ tuổi rất nhỏ dương tính với Covid-19 hoặc trở thành F1 sống trong các khu cách ly, địa bàn bị phong tỏa. Đau lòng hơn, nhiều em phải chịu cảnh mồ côi do dịch bệnh.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai thông tin: “Hiện nay, toàn tỉnh có 143 trẻ em mồ côi do Covid-19. Chia sẻ với những khó khăn, mất mát của các em, tỉnh không chỉ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ mà còn có nhiều mô hình, chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với những trẻ em không may có cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ mất do Covid-19. Đó là mô hình Mẹ đỡ đầu, mở sổ tiết kiệm, tặng học bổng,... Không dừng lại ở hoạt động tặng quà, học bổng, tỉnh chủ động tìm nguồn hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp để nhận đỡ đầu trẻ mồ côi do Covid-19 trong thời gian dài. Đơn cử, năm 2022, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Quỳnh hỗ trợ 2 đợt cho trẻ em mồ côi do Covid-19 (đợt 1: 118 trẻ, đợt 2: 128 trẻ), tổng số tiền trên 1,2 tỉ đồng; Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup hỗ trợ dài hạn cho 94 trẻ em mồ côi do Covid-19 (700.000 đồng/tháng/em), tổng số tiền trên 526 triệu đồng;...”.

Trách nhiệm, tình yêu thương của các cấp, các ngành và toàn xã hội giúp các em có một “điểm tựa” vững chắc trong lúc khó khăn nhất và thắp lên niềm tin yêu trong cuộc sống./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết