Tiếng Việt | English

10/12/2015 - 06:21

Đỏ mắt tìm kịch bản dựng vở diễn Tết

Nguồn kịch bản mùa Tết khan hiếm đến mức một số sàn diễn quyết định triển khai phần 2, phần 3 một số vở kịch hài ăn khách ở những năm trước.

Theo chia sẻ của một số “bầu” sân khấu, bên cạnh việc quá khó khăn tập hợp diễn viên tập dượt cho vở diễn chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Bính Thân, việc thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay đang là nỗi lo của các đơn vị sân khấu xã hội hóa. Vì Tết năm nay đến sớm, nếu cập rập trong dàn dựng sẽ không mang lại hiệu quả nghệ thuật, càng khiến tuổi thọ vở kịch khó sống được qua đến tháng giêng.

Vui nhưng phải lạ

Lựa vở diễn để dàn dựng theo tiêu chí không còn tập trung vào chuyện cười cợt, vui tươi mà vẫn có thể là những vở chính kịch như Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã từng làm và cho đến hôm nay, vở “29 anh về” của mùa Tết 2013 vẫn thu hút người xem. NSƯT Thành Hội cho biết: “Chúng tôi không tự trói chân mình trong việc chạy theo “gu” kịch Tết, nghĩa là phải vui, phải tạo tiếng cười hoan hỷ cho khán giả để không bị xui cả năm, theo quan niệm của nhiều người. Chính điều này chúng tôi nhận được sự đồng cảm của số đông khán giả. Họ đã đón nhận vở diễn Tết bằng dư âm của sự chia sẻ, trân quý thông điệp ý nghĩa của mùa xuân. Theo tôi, kịch Tết có vui, có buồn nhưng tứ kịch phải lạ mới ăn bền”.


Vở “Xóm trọ 3D” sẽ được phát triển phần 2 cho mùa kịch Tết tại Kịch Phú Nhuận

Ông Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu Kịch IDECAF cho biết vào thời điểm này các năm trước, IDECAF đã chọn xong 4 kịch bản để tập trung dàn dựng. Còn năm nay, vẫn chưa đâu vào đâu, hiện NSƯT Thành Lộc phải căng mắt đọc và chọn lựa kịch bản. Đạo diễn Vũ Minh chia sẻ: “Rất khó khăn trong việc chọn kịch Tết. Năm ngoái, chúng tôi dựng 2 vở diễn tại Nhà hát Bến Thành cũng “năm ăn, năm thua”. Sau đó đưa về Sân khấu IDECAF và số 7 Trần Cao Vân nhưng chỉ diễn được thêm vài suất. Kịch Tết khó sống dai, nếu qua hết tháng giêng mà lượng khán giả vơi đi là biết tuổi thọ của nó không đủ để lấy lại vốn đầu tư nên việc chọn lựa kịch bản phải hết sức thận trọng”.

Theo ông bầu Mạnh Tràng của Kịch Sài Gòn, kịch bản vở Tết phải được đầu tư trước theo đơn đặt hàng: “Sân khấu chúng tôi có sẵn lượng khán giả thích những kịch bản hài pha chút kinh dị, vui và lạ lẫm, do đó năm nào chúng tôi cũng đặt hàng và gia cố thêm phần kịch bản, mời thầy Đoàn Bá, thầy Trần Ngọc Giàu chỉnh sửa để hấp dẫn hơn, trụ được hết mùa Tết. Vì kinh phí đầu tư rất cao, diễn không quá 30 suất xem như lỗ vốn. Năm nay, tình hình cũng không khá hơn khi kịch bản quá kém, nhiều kịch bản đọc tới đọc lui vẫn chưa biết cách chỉnh sửa thế nào, nhận thì khổ cho sàn diễn của mình mà từ chối thì thương tác giả. Giới biên kịch đã bắt đầu quay lại sân khấu, không còn đổ xô viết kịch bản phim truyền hình nên phải mở rộng vòng tay nhưng cách chỉnh sửa, biên tập thật vất vả. Đôi lúc diễn viên, đạo diễn phải làm luôn công tác biên kịch, vừa tập tuồng vừa chỉnh sửa kịch bản”.

Không thể “có gì diễn nấy”

NSND Hồng Vân cho biết các sàn diễn của Kịch Phú Nhuận cũng đang đối mặt với tình trạng khan hiếm kịch bản hay. Tuy vậy, không thể làm như mọi năm, có gì diễn nấy. Bà chia sẻ: “Tôi đã nghĩ đến việc phát triển phần 2, phần 3 các kịch bản ăn khách để phục vụ khán giả. Vở “Xóm trọ 3D” diễn từ Tết năm ngoái đến nay vẫn đông người xem nên tôi quyết định đặt hàng tác giả, đạo diễn phát triển phần 2. Kịch bản phải vui nhưng bám được những vấn đề thời sự mà xã hội đang quan tâm, nhất là đưa những thông điệp về an sinh xã hội vào. Cái thiếu của kịch mùa Tết lâu nay chính là mải mê chạy theo việc khai thác tiếng cười vô bổ khiến người xem ngao ngán, không quảng bá để bạn bè, người thân đến xem nên tuổi thọ vở diễn ngắn ngủi”.

Với Sân khấu Kịch Nụ Cười Mới, Tết 2016 sẽ ra mắt khán giả 3 vở diễn mới có sự góp mặt của 2 nghệ sĩ Hoài Linh và Chí Tài. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị này vẫn chưa chọn được kịch bản, họ cho biết cũng nghĩ đến việc phát triển những kịch bản nổi tiếng như: “Ông bà vú nuôi”, “CLB quý bà”, “Siêu trộm”… để chuẩn bị diễn Tết.

Đạo diễn Ngọc Hùng của Sân khấu Nhà hát Thế Giới Trẻ có suy nghĩ khác: “Sân khấu chúng tôi đang có 2 đạo diễn xuất thân là tác giả kịch bản: Bùi Quốc Bảo và Cao Tấn Lộc nên họ vừa viết vừa dựng. Riêng tôi thường nghĩ ra đề tài và đặt hàng tác giả viết. Nếu trông chờ nguồn kịch bản của các tác giả gửi đến thì nhiều khi mình không tìm được kịch bản ưng ý bởi mỗi sân khấu có một định hướng riêng theo từng thời điểm, luôn phải xoay chuyển để kịp xu thế”.

Riêng Sân khấu Sao Minh Béo, ông bầu Minh Béo cho hay sân khấu này đã nỗ lực để lên kế hoạch diễn Tết Nguyên đán từ một tháng trước. “Biết là sẽ khó khăn khi tìm kịch bản hay nên chúng tôi đặt hàng và cố gắng chỉnh sửa. Các vở: “Tình ảo”, “Cưới vợ cho chồng”, “Trạng làm quan”… đã được dàn dựng xong, giờ chỉ gia cố lại phần vui nhộn, tăng thêm tiết tấu là có thể “canh tác” mùa Tết”.

Không dám đầu tư lớn

Trong tình cảnh lượng khán giả đến xem kịch sụt giảm đáng kể, việc một số sân khấu kịch xã hội hóa dè dặt, không dám đầu tư mạnh cho việc dựng vở mùa Tết cũng là điều dễ hiểu. Đầu tư lớn mà vở diễn ít khán giả là cầm chắc lỗ nên một số nghệ sĩ cho rằng sân khấu Tết năm nay vẫn ở tư thế cố gượng để giữ chân khán giả và củng cố tinh thần nghệ sĩ. Bên cạnh đó, lịch nghỉ Tết của CNVC đến 9 ngày, những gia đình có điều kiện sẽ du lịch xa. Sự dè dặt này của các ông bà bầu cũng là nguyên nhân khiến kịch mùa Tết năm nay sẽ thiếu vở diễn hay.

Nguồn: Thanh Hiệp/Người lao động

Chia sẻ bài viết