Tiếng Việt | English

06/07/2024 - 17:30

Đoàn thể thao Việt Nam ở Olympic 2024: Không nhiều khả năng đoạt huy chương

Việt Nam có 16 VĐV tham dự Olympic Paris 2024. Đây là con số hoàn thành chỉ tiêu, nhưng lại không mang nhiều ý nghĩa về chuyên môn.

Xạ thủ Trịnh Thu Vinh và đô cử Trịnh Văn Vinh - hai VĐV mang lại hy vọng giành huy chương cho Việt Nam tại Olympic Paris 2024 - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Tại Olympic Tokyo 2020, Việt Nam có 18 VĐV góp mặt. Ở Olympic Rio de Janeiro 2016 là 23 VDĐ, và Olympic London 2012 là 18. Đây là kỳ Olympic mùa hè mà Việt Nam có ít VĐV tham dự nhất trong 12 năm qua.

Nhiều VĐV chỉ mong cọ xát

Số lượng VĐV tham dự Olympic chỉ thể hiện một phần tham vọng của nền thể thao. Điền quan trọng hơn là khả năng cạnh tranh ở đẳng cấp thế giới. Phải thừa nhận sự thật: đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic 2024 với không một hy vọng cụ thể nào về việc đoạt huy chương. Trong số 16 VĐV dự Olympic Paris, kình ngư Võ Thị Mỹ Tiên và chân chạy nước rút Trần Thị Nhi Yến chỉ đi dưới dạng vé mời. Mục tiêu của hai cô gái trẻ này chỉ là cọ xát.

Đó gần như cũng là mục tiêu tương tự của các VĐV Hoàng Thị Tình (judo), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong (bắn cung), Võ Thị Kim Ánh, Hà Thị Linh (boxing), Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông)... Đây hầu hết đều là các môn mà châu Á rất mạnh và trình độ cũng tương đương với thế giới. Vì vậy, thành tích tại Asiad được mang ra làm thước đo cho các VĐV châu Á khi tham dự Olympic, đặc biệt là kỳ Asiad Hàng Châu vừa diễn ra vào tháng 9 năm ngoái.

Ở Asiad Hàng Châu, Hoàng Thị Tình (judo) đã dừng bước ngay vòng đấu đầu tiên trước Guo Zongying (Trung Quốc) - đối thủ đọạt HCĐ sau đó. Tương tự, Lê Đức Phát thua Kidambi (Ấn Độ) ở vòng đầu tiên, sau đó Kidambi dừng bước tại vòng 3. Thùy Linh khá hơn khi thắng được 1 trận ở vòng 2 (không phải đấu vòng 1), nhưng rồi cũng dừng bước trước Ongbamrungphan (Thái Lan) ở vòng 3. Và Ongbamrungphan cũng thua đậm ở trận tứ kết trước tay vợt quá mạnh đến từ Hàn Quốc.

Ở môn boxing, Hà Thị Linh (hạng cân 60kg) từng bị Yang Wenlu (Trung Quốc) đánh bại ở vòng 16 tại Asiad Hàng Châu. Linh thiếu may mắn bởi sớm gặp phải đối thủ quá mạnh - Yang cũng đoạt HCV sau đó. Nhưng khi bước ra đấu trường Olympic, các nữ võ sĩ châu Á hầu như không có cơ hội từ hạng cân 60kg trở lên. Tại Olympic Tokyo, các nữ võ sĩ chiến thắng những hạng cân từ trung bình trở lên đều đến từ châu Âu.

Do đó, cơ hội của Võ Thị Kim Ánh (hạng cân 54kg) - người lỡ hẹn tại Asiad Hàng Châu - có thể lớn hơn Hà Thị Linh vì các hạng cân nhẹ thường ít cạnh tranh từ phương Tây. Nhưng nhìn chung hy vọng vẫn là rất ít. Cũng tại Asiad, Đỗ Thị Ánh Nguyệt chỉ xếp hạng 15 vòng loại, rồi sau đó dừng bước ở vòng 16 nội dung cung 1 dây. Lê Quốc Phong xếp hạng 33 vòng loại rồi dừng bước cũng ở vòng 16.

Với Nguyễn Thị Hương (canoeing) và Phạm Thị Huệ (rowing), hành trình Olympic lại càng khó khăn bởi sự vượt trội của các nước phương Tây. Trung Quốc là quốc gia châu Á duy nhất giành được huy chương trong tổng cộng 30 nội dung thi đấu của hai môn này.

Không nhiều hy vọng

Nguyễn Thị Thật (xe đạp) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội) là những tên tuổi hàng đầu của thể thao Việt Nam. Nhưng cũng cần chấp nhận sự thật đây là những môn thể thao mà Việt Nam thua kém đẳng cấp thế giới xa nhất. Có thể lọt vào top 8 đã là kỳ tích với Huy Hoàng và Nguyễn Thị Thật.

Nhìn chung, hy vọng đạt huy chương của thể thao Việt Nam chỉ nằm ở bắn súng và cử tạ. Với bắn súng, Lê Thị Mộng Tuyền từng xếp hạng 16 vòng loại nội dung 10m súng trường hơi nữ và không lọt vào được chung kết. Thu Vinh khá hơn, từng xếp hạng 6 chung cuộc nội dung 10m súng ngắn hơi. Nhìn chung cả hai nữ xạ thủ này đều khó có cơ hội tranh chấp huy chương. Nhưng vì bắn súng luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ nên hy vọng vẫn được thắp lên. Tại Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh cũng không được đánh giá cao nhưng đã làm nên kỳ tích.

Cuối cùng, Trịnh Văn Vinh có lẽ là cái tên nhiều khả năng đoạt huy chương nhất tại Olympic Paris. Năm 2017, ở đỉnh cao nhất của sự nghiệp, Vinh từng nâng thành công mức tạ 307kg ở SEA Games. Đối chiếu với Olympic Tokyo, đây là thành tích giúp Vinh đoạt HCB. Nhưng sau đó đô cử này bị cấm thi đấu vì doping. Và dù trở lại sau án cấm, Vinh không thể khôi phục được mức tạ kỳ tích trước đây. Tại Asiad Hàng Châu, anh chỉ nâng được 292kg, xếp hạng 6 chung cuộc.

Cũng như Tokyo 2020, nhiều khả năng thể thao Việt Nam sẽ không giành được huy chương nào ở Paris 2024./.

Danh sách 16 VĐV Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024:

Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng, Võ Thị Mỹ Tiên (bơi lội), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing) Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (cầu lông), Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (judo), Trần Thị Nhi Yến (điền kinh).

Hy vọng đoạt huy chương Olympic của các nước Đông Nam Á

Thái Lan là đoàn thể thao ở Đông Nam Á có nhiều suất dự Olympic Paris nhất với 51 VĐV. Lãnh đạo ngành thể thao Thái Lan đề ra mục tiêu giành 9 huy chương trên đất Pháp. Đây là mục tiêu rất cao nhưng không phải không có cơ sở bởi Thái Lan từng đoạt đến 12 HCV ở Asiad Hàng Châu. Trong đó, nữ võ sĩ taekwondon Panipak Wongpattanakit từng đoạt HCV tại Tokyo 2020. Còn đồng đội của cô - Banlung Tubtimdang - là á quân thế giới. Thái Lan còn kỳ vọng làm nên bất ngờ ở boxing, thuyền buồm, golf...

Tương tự, đoàn Indonesia với ít nhất 28 VĐV đặt mục tiêu giành 1 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ tương tự thành tích ở Tokyo 2020. Philippines dù chưa công khai chỉ tiêu nhưng từng đoạt 1 HCV,

2 HCB và 1 HCĐ tại Tokyo 2020. Họ hoàn toàn đủ sức tái hiện thành tích này ở Paris với thế mạnh ở môn boxing.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/doan-the-thao-viet-nam-o-olympic-2024-khong-nhieu-kha-nang-doat-huy-chuong-20240706085245064.htm

Chia sẻ bài viết