- Mẹ, cho con tiền mua đôi giày mới đi sinh nhật bạn.
Quang hớn hở nói khi thấy mẹ từ ngoài ngõ bước vào nhà. Quang chờ mẹ từ sáng đến giờ. Vẻ mặt của nó hiện lên sự nôn nóng.
Chị Quỳnh, mẹ Quang, không nói gì. Dáng vẻ chị rất mệt mỏi, uể oải. Điều ấy được thể hiện qua động tác đưa tay đan chéo đấm thình thịch vào hai bả vai. Rồi chị lại xoa vào hai cổ chân, bàn chân chai sần của mình. Chính đôi chân khỏe mạnh này giúp chị đi bộ hàng ngày đến xưởng làm kiếm tiền lo cho con ăn học.
Chồng chị mất sớm do tai nạn lao động, bỏ lại hai thằng con trai thơ dại. Phải mất một thời gian dài, chị mới vượt qua được cú sốc này. Họ hàng nhà chị, thậm chí là họ hàng nhà chồng cũng khuyên chị đi thêm bước nữa để có chỗ dựa tinh thần, chỗ dựa tài chính mà lo cho hai đứa nhỏ. Chị nghĩ không cần thiết. Đối với chị, “hai thằng đàn ông” trong nhà làm chị quá mệt mỏi rồi.
Rót ly nước trà nguội lạnh, chị uống ừng ực như một tên lực điền. Công việc khuân gạch làm chị trở nên một thằng đàn ông, người đen nhẻm, thô kệch, mạnh mẽ. Chị hỏi con:
- Sao nay con không đi học?
Quang đứng khép nép nãy giờ chờ câu trả lời của mẹ. Khi được hỏi chuyện học hành, nó biểu hiện thái độ nói dối, nhưng chị Quỳnh lại không quan tâm:
- Dạ... Thầy có việc nên cho cả lớp nghỉ!
Thật ra, Quang tự nộp đơn xin nghỉ phép với lý do sức khỏe. Nó vẽ ra kế hoạch sau khi đón thằng em đi học về, sẽ mua đôi giày mới. “Tối nay cho bọn bạn lé mắt”, Quang nghĩ thế!
Chị Quỳnh đưa tay vào túi lấy tiền. Tiền lương chị vừa mới lãnh, được cài kim tây rất kỹ:
- Nè, con cầm lấy mà mua. Chiều nhớ đi đón em về rồi đi đâu thì đi. Tối nay mẹ phải làm thêm. Dắt em ra nhà ngoại chơi, tối về mẹ rước. Nhớ về sớm đó!
Minh họa: Thiện Mỹ
Chiều. Quang chộn rộn dắt xe đi đón thằng Tí. Trên đường đi, nó hơi bực mình vì thằng em “cục nợ”. Nó nghĩ, phải chi hôm nay thằng Tí nghỉ học là nó có dư thời gian để ra chợ thị trấn ngắm quần áo đẹp, những kiểu mốt mới dành cho tuổi teen mà nó hằng ao ước được sở hữu.
Chợt nó giật mình nhớ tới chuyện lúc sáng nói dối mẹ, dối thầy cô. Nhưng thôi kệ, nghỉ một ngày mà, với lại mẹ mải lo làm suốt ngày chắc không sao đâu. Nó nghĩ vậy!
Bước vào lớp, nó thấy thằng em mình đang khóc mếu máo với cô giáo, trong khi bọn bạn đã ra về hết. Nó chạy lại hỏi cô chủ nhiệm của Tí:
- Thưa cô, chuyện gì ạ?
Cô giáo ân cần trình bày:
- Trong tiết thể dục, vì lỡ vấp phải gốc cây, đôi giày cũ của Tí bị rách. Thế là thằng bé khóc vì tiếc của, cô dỗ mãi mà em ấy không chịu nín. May mà có em đến, dỗ giúp cô với!
Quang dỗ dành em mình:
- Thôi bỏ đi, để anh nói mẹ mua cho em đôi khác. Mình về nhà thôi, kẻo bác bảo vệ đóng cửa trường là tối nay ngủ ở đây luôn đó!
Thằng bé ngoan ngoãn theo anh trai ra về nhưng mắt vẫn đỏ hoe. Chở Tí về, Quang tiếp tục dỗ dành:
- Chỉ có đôi giày thể dục thôi, em làm gì khóc như mưa vậy? Con trai khóc là yếu đuối, là xấu hổ đó, biết chưa!
- Giày này mẹ mua cho em mà anh hai, bỏ uổng lắm! Mẹ làm cực khổ mới có tiền mua giày cho em mang. Tối nào đấm lưng cho mẹ em cũng thấy vai mẹ chai sần hết rồi. Em thương mẹ lắm, anh hai!
Câu nói của thằng Tí làm Quang giật mình, mắt nó mơ hồ tận đâu đâu, suýt chút nữa tông vào gốc cây ven đường. Cú thắng gấp đưa nó trở về thực tại. Nó lại nghĩ về bữa tiệc sinh nhật tối nay nhiều hơn.
- Em ngồi yên, anh chở em ra chợ nhé! Anh mua đồ rồi về liền.
Ra đến chợ, Quang ghé vào cửa hàng bán giày dép thời trang. Thằng Tí ngạc nhiên:
- Anh hai định mua giày mới hả? Em thấy đôi giày ở nhà còn mới mà. À, mà anh có đến hai đôi, không phải, thêm đôi giày thể dục nữa là 3 đôi đó. Vậy sao anh hai mua nữa, mà tiền đâu anh hai mua vậy?
- Mày im đi có được không! Để tao lựa giày cái coi - Quang bực mình quát.
Tí lại léo nhéo bên tai Quang:
- Anh hai xin tiền mẹ mua phải không? Đừng có xin tiền mẹ hoài mà. Mẹ không có dư đâu. Chiều hôm qua, em thấy người ta đến đòi nợ mẹ nữa đó.
Dù Quang rất bực nhưng phải công nhận rằng, từng lời nói hồn nhiên của Tí làm Quang lung lay ý định. Quang tự nhủ, thật tình là ở nhà mình có đến những 3 đôi giày, tuy chúng không mới nhưng cũng không đến nỗi cũ. Mua như vậy thì thật là phí. Nhưng lỡ mua rồi, biết làm sao hơn.
Quang xách túi giày mới và dắt xe ra khỏi chợ một cách nặng nề. Thằng Tí lẽo đẽo theo sau, mặt mày chù ụ vì không hài lòng về anh mình. Dưới chân thằng bé vẫn mang đôi giày rách, nên cứ đi cà nhắc như người bị tật. Quang quay lại nhìn em, thấy cái cách nó nâng niu đôi giày làm Quang chùn lòng. Dù là đôi giày hư nhưng khi bước qua bãi sình, Tí vẫn đi nhón gót, nhẹ nhàng để tránh dơ giày.
- Anh chờ em một xíu để em lau sình. Nó dơ hết rồi - Tí nói với Quang thế!
Bỗng Quang buột miệng bảo em:
- Thôi, để về nhà hẵng giặt. Giờ quay lại cửa hàng giày với anh.
- Chi vậy anh hai?
- Anh quyết định đổi đôi giày này của anh để lấy giày thể dục cho em mang.
Thằng bé tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên nhưng trong lòng lâng lâng một niềm vui khó tả./.
Đặng Trung Thành