Những trang sử hào hùng
Một ngày cuối tháng 6/2023, chúng tôi về xã Tân Ninh, Tân Thành để tìm hiểu về trận đánh Kinh Bùi nhân Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Kinh Bùi (24/6/1953 - 24/6/2023). Tiếp chúng tôi trong căn nhà tường khang trang, cựu chiến binh Trần Văn Bé (xã Tân Ninh) bộc bạch: “Trận đánh Kinh Bùi diễn ra cách đây 70 năm nên khó tìm được người chứng kiến trận đánh. Là cựu chiến binh, chúng tôi chủ động tìm hiểu về trận đánh qua nhiều tài liệu ghi chép lại nhằm tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của địa phương”.
Cựu chiến binh về thăm Bia kỷ niệm chiến thắng trận Kinh Bùi
Ông Bé đưa chúng tôi đến trụ sở UBND xã Tân Ninh tìm hiểu các tài liệu liên quan đến trận đánh Kinh Bùi. Tại đây, trận đánh được tái hiện qua từng trang sách. Đêm 22, rạng sáng ngày 23/6/1953, trinh sát Tỉnh đội Mỹ Tho phối hợp cơ sở phát hiện địch tập trung lực lượng ở đồn Thiên Hộ nhằm mục đích hành quân đánh vùng ruột Đồng Tháp Mười để phá hoại kinh tế, gây bất lợi cho vùng căn cứ.
Xác định được âm mưu, thủ đoạn của địch, các cơ quan cách mạng nhanh chóng lên phương án tiêu diệt địch, trong đó, các đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn người dân di tản, cất giấu lương thực, thực phẩm. Còn lực lượng du kích bám sát đánh địch bằng mìn, lựu đạn và súng bộ binh nhằm tiêu hao sinh lực địch. Riêng Tiểu đoàn 309 phối hợp các lực lượng cơ sở tập trung ở khu vực chuẩn bị sẵn đợi địch đến gần sẽ đồng loạt nổ súng tấn công. Ngày 24/6/1953, Tiểu đoàn 309 phối hợp các đơn vị và dân quân du kích xã Tân Ninh (nay tách ra xã Tân Ninh, Tân Thành) tiêu diệt trên 100 tên địch, bắt sống 42 tên và thu trên 100 cây súng các loại, nhất là đánh tan âm mưu của địch đánh phá vùng ruột Đồng Tháp Mười.
Quê hương khởi sắc
Chiến thắng trận Kinh Bùi thể hiện sự đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Phát huy truyền thống cách mạng trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Ninh, Tân Thành tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, xây dựng địa phương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Một góc xã Tân Ninh hôm nay
Chủ tịch UBND xã Tân Ninh - Đoàn Văn Liệt cho biết: “Năm 1994, xã Tân Ninh được công nhận Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã nỗ lực đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2020. Đến nay, hộ nghèo còn 2,9%, thu nhập bình quân đầu người trên 65 triệu đồng/năm. Nông dân biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, giúp tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như trồng sầu riêng, mít, chanh, vú sữa, nuôi ếch, cá,...”.
Rời xã Tân Ninh, chúng tôi tiếp tục đến xã Tân Thành. Địa phương đã có nhiều đổi mới: Những con đường bêtông sạch, đẹp; nhiều ngôi nhà tường khang trang mọc lên san sát nhau; cánh đồng lúa xanh ngút ngàn; vườn trái cây trĩu quả;... Chủ tịch UBND xã Tân Thành - Nguyễn Văn Điệp cho biết: “Năm 1985, xã Tân Thành được tách ra từ xã Tân Ninh. Khi mới chia tách, đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn, các thiết chế văn hóa chưa được đầu tư, người dân đi lại chủ yếu bằng đường thủy,... Sau thời gian nỗ lực khắc phục khó khăn, xã gặt hái nhiều thắng lợi trên tất cả lĩnh vực, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Điểm nổi bật trong hành trình “thay da, đổi thịt” của địa phương chính là chuyển đổi từ đất trồng lúa năng suất thấp sang các loại cây ăn quả như mít, sầu riêng với diện tích gần 300ha, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ngoài ra, xã còn huy động nhiều nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, góp phần cho xã "về đích" NTM năm 2020 cũng như nâng chất các tiêu chí hướng đến hoàn thành xã NTM nâng cao trong thời gian tới”.
Xã Tân Thành huy động các nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông
Về xã Tân Ninh, Tân Thành trong những ngày địa phương chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Kinh Bùi, chúng ta nhìn thấy vùng quê từng hứng chịu “mưa bom, bão đạn” năm nào bừng lên sức sống mới. Thành quả này minh chứng cho sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, tạo nên nhịp sống sung túc, ấm no của vùng quê giàu truyền thống cách mạng./.
Thời gian qua, xã Tân Ninh, Tân Thành thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM và Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Qua đó, góp phần xây dựng thành công xã NTM, NTM nâng cao, giảm dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, xây dựng một vùng quê đáng sống".
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Hà Thanh Chì
Trong chiến tranh ác liệt, quân và dân ta chịu bao vất vả, mất mát nhưng vẫn bám đất, giữ làng, kiên cường chiến đấu. Sau khi hòa bình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng khắc phục hậu quả chiến tranh, ra sức thi đua lao động, sản xuất. Chúng tôi rất tự hào vì sự thay đổi của địa phương, nhất là không còn những con đường đất sình lầy, cây cầu tạm bợ, những căn nhà lụp xụp mà là những tuyến đường, cầu giao thông bằng bêtông sạch, đẹp, những ngôi nhà tường khang trang mọc lên san sát nhau”.
Ông Nguyễn Hồng Hải (thương binh hạng 4/4, xã Tân Ninh)
Thế hệ hôm nay luôn tự hào về truyền thống bất khuất của các anh hùng, liệt sĩ tham gia trận đánh Kinh Bùi năm xưa. Tiếp nối truyền thống đó, đoàn viên, thanh niên trong xã nguyện ra sức làm những việc ích nước, lợi nhà, góp phần xây dựng xã Tân Thành ngày càng giàu, đẹp. Đặc biệt, Đoàn xã tiếp tục duy trì mô hình Tuổi trẻ bảo vệ an ninh Tổ quốc; Tuổi trẻ xây dựng NTM; đồng thời, nhân rộng và duy trì các mô hình kinh tế hiệu quả; tri ân người có công, gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng,...".
Bí thư Đoàn xã Tân Thành - Nguyễn Tấn Vũ
|
Lê Ngọc