Tiếng Việt | English

03/06/2024 - 14:09

Đổi thay từ Nghị quyết 'Tam nông': Nâng tầm vị thế của nông dân (Bài cuối)

Nối tiếp những thành tựu đã đạt từ Nghị quyết (NQ) số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện NQ số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. NQ này góp phần làm cho diện mạo nông thôn của tỉnh Long An ngày càng khởi sắc; nông nghiệp đổi mới, phát triển và đời sống người dân được nâng lên.

Nâng tầm vị thế của nông dân (Tiếp theo bài trước và hết)

Không chỉ tạo nên “cú hích” cho nông nghiệp phát triển mà NQ “tam nông” còn khích lệ nông dân (ND) đổi mới nếp nghĩ, cách làm, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Thay đổi tư duy, trình độ sản xuất

Đi cùng sự phát triển của nền nông nghiệp, ND trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi về tư duy và trình độ sản xuất. ND ngày càng nắm bắt khoa học, công nghệ liên quan đến sản xuất nông nghiệp, không còn tư duy sản xuất nông nghiệp theo kiểu “con trâu đi trước, cái cày theo sau”.

Từ khắp các vùng nông thôn trong tỉnh xuất hiện nhiều tấm gương ND sản xuất, kinh doanh giỏi, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo thực hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao. ND chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chú trọng chất lượng và giá trị sản phẩm, sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Nông dân trồng lúa ngày càng có lợi nhuận cao nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, những năm qua, thực hiện chủ trương thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, Chi cục tập trung phối hợp các địa phương và các ngành liên quan thực hiện nhiều chương trình, đề án, đề tài và mô hình trình diễn nông nghiệp để hỗ trợ kỹ thuật, định hướng sản xuất cho ND.

“Chi cục đẩy mạnh việc gắn kết tổ chức sản xuất với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, xây dựng quy trình sản xuất an toàn và bền vững nhằm từng bước thay đổi tư duy của ND, định hướng cho ND làm kinh tế hiệu quả. Mỗi chương trình, dự án được triển khai đều liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ đầu ra cho ND. Thông qua việc hướng dẫn tổ chức sản xuất và tập huấn kỹ thuật, ND chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và biến động của thị trường” - ông Nguyễn Văn Cường cho biết.

Chuyển biến rõ nét là sự thay đổi về tập quán canh tác, ND biết cách liên kết hợp tác để sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Chanh không hạt Bo Bo - Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) - Lê Văn Tiên chia sẻ: “Trung bình 1ha chanh sản xuất theo quy trình của công ty cho năng suất 25-30 tấn/vụ. Với giá bao tiêu cao hơn thị trường từ 3.000-4.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ND có lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/ha”.

Được biết, HTX hiện có 5ha chanh không hạt đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và được Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm. HTX đang tích cực vận động người trồng chanh tham gia HTX và canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để bảo đảm đầu ra bền vững.

Tại huyện Tân Hưng, nhiều HTX nông nghiệp chuyên sản xuất lúa cũng đã chủ động xây dựng các cánh đồng lớn, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để ổn định đầu ra. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) - Ngân Văn Phi, từ khi tham gia cánh đồng lớn, thành viên HTX nhận thấy lợi ích từ việc giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

“Đến nay, toàn bộ diện tích sản xuất của HTX đều sử dụng giống xác nhận. Việc giảm lượng giống được thành viên HTX ủng hộ, bình quân mật độ gieo sạ 80-100kg/ha, giảm 2-3 lần so với trước. Năng suất lúa bảo đảm đạt từ 7-8 tấn/ha đối với vụ Đông Xuân và khoảng 7 tấn/ha đối với vụ Hè Thu” - ông Ngân Văn Phi cho hay.

Đổi thay từ Nghị quyết 'Tam nông': 'Cú hích' cho nông nghiệp phát triển (Bài 2)

 

Đổi thay từ Nghị quyết 'Tam nông': 'Cú hích' cho nông nghiệp phát triển (Bài 2) 

Nghị quyết “Tam nông” góp phần làm cho diện mạo nông thôn của tỉnh ngày càng khởi sắc; nông nghiệp đổi mới, phát triển và đời sống người dân được nâng lên.

Chủ thể xây dựng nông thôn mới

Quá trình thực hiện chương trình XDNTM thời gian qua trên địa bàn tỉnh mang lại cho nông thôn sức sống mới. Thành quả đã đạt có sự đóng góp rất lớn từ sức dân.

Người dân thể hiện vai trò là chủ thể trong quá trình XDNTM trên nhiều lĩnh vực. Người dân là nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, các hoạt động dịch vụ. Người dân xây dựng, bảo vệ và hưởng lợi từ kết cấu hạ tầng nông thôn; giữ gìn an ninh, trật tự; xây dựng đời sống văn hóa; thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Xuất phát điểm XDNTM của Cần Đước là một huyện nghèo của tỉnh, nằm ngay cửa sông ra biển. Đường, trường, trạm, điện, nước sạch,... đều không đạt chuẩn theo bộ tiêu chí NTM. Các mặt hàng nông sản luôn bị thương lái ép giá do giao thông nông thôn lầy lội, nhỏ, hẹp, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cần Đước, sau nhiều năm chung tay XDNTM đã phá thế vùng sâu, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.

Hợp tác xã Nông nghiệp Chanh không hạt Bo Bo - Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) có được đầu ra ổn định nhờ liên kết sản xuất và sản xuất chanh theo tiêu chuẩn GlobalGAP

Ông Ngô Văn Khải (xã Tân Ân, huyện Cần Đước) bộc bạch: “Gia đình tôi tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, ngày công, cây trồng trên đất để Nhà nước làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, được đi lại trên con đường bêtông rộng rãi, cầu, đường nối liền, tôi tự hào vì đóng góp cùng địa phương xây dựng nông thôn khang trang, hiện đại hơn”.

Theo ông Khải, từ ngày xã Tân Ân được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao thì đời sống của Nhân dân từng bước được nâng cao thêm. Nhà kiên cố, cao tầng được người dân xây dựng càng lúc càng nhiều. Các tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp được thành lập đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân trong việc phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập.

Quyền Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Đào Hữu Tấn thông tin: “UBND huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về XDNTM. Khi triển khai bất cứ công việc gì, cấp ủy Đảng, chính quyền đều công khai lấy ý kiến rộng rãi để người dân hiểu và chủ động tham gia phong trào XDNTM cùng địa phương”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền nhận định: NQ về “tam nông” đã góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn, XDNTM. Đồng thời, NQ cũng góp phần định hướng sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp, ND, nông thôn trong thời gian tới, hướng đến hoàn thành mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, ND thông minh.

“Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu NQ “tam nông” đề ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo lộ trình, kế hoạch đề ra; tập trung nguồn vốn đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, trong đó chú trọng các công trình nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghiệp chế biến, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn.

Ngoài ra, tỉnh còn triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững với các giải pháp thiết thực, đồng bộ cả về giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tiếp cận thị trường và triển khai kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội, góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội,...” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết.

Những kết quả ấn tượng của ngành Nông nghiệp từ khi thực hiện NQ về “tam nông” khẳng định đây là NQ đúng đắn, hợp lòng dân, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Những chính sách từ NQ về “tam nông” đã đưa nông nghiệp tỉnh phát triển không ngừng và tiếp tục là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết