Tiếng Việt | English

19/04/2023 - 18:39

Du lịch tắm rừng dược liệu (Tiếp theo kỳ trước và hết)

Sáng nay, Phó Giám đốc phụ trách hành chính, quản trị Công ty Cổ phần Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười kiêm hướng dẫn viên Dương Văn Toản và anh Trần Mạnh Trung lái tắc ráng, đưa chúng tôi làm một tour “tắm rừng dược liệu”. Cả rừng cây mênh mông và kênh, mương chằng chịt tạo thành một hệ thống giao thông đường thủy lẫn đường bộ mà 2 chàng trai trẻ này đều thuộc như lòng bàn tay. Chả thế, Toản và Trung còn thuộc từng loại cây và dây dược liệu trên thảm thực vật “bất tận” này để làm MC cho khách du lịch.

Cửa vào Cánh Đồng Bất Tận

Mới đây, người viết theo dõi chương trình Tư vấn mùa thi ở TP.HCM quy tụ nhiều chuyên gia đến từ các trường đại học, họ đã cung cấp thông tin về xu hướng mạnh của du lịch sau đại dịch Covid -19 là nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Đây là loại hình du lịch mà sinh viên nên chọn học vì có nhu cầu lớn. Vậy là “Cánh đồng bất tận” tại Mộc Hóa (tỉnh Long An) có sự lựa chọn đúng để mở du lịch thời thượng này rồi! Em Võ Trần Duy Khánh - sinh viên năm 4, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, đang thực tập và xin vào làm hướng dẫn viên cho Cánh Đồng Bất Tận vì bị mê hoặc bởi sức hút của không gian dược liệu nơi đây.

Ngồi tắc ráng hít thở sâu không khí đằm hương dược liệu mới sảng khoái làm sao! Tâm hồn lâng lâng trước vô vàn hình ảnh ngoạn mục của thiên nhiên. Có rất nhiều loại cây và dây mọc hoang vẫn thường thấy dọc đường hay trên đồng, trên rừng,... nhưng chúng ta đâu biết đây là dược liệu có thể chữa bệnh hoặc bồi bổ sức khỏe. Thời đại công nghiệp 4.0, nơi đây đã ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng và chế biến dược liệu bằng tách chiết hoạt chất tạo ra thực phẩm chức năng hay thuốc chữa bệnh dạng viên và nước cất.

Tại đây, sinh cảnh rất tốt cho các loài thủy sản

Vào rừng dược liệu, Toản chỉ cây chùm ngây và khu trồng nấm linh chi, nói cả 2 kết hợp trứng cá hồi để tạo ra thuốc bổ có vị ngọt, thơm. Anh lại chỉ dây khổ qua rừng, giới thiệu rằng có thể tạo ra thuốc trị bệnh tiểu đường cấp tính. Cây chè vối kia thì giải độc gan, làm hạ cholesterol và đường huyết. Cây đinh lăng tạo ra cao viên nang để tăng sức đề kháng, hỗ trợ sức khỏe và làm giảm mệt mỏi. Cây mù u và cây tràm cho ra 15 loại dược liệu khác nhau,... Đang nói, Toản chợt kêu Trung cặp tắc ráng vào rồi kéo chúng tôi lên bờ đã thành đường đi dạo với 2 giàn dây leo lá to chạy song song dài 500m. Toản nói đây là dây Sachi di thực từ Tây Nguyên về trồng thử nghiệm, thấy nó đã bén rễ, phát triển tốt. Rồi đây, nó sẽ ra trái, dùng máy tách lấy hạt để ép tinh dầu Omega 3-6-9 hỗ trợ trị bệnh tim,... Toản hái cho chúng tôi những trái tròn, vàng tươi như hạt chuỗi, nói đây là ớt Peru du nhập từ Nam Mỹ về để làm ra dầu bôi trị "giời ăn". Còn đây là gừng Peru giúp giải độc nội tạng,...

Phó Giám đốc phụ trách hành chính, quản trị Công ty Cổ phần Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười - Dương Văn Toản đang giới thiệu dây Sachi du nhập từ Tây Nguyên

Trên 100km kênh đào mà kênh nào cũng có 2 bờ tràm khép kín như bức tường thành cao vút, xao xác ngàn cánh chim rừng, mỗi khi bay, chúng kết cánh tạo hình đủ kiểu trên không trung. Trong lúc mặt kênh luôn xao động bóng cá trắng, cá đen, những loài cá đồng to quẫy dậy sóng. Anh bạn nhà báo ở TP.HCM không ngớt bật lên những tiếng kêu thích thú. Bất chợt, tắc ráng rẽ vào một khu đất trống mênh mông tuyền một màu cỏ năn; nhiều chỗ năn ngã rạp, bày từng lõm nước, Toản nói đó là do chim trích ào tới giẫm đạp, moi củ năn ăn. Có hôm sếu đầu đỏ từ đâu sà xuống ăn với chim trích. Chúng tôi đi trên cầu tràm dài ngoẵng chẻ ra từng cầu khỉ để khách đi cho biết thời cha ông chỉ biết đi cầu này qua sông, rạch,...

Toản cho biết, năm 2017, Cánh Đồng Bất Tận mới triển khai du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe với diện tích hiện hữu 1.029ha, nhưng đến năm 2020 hết hạn “sổ đỏ” mà chỉ công nhận có 65ha. Công ty đang xin Nhà nước cho tăng thêm thời hạn thuê đất lên 30-50 năm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động nguồn lực để phát triển bền lâu, chứ thời hạn thuê đất 20 năm là quá ngắn, khó có thể đầu tư, nuôi trồng các loại cây, con lâu dài được.

Còn ông Lê Văn Miên (57 tuổi, người dân địa phương) kể rằng: “Năm 1983, toàn vùng này vẫn còn trống lốc. Mùa lũ, nước dâng láng địa. Thời chiến tranh, Mỹ bỏ bom, dân chạy giặc nên không làm ăn gì hết. Đất hoang bề bề, ai có sức làm bao nhiêu cũng được. Tôi bây giờ làm công nhân chăm sóc cây trồng ở đây, lương thực, nhu yếu phẩm được công ty lo hết, lương mỗi tháng là 7 triệu đồng, sống được”.

Khách tham quan đi trên cầu tràm và cầu khỉ, bên dưới là cánh đồng cỏ năn

Đêm qua, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười - Bùi Đắc Thắng cho chúng tôi biết nhiệm vụ chính của công ty là vừa nghiên cứu, bảo tồn dược liệu, vừa bảo vệ tính đa dạng sinh học. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Phát Quới (nguyên cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ), Cánh Đồng Bất Tận hiện có 300 loài chim và 200 loài thực vật. Tại đây còn có nhiều chỗ dựng bảng báo “Khu bảo tồn nghiêm ngặt”, cho thấy công tác bảo tồn nguồn gen rất được quan tâm.

Anh Toản đưa chúng tôi vào thăm khu trồng toàn cây ăn trái như mít, ổi du nhập từ nước ngoài về để phục vụ khách du lịch. Mỗi khi có đoàn khách là công ty có người mang bao theo nhặt rác, bảo vệ môi trường.

Một mảng tràm trà (du nhập từ Indonesia) - một dược liệu quý của Cánh Đồng Bất Tận

Tôi nhớ, hơn 20 năm trước, những lần đi "tắm rừng dược liệu" cùng ông Ba Đất phèn, được ông đưa lên chòi cao ngắm cảnh các loài chim kết cánh bay lượn hay kéo đi từng bầy trên sóng lá và nhảy múa rất điệu đàng. Nhà khoa học “chân đất” ấy nói ý đồ làm các chòi trên ngọn tràm nguyên sinh cao chót vót như cái chuồng cu, cho du khách trải nghiệm những điều mới lạ.

Vậy tại sao Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng - Chăm sóc sức khỏe Cánh Đồng Bất Tận chưa thu hút du khách trong và ngoài nước như kỳ vọng? Khi trò chuyện với chúng tôi về điều này, ông Bùi Đắc Thắng nói rằng, tâm lý khách du lịch là đi theo tour thì ngồi cùng xe, cùng tàu. Nhưng do đường bộ từ Quốc lộ 62 vào đây có nhiều đoạn hẹp, chỉ có thể chạy được xe ôtô 4 chỗ ngồi hoặc xe máy, tới bờ kênh là phải xuống xe để đi xuồng sang Cánh Đồng Bất Tận. Đi đường thủy cũng chỉ dùng phương tiện nhỏ, còn tàu du lịch lớn thì không thể chạy được, chính vì vậy mà hạn chế du khách. Cả năm 2022, Cánh Đồng Bất Tận chỉ đón được 9.000 lượt khách, bình quân mỗi tour chừng 100 người. Dự kiến đến năm 2030 sẽ đón 15.000 khách/năm, chỉ đón từng đoàn chứ không đón khách vãng lai lẻ tẻ.

Leo lên sân thượng tầng 6, nhìn sang bên kia kênh là thị trấn Bình Phong Thạnh, “thủ phủ” huyện Mộc Hóa mới dời về mấy năm nay, còn tiếp tục xây dựng. Ước tương lai không xa, thị trấn này sẽ nâng cấp, mở mang đến giáp bờ kênh của Cánh Đồng Bất Tận và có cầu bêtông lớn qua kênh, thì nơi đây sẽ đầy tiềm năng và lợi thế để phát triển các loại hình du lịch. Hơn nữa, Cánh Đồng Bất Tận vốn giàu “báu vật” mà thiên nhiên cất giấu cũng sẽ xuất lộ, tạo môi trường đáng sống cho vùng đất “Cánh đồng hoang” xưa.../.

Bút ký của Quang Hảo

Từ 'Cánh đồng hoang' đến 'Cánh đồng bất tận'

Thế là đã 40 năm trôi qua kể từ khi chân đất ông băng “Cánh đồng hoang” mịt mùng cỏ cây hoang dại, không một bóng người hay một nóc nhà dân...

 

Chia sẻ bài viết