Tiếng Việt | English

21/11/2016 - 14:40

Khoảnh khắc với di sản ông Ba Đất phèn

1. Vâng, chỉ là một khoảnh khắc, một khoảnh khắc lướt qua cái không gian xanh mênh mông trải kín một vùng bưng rộng 1.041 mẫu tây ấy. Đã bao lần tôi đến đây và được đích thân ông Ba Đất phèn lái xuồng máy đưa đi dạo khắp “giang sơn” của ông. Có khi cùng ông leo tuốt lên chòi canh chót vót ngọn cây để ngắm từng bầy chim trời đủ màu lông bay đặc không gian. Có khi cùng ông núp sau bụi cây để ngắm lũ chim trích láu táu đuổi bắt cào cào hay bầy già đẫy đứng âu sầu trên thảm cỏ; hoặc ngắm một quầng cò trắng bay lả tả như tuyết rơi trên đỉnh rừng tràm, ngắm một bầy sếu đầu đỏ nghểnh cổ nhìn dáo dác trên trảng cỏ năn rồi đột nhiên bay vút lên và biến vào mây trời.


Đường tham quan được láng bêtông, xe hơi chạy được

Có lần, ông đưa tôi tới một bàu nước mênh mông giữa bốn bề rừng tràm và nói “100 mẫu tây tui quy hoạch, cho xáng múc xuống sâu, có bờ bao làm đường để khách dạo chơi”. Ông bảo, đang sưu tầm và kêu gọi ai phát hiện các loại động, thực vật sống dưới nước mang tính đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười báo cho biết để đem về, đưa xuống bàu nước nuôi trồng, bảo tồn.

Ông chỉ sang hướng khác: “Chỗ đó, tui sẽ xây một cái tháp 6 tầng; mỗi tầng có một công năng đặc thù. Tui dành riêng một tầng cho các nhà khoa học được mời đến nghiên cứu các loại gen nhằm phục hồi hệ sinh thái, sinh cảnh Đồng Tháp Mười nguyên thủy”. Ông cũng đưa tôi đi xem các khu ươm trồng thảo mộc có chứa dược liệu như nhàu, nghệ, gừng, sả,... và những cây chỉ thấy ở rừng núi Tây nguyên như hà thủ ô trắng, đỏ, đặc biệt là cây tràm trà ông đã cất công đi tận Indonesia di thực về trồng.


Nhà khách, “nhà xanh” - của trung tâm lộng gió Đồng Tháp Mười

Có lần, ông đưa tôi tới khu rừng tràm gió nguyên sinh hơn 100 năm tuổi, nói: “Thiên nhiên cất giấu kho báu này để ban phát cho tụi tui. Đây là nguồn dược liệu quý giá tụi tui quyết bảo tồn”. Đoạn, ông nói lên ý tưởng đầy tham vọng: Làm những cái chòi treo lơ lửng trên ngọn cây tràm ở khu rừng này, đủ chỗ cho vài người lên ở để có cảm giác phiêu lãng trong thiên nhiên. Đến một mảng làng nổi với gần chục căn nhà neo bên bờ đất, có thể di chuyển tùy thích vì sàn nhà nằm gọn trên đế vỏ thùng phuy nổi bồng bềnh, ông nói lên ý định làm khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng (ở nhà nổi hay ở nhà chòi trên ngọn cây). Người già yếu đến tắm mình trong không gian xanh này, nhất định sức khỏe tăng lên.

Nhớ lần ấy, biết tôi đi lên ông Ba Đất phèn, một anh bạn xin theo. Tới trưa, mời cơm thì anh bạn biến đâu mất. Đến chiều về, anh ta cứ ôm cái thùng thiếc ngồi phục dưới ghe. Tới chừng lên bến ở Tân Lập bên Quốc lộ 62, anh ta mới mở nắp thùng cho coi. Trời ơi, toàn là cá lóc to tày cườm tay trở lên. “Tui thủ dây câu và bọc nhái, vô đó bẻ nhánh cây làm cần, cứ nhắp vài cái là giật lên một con; giật mê mệt luôn nên đâu có dám bỏ vô ăn cơm với ông Ba Đất phèn!”. Ra thế, anh ta câu trộm cá trong khu bảo tồn! (Chuyện bây giờ mới dám kể!).


Trường Mẫu giáo và Tiểu học Hương Tràm do ông Ba Đất phèn thiết kế, xây dựng tặng địa phương

2. Vào thắp hương cho ông Ba Đất phèn, nhìn các vòng hoa tang và các bức trướng phúng điếu ông, tôi không khỏi bùi ngùi. Ông hãy còn trẻ mà! Vốn xuất thân là đứa trẻ chăn trâu rồi đi cách mạng và được nuôi dạy nên người lính chiến. Trong một trận đánh ác liệt với quân thù, chàng trai trẻ chữ nghĩa chưa thông ấy bị thương rất nặng tại chiến khu Đồng Tháp Mười, phải chuyển ra miền Bắc điều trị. Vậy mà, vừa điều trị thương tích, anh vừa học chữ.

Vốn thông minh thiên phú, thương binh Nguyễn Văn Bé học một mạch đến tốt nghiệp THPT là lúc đất nước thống nhất, anh đáp chuyến tàu xuyên Việt xuôi về Nam. Rồi anh thi đậu, vào học Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Tốt nghiệp dược sĩ (DS) đại học hạng ưu, anh được trường giữ lại làm giảng viên nhưng là người có máu ưa khám phá cái mới, anh đâu chịu ở một chỗ an nhàn mà nhất quyết xin đi...

Thoạt đầu, anh đi Trại Rắn Đồng Tâm ở Tiền Giang làm và học nghề thuốc rắn. Rồi anh đi Xí nghiệp Tinh dầu tràm Mộc Hóa. Rồi lại mang balô dẫn đầu hơn 20 đồng sự đi tìm nguồn dược liệu trong thiên nhiên theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế - TS.DS Nguyễn Duy Cương. Cả nhóm lội bưng sình ngập nước đi suốt một ngày, một đêm mới đặt chân tới “kho báu” trên đây, coi lại cả đoàn chỉ còn chưa tới 1/4. Mặc ai bỏ cuộc, DS. Nguyễn Văn Bé và KS. Lâm Viết Lợi vẫn quyết dựng chòi trụ lại trong khu rừng tràm gió bạt ngàn giữa cánh đồng hoang mênh mông.


 Ông Ba Đất phèn. Ảnh: khanhanmephar.com.vn

Trải mấy năm bầm dập với thiên nhiên khắc nghiệt, các anh được lãnh đạo huyện Mộc Hóa lúc ấy hỗ trợ hết mình dù hoàn cảnh khá ngặt nghèo, để rồi tạo dựng nên vóc dáng một "tiểu giang sơn gấm vóc" mang tên Trung tâm Bảo tồn, Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười. Rồi đến nay, trở thành công ty cổ phần mang tên MEPHYDICA; DS. Nguyễn Văn Bé được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc MEPHYDICA.

“Anh Bé với tôi cùng học một trường, một khóa... Cưới nhau, ảnh có "máu" hay đi... Còn tôi thì ở lại với Tổng Công ty Dược của Bộ Y tế đóng tại TP.HCM. Ảnh ra đi đột ngột nên tôi phải về đây thay ảnh thôi...” - DS. Nguyễn Thị Ngọc Phương - người bạn đời của ông Ba Đất phèn tâm sự.

Chị cho hay, Công ty CP MEPHYDICA gồm 3 phần hùn; trong đó, vốn vợ chồng chị chiếm phần lớn. Sinh thời, ông Ba Đất phèn có ý trả lại cho địa phương 891ha, chỉ giữ lại cho MEPHYDICA 150ha để tập trung vào nghiên cứu khoa học, nuôi trồng cây cỏ dược liệu và chiết xuất dịch tinh dầu cung ứng cho các xí nghiệp ở TP.HCM đưa vào máy làm ra thành phẩm thuốc viên hay thuốc nước trị bệnh. Cố DS., Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bé (Ba Đất phèn) rất tán tụng công đức Hải Thượng Lãn Ông và Tuệ Tĩnh,... và tại đây, ông có lập bàn thờ 2 vị đại danh y ấy.

Tôi leo từng bậc lên ngôi tháp 6 tầng đúng như ông Ba Đất phèn từng phác thảo. Từ tầng 6 nhìn ra toàn cảnh không gian xung quanh, cảm giác như đang trôi bềnh bồng trên tầng tầng thảm xanh thực vật. Cảnh cũ còn đây mà người cũ đã ra thiên cổ. Ở tầng tháp trên cùng treo một cái chuông đồng khá to. Có lẽ, tất cả còn nằm trong dự định của người Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Di sản của ông để lại đây rất nhiều không chỉ cho người bạn đời chung thủy của ông - DS. Ngọc Phương - và các đồng sự. Họ sẽ kế thừa và phát huy sao cho xứng đáng? Còn lãnh đạo địa phương cũng có phương án tiếp nhận phần đất 891ha của những người khai phá trao lại để tôn tạo thiên nhiên và phát triển thêm để tăng giá trị cho một vùng sinh thái giàu sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng nhằm tăng hiệu quả KT-XH, hướng đến tương lai bền vững./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết