Tôi đã đến đây từ những năm đầu “Cánh đồng hoang” Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) được dược sĩ (DS) Nguyễn Văn Bé (ông Ba Đất phèn) được cấp phép khai thác trồng rừng dược liệu và lập Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười. Lúc bấy giờ, nơi đây bề bề hoang vắng và khắc nghiệt với vô vàn cái khó, cái khổ.
Lớp người đầu tiên trụ lại từ vài chục bỏ đi dần đến không còn ai, chỉ có DS Bé làm giám đốc và kỹ sư nông nghiệp Lâm Viết Lợi làm phó giám đốc “vật lộn” với đất phèn đậm đặc, bắt nó phải “nhả” ra kho báu mà thiên nhiên đang cất giấu ở đâu đó, để rồi hôm nay...
Người mở đất vẫn sống đâu đây...
Thế là đã 40 năm trôi qua kể từ khi chân đất ông băng “Cánh đồng hoang” mịt mùng cỏ cây hoang dại, không một bóng người hay một nóc nhà dân. Ông móc đất đắp nền che chòi ở, khởi nghiệp cùng với bạn Lợi là kỹ sư nông nghiệp. Đôi bạn đồng hành hướng tới tương lai...
Hôm nay, tôi bần thần đến trước tấm bia lưu niệm dựng bên tòa tháp 6 tầng, ngước lên đọc bài văn bia: “Năm 1983, anh - một thương binh - dược sĩ đại học - một chiến sĩ cộng sản đã gác lại những hứa hẹn tương lai xán lạn nơi thành phố tiện nghi, tạm xa người vợ, người đồng chí, đồng nghiệp và hai con bé bỏng thương yêu. Anh về đây với hành trang duy nhất: Niềm đam mê thiên nhiên.
Bia tưởng niệm ông Ba Đất phèn
Anh đã biến vùng đất phèn hoang vắng này thành kho báu sinh thái của Đồng Tháp Mười với rừng tràm bát ngát hương thơm, với nhiều thảo dược lạ, xanh ngút ngàn; những loài chim hiếm, thấy đất lành cũng về đây trú ngụ.
Anh đã cung cấp cho ngành dược những sản phẩm giá trị từ công trình nghiên cứu đầy gian nan, từ những cỏ cây được lớn lên bằng mồ hôi nước mắt của chính mình.
Ngày 5 tháng 9 năm 2016, tức mồng 5 tháng 8 năm Bính Thân, anh đã vĩnh viễn nằm xuống nhưng trái tim và dòng máu nhiệt thành của anh vẫn tiếp tục chăm bồi cho vùng đất anh yêu thương. Nơi đây, những người dân vẫn tiếp tục gọi tên anh thân thuộc: “Ông Ba Đất phèn”.
Đất nước Việt Nam tôn vinh anh - Anh Nguyễn Văn Bé - Anh hùng Lao động, chúng tôi mãi mãi tri ân và nhớ thương anh. ANH BA!”.
Những lời tâm huyết của lớp người kế tục sự nghiệp của ông Ba Đất phèn đã dựng bia ghi lời ân tình như thế - họ coi ông như vẫn hiện hữu ở đây. Họ “uống nước nhớ nguồn”, tâm niệm phải sống xứng đáng với công lao của người tiên phong mở đường, biến “Cánh đồng hoang” thành “Cánh đồng bất tận”...
"Cánh đồng bất tận"
Ngày cuối tuần mà Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (cũng là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe) - DS Bùi Đắc Thắng và Phó Tổng Giám đốc - DS Thái Thanh Thảo lại bận rộn tiếp nhiều đoàn khách đến tham quan và làm việc. Mãi chiều tối, chúng tôi mới đến, cả hai cùng tiếp chúng tôi như đã hẹn trước.
Anh Thắng nói ngay: “Chúng ta tranh thủ làm việc, vì sáng sớm mai, tôi và DS Thảo phải lên Trường Đại học Y Dược TP.HCM để học thạc sĩ”.
Rồi anh nói vui: “Mình 53 tuổi, phải học đuổi theo con trai đang học tiến sĩ ở Mỹ, cố bắt nhịp với con cho kịp!”.
Anh Thắng và DS Thảo là bạn đồng môn. DS Thảo lớn tuổi hơn và học trước anh 3 khóa. DS Thảo ra trường, làm việc cho một công ty dược của Bộ Y tế ở TP.HCM cho tới tuổi về hưu, được DS Bé kêu gọi về đây làm việc, phải xa gia đình ở TP.HCM nhưng vẫn về nhà vào những ngày nghỉ. Ở tuổi 64, trông chị vẫn trẻ như độ tuổi 40.
Dược sĩ Bùi Đắc Thắng bên xưởng chế biến dược liệu
Anh Thắng kể, khi còn là sinh viên, anh đã bị bệnh trĩ rất nặng, chữa trị qua nhiều năm mà không khỏi. Lúc về đây thực tập, được DS Bé chữa trị dứt bệnh chỉ bằng một loại dược liệu tinh chế từ cây rau diếp cá. Cả anh Thắng và chị Thảo đều coi DS Bé như người thầy và rất quý trọng người tiền nhiệm. Dễ hiểu bởi những gì hiện hữu trên vùng đất mệnh danh “Cánh đồng bất tận” hôm nay đều có dấu ấn của ông Ba Đất phèn. Chuyện đời ông như một huyền thoại: Thuở bé đi ở đợ, chăn trâu, một chữ “bỏ túi khôn” không có. Ra bưng gặp cách mạng, xin đi làm giao liên, du kích, được các chú, các anh dạy học để biết đọc, biết viết. 18 tuổi, ông tham gia đánh trận, bị thương nặng phải đưa ra miền Bắc chữa trị. 5 năm nằm viện là 5 năm “dùi mài kinh sử”.
Đất nước thống nhất, về Nam, ông Bé thi đậu Khoa Dược - Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Tốt nghiệp thủ khoa, DS Bé được trường giữ lại làm giảng viên. Rồi học làm thầy thuốc rắn, trước khi làm Giám đốc Xí nghiệp Dầu tràm Mộc Hóa. “Thông tin khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã làm cho Xí nghiệp Dầu tràm Mộc Hóa của thầy Bé bị mất thị trường, phải giải thể là chưa đúng. Nguyên nhân do các lò cất tinh dầu tràm thủ công lén pha dầu lửa vào, bị khách hàng phát hiện, họ trả về làm cho DS Bé chịu tiếng...” - anh Thắng giải thích. Tính ông Ba Đất phèn ngay thẳng, luôn bảo vệ chữ tín. Sau đó, ông cho ra đời sản phẩm Mộc Hoa Tràm đang thịnh hành.
Tủ trưng bày sản phẩm của Công ty Cổ phần Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười
Mộc Hoa Tràm là thương hiệu của hàng trăm sản phẩm tinh dầu chiết xuất từ các loại cây dược liệu trên “Cánh đồng bất tận”, trong đó, có nhiều cây di thực từ nhiều nơi trong nước. Đặc biệt, cây tràm trà do DS Bé di thực từ Indonesia, cây ớt Peru từ Nam Mỹ là nguồn dược liệu quý để chế biến nhiều loại thuốc trị bệnh của công ty. Anh Thắng mở tủ cho xem hàng trăm loại thuốc sản xuất tại Nhà máy dược phẩm dược liệu Mộc Hoa Tràm, có loại dùng xịt phòng ngủ, phòng làm việc,... với mùi thơm dễ chịu, sảng khoái, khử được mùi hôi, xua đuổi được ruồi, muỗi, côn trùng,... mà nguyên liệu để chế biến là từ lá bạch đàn chanh trồng rất nhiều tại đây. Mỗi khi xưởng cất tinh dầu tràm hoạt động, khói từ các lò cất bốc ra lan tỏa một vùng không gian rộng lớn, không thể kiếm được con muỗi vo ve đáng ghét. Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, khi Tỉnh lộ 49 (sau này là Quốc lộ 62) chỉ là bờ đất nổi lên mấy chục lò thủ công cất tinh dầu từ cây tràm gió, nấu bằng thùng phuy, khói bốc ra mịt mù cũng làm cho “muỗi kêu như sáo thổi” phải biến mất. Tôi nói với anh Thắng rằng tôi ra Huế, thấy người ta bán dầu tràm chất đống trên sạp hàng, toàn là chai 1 lít, bình 3-5 lít. Anh cười, lấy tặng tôi một lọ dầu xoa nhãn hiệu Mộc Hoa Tràm chỉ bằng ngón tay cái. Anh nói Mộc Hoa Tràm là tràm Mộc Hóa...
Bút ký Quang Hảo
(còn tiếp)
Kỳ tới: Du lịch tắm rừng dược liệu