Tiếng Việt | English

24/02/2020 - 21:06

Du lịch Việt Nam liên minh vượt khó, biến nguy cơ thành cơ hội

Cơ quan quản lý nhà nước cũng kiến nghị Chính phủ thực hiện nhiều chính sách nhằm giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn, biến nguy cơ thành cơ hội...

Khách tham quan phố cổ Hội An tăng trở lại sau nhiều ngày sụt giảm do lo ngại dịch COVID-19. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Dịch bệnh COVID-19 gây thiệt hại nặng nề cho du du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng mừng là du lịch Việt Nam không chịu “bó tay” mà chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Một liên minh các doanh nghiệp du lịch đã ra đời, cùng nhau thực hiện kích cầu du lịch quy mô quốc gia ở những điểm đến an toàn, phù hợp với nhu cầu du khách. Cơ quan quản lý nhà nước cũng kiến nghị Chính phủ thực hiện nhiều chính sách nhằm giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn, biến nguy cơ thành cơ hội...

Chủ động đón đầu giai đoạn “bùng nổ” trở lại

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dịch COVID-19 mới được phát hiện chưa đầy hai tháng nhưng du lịch Việt Nam đã thiệt hại nghiêm trọng. Dự kiến lượng khách quốc tế đến trong tháng 2-3/2020 sẽ giảm trên 60%; lượng khách nội địa có thể giảm đến 80%. Hàng loạt cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ, lữ hành, vận chuyển chỉ hoạt động cầm chừng. Một số lao động du lịch được đề nghị tạm nghỉ hoặc nghỉ luân phiên.

Trước tình hình này, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xây dựng ba kịch bản dự báo diễn biến của dịch. Đó là, kết thúc quý 1, dịch sẽ chấm dứt và các hoạt động du lịch phục hồi trở lại. Thứ hai, kết thúc quý 2 vào mùa Hè và kịch bản thứ ba là dịch kết thúc vào quý 3/2020. Với từng kịch bản, ngành đều có đánh giá, phương án để đảm bảo ngành du lịch hoạt động ổn định.

Tổng cục Du lịch nhận định chắc chắn sau thời kỳ suy giảm trầm trọng về khách du lịch do dịch bệnh sẽ có một giai đoạn trì trệ và hoạt động cầm chừng. Nhưng sau đó sẽ là giai đoạn bùng nổ khách du lịch quay trở lại Việt Nam.

Do đó, Tổng cục Du lịch đề nghị các doanh nghiệp coi đây không chỉ là giai đoạn khó khăn mà phải coi là cơ hội đánh giá lại chiến lược phát triển, năng lực, từ đó có bước phát triển bền vững tiếp theo. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tái cơ cấu lại thị trường khách, đa dạng hóa thị trường khách, không phụ thuộc vào một thị trường…

Tổng cục Du lịch đề nghị doanh nghiệp cần cải thiện nâng cao chất lượng của các sản phẩm du lịch; tăng cường liên kết nhằm chia sẻ khó khăn, thực hiện kích cầu. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng cần tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch đến các thị trường khách thay thế. Công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ lao động, nguồn nhân lực cần thực hiện giai đoạn này nhằm nâng cao chất lượng nhân lực, dịch vụ đón đầu cho giai đoạn “bùng nổ” trở lại.

Tổng cục Du lịch cũng tập trung kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng hai nhóm vấn đề, đó là đề nghị Thủ tướng miễn, giảm thuế VAT với các doanh nghiệp du lịch và chậm trả thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020; Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng cho phép chậm trả lãi suất vay ngân hàng, để giúp cho các doanh nghiệp đủ năng lực, điều kiện vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bên cạnh đó, ngành du lịch đề nghị Thủ tướng cho miễn thị thực (visa) đơn phương, một số quốc gia như Australia, New Zealand, Canada, một số nước Bắc Âu, chính sách miễn lệ phí visa cho khách đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế đưa vào Việt Nam; thực hiện visa điện tử giúp thuận lợi...

Kích cầu nội địa ngay trong giai đoạn khó khăn

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã cho ra đời liên minh kích cầu du lịch Việt Nam quy mô quốc gia, huy động sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp du lịch hàng đầu và các địa phương.

Chương trình kích cầu du lịch này sẽ góp phần khắc phục sự suy giảm khách du lịch quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa, khích lệ người dân đi du lịch tới các địa phương không có dịch bệnh.

Bước đầu liên minh minh kích cầu tiến hành chương trình giới thiệu, xúc tiến du lịch tại bốn tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty HanoiRed tour, cho biết bước khởi đầu chương trình kích cầu ở những tỉnh nêu trên là do bốn địa phương đến nay chưa có dịch bệnh, có những yếu tố về mặt địa lý riêng khiến cho những vùng đất này hoàn toàn không bị ảnh hưởng.

Hiện tại thời tiết ở bốn tỉnh đều thuận lợi, cảnh quan đẹp. Quan trọng hơn là các địa phương đều cam kết mạnh mẽ về thực hiện các biện pháp kiểm soát tại dịch vụ, nguồn du khách tới từ các vùng khác nhau để đảm bảo an toàn cho du khách. Đây thực sự là sự lựa chọn tốt nhất về điểm đến cho chương trình kích cầu.

Trong đó, Bình Định và Phú Yên đang là những điểm đến mới nổi ở Việt Nam, có nhiều bãi biển đẹp, quanh năm nắng ấm, càng ngày càng có thêm nhiều khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Trong đó Phú Yên được mệnh danh là xứ “hoa vàng cỏ xanh” bởi nơi đây là địa điểm quay bộ phim ''Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh'' rất ấn tượng, thu hút du khách đến tham quan. Với Bình Định-Phú Yên có thể tổ chức những tour kéo dài 4 ngày 3 đêm ở hai tỉnh này với các điểm tham quan, bãi biển hấp dẫn như Kỳ Co, Eo Gió, tháp Bánh Ít, Hòn Khô (Bình Định), gành Đá Đĩa, bãi Môn- mũi Điện, bãi Xép (Phú Yên)…

Còn Gia Lai và Đắk Lắk thì chuẩn bị vào mùa hoa càphê, ong đi lấy mật, được coi là mùa đẹp nhất trong năm. Hai tỉnh này có vẻ đẹp hoang sơ và đậm bản sắc dân tộc khu vực Tây Nguyên.

Tất cả các doanh nghiệp, điểm đến của 4 tỉnh này đều đồng lòng tham gia kích cầu, cam kết áp dụng quy trình tiêu chuẩn an toàn ở mức cao nhất. Các đối tác landtour còn giảm giá 10-40%, thậm chí còn miễn số một số dịch vụ khác.

Ông Nguyễn Công Hoan cũng cho biết chương trình kích cầu bước đầu kéo dài đến hết tháng 6/2020, đã nhận được sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp, các hãng hàng không. Trong đó, Vietnam Airlines đã dành biểu giá giảm 40% so với mức giá thấp nhất hiện hành cho các đơn vị trong liên minh kích cầu. Các doanh nghiệp lữ hành lớn nhất miền Bắc cùng nhau tính toán để tạo ra sản phẩm tốt nhất, hiệu quả, hợp lý nhất. Các sản phẩm Quy Nhơn-Tuy Hòa; Buôn Ma Thuột-Pleiku; Tuy Hòa-Buôn Ma Thuột; Quy Nhơn-Gia Lai kéo dài 4 ngày đều có chung mức giá 4.490.000 đồng trọn gói...

Khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An tăng trở lại sau nhiều ngày sụt giảm do lo ngại dịch COVID-19. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)
Cơ hội tốt cho du khách nội địa

Để ứng phó vượt qua khó khăn trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, rất nhiều đơn vị lữ hành, du lịch, lưu trú chủ động triển khai chương trình giảm giá hấp dẫn nhằm kích cầu, đón luồng du khách nội địa cho mùa Hè tới ngay từ bây giờ.

Các hãng hàng không nội địa Vietjet, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Bamboo Airways đồng loạt giảm giá vé máy bay. Giá vé đến các “điểm nóng” du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… từ Hà Nội với mức giá giá rẻ “giật mình."

Tổng Giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết với những nỗ lực phòng chống dịch, Việt Nam hiện đã là điểm đến an toàn. Các khách sạn, nhà hàng, phương tiện chuyên chở, hàng không tích cực thực hiện các biện pháp để bảo vệ du khách khỏi nguy cơ lây nhiễm. Khách châu Âu, Australia, Mỹ... vẫn đi du lịch Việt Nam và họ rất yên tâm vì Việt Nam đang thực hiện công tác chống dịch rất tốt.

Do đó, với những người yêu du lịch, đây là cơ hội tuyệt vời để đi du lịch giá rẻ siêu khuyến mại tới các địa danh du lịch nổi tiếng, thiết thực “giải cứu” du lịch Việt Nam. Với mức giảm giá tới 70%, nhưng dịch vụ vẫn bảo đảm do hàng không và khách sạn trống chỗ nên bán cắt lỗ. AZA travel cũng bán tour không lợi nhuận để cùng kích cầu du lịch với mức giá giảm 70% tới 10 điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam: Phú Quốc, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Buôn Mê Thuột, Gia Lai.

Để kích cầu du lịch, chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng của Sun Group cũng đưa ra hàng loạt các gói ưu đãi nghỉ dưỡng trong giai quý 1/2020 với thông điệp về những điểm đến an toàn tại Việt Nam.

Tập đoàn này xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo môi trường du lịch an toàn, sạch sẽ và hấp dẫn cho du khách. Các biện pháp quyết liệt và đồng bộ ngay từ đầu mùa dịch đã được triển khai tại các công trình, tổ hợp vui chơi giải trí, khách sạn, resort, cảng hàng không quốc tế do Tập đoàn đầu tư và vận hành.

Hiện tại, hệ thống điểm đến du lịch của Tập đoàn đều an toàn, các biện pháp phòng ngừa dịch được thực hiện tích cực. Sun Group cũng đã sẵn sàng kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ, cải tạo cảnh quan, xây dựng các gói sản phẩm hấp dẫn, chương trình khuyến mại để thu hút du khách, nhất là sau khi dịch kết thúc...

Với những hành động chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do dịch bệnh COVID-19 của cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và các địa phương, doanh nghiệp, hy vọng du lịch Việt Nam sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và có bước phát triển trong thời gian sớm nhất./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết